Tìm điểm sáng trong xuất nhập khẩu tháng 10

(ĐTCK-online) Bức tranh xuất nhập khẩu năm 2010 có nhiều điểm sáng, nhập siêu cả năm dự kiến ở mức 17,8% kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, vẫn cần chú ý đến cơ cấu hàng nhập khẩu để kiềm chế nhập siêu trong những tháng cuối năm và cải thiện chất lượng xuất khẩu.
Tổng kim ngạch nhập khẩu 10 tháng đầu năm ước đạt 67,28 tỷ USD. Tổng kim ngạch nhập khẩu 10 tháng đầu năm ước đạt 67,28 tỷ USD.

Xuất khẩu vượt chỉ tiêu

Bộ Công Thương dự báo, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2010 có thể đạt 70 tỷ USD. Với những thuận lợi về giá cả, thị trường, đơn hàng…, trong tháng 10, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 6,25 tỷ USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm 2009. 10 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 57,8 tỷ USD, tăng 23,3% so với cũng kỳ và vượt 17,3% so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Bình quân mỗi tháng, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 5,78 tỷ USD, cao hơn mức bình quân theo kế hoạch là 5,04 tỷ USD/tháng.

Cùng với sự tăng trưởng khả quan về kim ngạch thì cơ cấu hàng hóa xuất khẩu đã có những chuyển biến tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp, chế tạo, nhóm hàng có hàm lượng công nghệ, chất xám cao và giảm dần xuất khẩu hàng thô. Tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến so với cùng kỳ năm 2009 tăng từ 62,8% lên 68,2%. Nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản giảm từ 15,5% xuống 11%. Trong 10 tháng qua, xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản ước đạt 12 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ. Tương tự, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến có sự tăng trưởng ấn tượng với kim ngạch ước đạt 39,42 tỷ USD, tất cả các mặt hàng trong nhóm hàng này đều đạt mức tăng trưởng dương về kim ngạch, trong đó tăng mạnh nhất là hóa chất (188%), sắt thép các loại (190%), cao su (80,8%). Trong khi đó, xuất khẩu nhóm nhiên liệu và khoáng sản tiếp tục giảm với kim ngạch ước đạt trên 6,36 tỷ USD, giảm 12,6% so với cùng kỳ, trong đó dầu thô giảm 44,3%, than đá giảm 22,1%...

Trong các nhóm hàng chủ lực, đã có những ngành về đích sớm. Đơn cử, dệt may đạt kim ngạch xuất khẩu 1,1 tỷ USD trong tháng 10, đưa kim ngạch 10 tháng lên 9,11 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước. Theo ông Phạm Xuân Hồng, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), với tốc độ xuất khẩu như hiện nay, ngành dệt may ước tăng ít nhất 500 triệu USD so với chỉ tiêu đặt ra. Nhiều DN đã đạt được các thỏa thuận cho năm 2011. Với xuất khẩu gạo, các DN đã ký được hợp đồng xuất khẩu lên tới 6,8 triệu tấn, vượt kế hoạch 6,5 triệu tấn. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý một điểm là kết quả xuất khẩu tháng 10 khả quan như vậy là do sự đóng góp của việc tăng giá của hầu hết các mặt hàng. Điển hình, giá hạt tiêu tăng 38%; điều tăng 20%; sắt tăng 78%; dầu thô tăng 35%; than đá tăng 55%...

Nhập khẩu: Lo ở cơ cấu

Tổng kim ngạch nhập khẩu 10 tháng đầu năm ước đạt 67,28 tỷ USD, trong đó riêng tháng 10, kim ngạch nhập khẩu đạt trên 7,35 tỷ USD, nhập siêu tháng 10 ở mức 1,1 tỷ USD, bằng 17,6% kim ngạch xuất khẩu và tháng 10 là tháng thứ 4 liên tiếp cả nước duy trì được mức nhập siêu dưới 20%. Nếu liên tục trong 8 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu luôn cao hơn xuất khẩu thì từ tháng 9 đến nay, xu hướng này đã đảo chiều. Tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu giảm dần theo các tháng, cụ thể, trong 5 tháng đầu năm, tỷ lệ này lần lượt là 21,2%; trong 6 tháng đầu năm là 19,38%; 7 tháng là 18,8%... 9 tháng là 16,31% và 10 tháng là 16,45%.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, nhập khẩu cả năm 2010 sẽ đạt 82,5 tỷ USD, tăng 17% so với năm 2009 và mức nhập siêu của cả năm 2010 sẽ nằm trong khoảng 12,5 tỷ USD và tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu khoảng 17,8%. Dự báo này được đưa ra trên cơ sở giá cả trên thị trường thế giới những tháng cuối năm tương đối ổn định. Bên cạnh đó, lượng tồn kho trong nước đối với một số mặt hàng còn tương đối lớn, đồng thời Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp triển khai các biện pháp kiềm chế nhập siêu.

Đứng ở góc độ giới chuyên gia hoặc DN, 2 tháng cuối năm còn nhiều ẩn số với nhập khẩu. Thứ nhất, kim ngạch nhập khẩu của các nhóm hàng cần kiểm soát và nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu (gồm ô tô dưới 9 chỗ, hàng tiêu dùng và xe máy nguyên chiếc) trong 10 tháng qua tăng cao hơn nhiều so với nhóm hàng cần nhập khẩu. Cụ thể, so với cùng kỳ năm 2009, trong 10 tháng qua, nhóm cần kiểm soát nhập khẩu tăng tới 38,5%, nhóm cần hạn chế nhập khẩu tăng 19%, trong khi nhóm cần nhập khẩu chỉ tăng 18%. Tháng 11 và tháng 12 là thời  điểm tiêu dùng xa xỉ tăng mạnh do trùng vào dịp cuối năm, nhập khẩu những mặt hàng này có thể tiếp tục tăng cao. Thứ hai, diễn biến tỷ giá đang được DN theo dõi sát, vì hiện nay cung ngoại tệ rất căng thẳng. Nhiều DN phản ánh, muốn mua ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng buộc phải trả thêm phí hoặc rất khó mua và phải gom từ thị trường tự do. Dù tỷ giá có điều chỉnh hay không, giá giao dịch ngoại tệ đã tăng cao hơn so với trước và điều này sẽ trực tiếp đẩy kim ngạch nhập khẩu tăng trong những tháng cuối năm.

Nhìn dài hạn, cơ cấu nhập khẩu cũng có điểm đáng lưu tâm. 10 tháng, khối DN FDI có giá trị nhập khẩu tăng 41,2%, còn DN trong nước chỉ tăng 8,7%. Với mức tăng xuất khẩu trong 10 tháng đầu năm đạt 25,8% (chưa kể dầu thô), tăng trưởng nhập khẩu lên trên 41%, có thể thấy tỷ trọng gia công, giá trị gia tăng thấp trong các ngành chế biến, sản xuất của Việt Nam chưa được cải thiện.     

Phương Anh
Phương Anh

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,173.64 -19.37 -1.65% 82,184 tỷ
HNX 221.18 -5.02 -2.27% 1,055 tỷ
UPCOM 87.29 -0.86 -0.99% 263 tỷ