Tìm cơ hội với cổ phiếu “ẩn mình” trên UPCoM

(ĐTCK) Trong tháng 8 này, sàn UPCoM sẽ phải chia tay 2 cổ phiếu có thị giá cao là SGN (của CTCP Phục vụ mặt đất Sài Gòn) và SCS (của CTCP Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn). Sự kiện chuyển sàn của hai cổ phiếu này cũng gợi mở cho nhà đầu tư cơ hội ở những đại gia khác đang “ẩn mình” trên UPCoM.
Tìm cơ hội với cổ phiếu “ẩn mình” trên UPCoM

Kể từ đầu tháng 8 này, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) sẽ chính thức chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần. Tiếp đó, Tổng công ty dự kiến sẽ hoàn tất quyết toán cổ phần hóa trong quý I/2019.

Đây là một trong những cơ sở quan trọng để PV Oil có thể đáp ứng được điều kiện niêm yết. Việc niêm yết được cho là yếu tố thuận lợi cho kế hoạch thoái vốn Nhà nước tại PV Oil từ mức 80,52% xuống còn 35,1% được dễ dàng hơn.

Kết thúc 7 tháng đầu năm, Tổng công ty ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 32.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 370 tỷ đồng, hoàn thành khoảng 74% kế hoạch năm. Kế hoạch kinh doanh 2018 của PV Oil là doanh thu 43.240 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 500 tỷ đồng, dựa trên giả định giá dầu 50 - 65 USD/thùng. Ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc PV Oil cho biết, nếu diễn biến giá ổn định trong những tháng cuối năm, Tổng công ty có thể vượt kế hoạch lợi nhuận từ 50 - 100 tỷ đồng.

PV Oil là doanh nghiệp phân phối và bán lẻ xăng dầu có thị phần lớn thứ 2 cả nước với 22%, sau Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam. Theo nhiều đánh giá, Công ty còn nhiều dư địa tăng trưởng, nhất là khi Tổng công ty gia tăng được số lượng cửa hàng và đẩy mạnh tỷ trọng bán lẻ với mức biên lợi nhuận ổn định như kế hoạch đề ra. Theo kế hoạch, PV Oil sẽ thực hiện M&A doanh nghiệp cùng ngành và xây dựng thêm cửa hàng mới để tăng độ phủ.

Hiện cơ cấu cổ đông của PV Oil, ngoài Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chiếm hơn 80% vốn, còn có nhóm cổ đông của CTCP Hàng không Vietjet có ý định đồng hành lâu dài cùng doanh nghiệp.

Vietjet cũng là 1 trong 4 nhà đầu tư đã xác nhận tham gia đàm phán và đấu giá cổ phần chào bán cho cổ đông chiến lược của PV Oil, nhưng kế hoạch này trên thực tế đã phải dừng lại. Có thể thấy, việc tham gia của Vietjet vào PV Oil không chỉ tận dụng lợi thế trong cung cấp nguồn nguyên liệu và sự hợp tác này theo đánh giá của một số tổ chức đầu tư có thể mang lại giá trị cộng hưởng cho cả hai bên.

Có cùng câu chuyện thoái vốn nhà nước và niêm yết là cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam. Đây là yếu tố được đánh giá có tác động tích cực vào giá cổ phiếu ACV trong ngắn hạn.

Đại diện ACV cho hay, Tổng công ty phải hoàn thành công tác quyết toán thuế, sau đó là quyết toán giá trị vốn cổ phần để đủ điều kiện niêm yết trên HOSE; đồng thời, giải quyết cơ chế quản lý khu bay.

Với lợi thế gần như độc quyền trong lĩnh vực khai thác cảng hàng không, cũng như hưởng lợi từ tốc độ tăng trưởng ngành với mức tăng trưởng kép giai đoạn 2012 - 2017 gần 20%, ACV đang được đánh giá là một trong những địa chỉ đầu tư tiềm năng trong ngành. 6 tháng đầu năm 2018, ACV công bố doanh thu thuần 4.006 tỷ đồng, tăng 20% so cùng kỳ, đạt 50% chỉ tiêu năm.

Đáng chú ý, doanh thu tài chính quý II tăng đột biến nhờ lãi tiền gửi và lãi chênh lệch tỷ giá, đạt 811 tỷ đồng, tăng 210% so với cùng kỳ. Theo đó, lãi ròng hợp nhất của ACV đạt 2.112 tỷ đồng, tăng mạnh 78% so cùng kỳ, lũy kế 6 tháng lên 3.084 tỷ đồng, tăng 82% so với cùng kỳ, đạt 67% kế hoạch năm.

Tuy nhiên, yếu tố rủi ro mà nhà đầu tư cần xem xét tại ACV là những sai phạm của Công ty liên quan đến phân bổ sử dụng vốn. Thực tế, trước những kết luận sai phạm, giá cổ phiếu ACV thời gian qua ít nhiều đã bị ảnh hưởng đáng kể. Kết thúc phiên 1/8, thị giá ACV dừng ở mức 87.000 đồng/cổ phiếu, giảm gần 27% so với thời điểm đầu năm.

Một cổ phiếu thuộc hàng “hot” trên sàn UPCoM là CTCP Tập đoàn Lộc Trời (LTG) cũng có kế hoạch chuyển sang niêm yết trên HOSE trong năm 2019. Để nâng cao chất lượng quản trị và minh bạch trước khi niêm yết, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc LTG cho biết, Công ty sẽ đẩy nhanh mạnh và quyết liệt hơn quá trình tái cơ cấu quản trị, vốn tồn tại nhiều hạn chế trong nhiều năm qua, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh.

Từ đầu năm 2018, LTG đã ký hợp đồng thuê PwC Việt Nam tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp trong tái cấu trúc doanh nghiệp, đặc biệt là công tác quản trị.

Chiến lược đầu tư xây dựng chuỗi lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn của SRP của LTG bước đầu đã cho kết quả tích cực và Công ty dự kiến lãi 50 tỷ đồng cho mảng lương thực trong năm nay, trong khi các năm trước mảng này còn lỗ.

Hiện với mức giá 38.000 đồng/cổ phiếu, kết thúc phiên 1/8, LTG đang giao dịch ở mức P/E trượt 4 quý gần nhất là 6 lần. Nếu kế hoạch kinh doanh năm 2018 hoàn thành múc lợi nhuận 589 tỷ đồng đề ra, P/E tiếp tục giảm về mức chỉ khoảng 5,2 lần.

Với vị thế đầu ngành thuốc bảo vệ thực vật, cũng là doanh nghiệp tiên phong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cùng với đó là sự hợp tác với Viên Thị Hồ Nam, một trong những công ty lương thực lớn của Trung Quốc giúp củng cố hoạt động xuất khẩu lúa gạo của LTG sang thị trường này.

Dù vẫn còn nhiều hạn chế về thanh khoản cũng như mức độ quan tâm của nhà đầu tư, nhưng không thể phủ nhận, UPCoM đang là nơi “ẩn mình” của nhiều cổ phiếu tiềm năng. 

Ngọc Nhi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,284.09 -6.09 -0.47% 222,494 tỷ
HNX 242.58 -1.33 -0.55% 1,766 tỷ
UPCOM 91.4 -0.08 -0.09% 632 tỷ