Thực trạng nhóm công ty vận tải biển Việt Nam

(ĐTCK-online) Trong công cuộc hội nhập WTO, việc gia tăng trao đổi thương mại là không thể thiếu, nhu cầu về giao thương giữa các nước trên thế giới tăng mạnh kéo nhu cầu về vận tải biển tăng theo. Theo thống kê, vận tải biển chiếm khoảng 80% lưu lượng hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, có những khó khăn và thuận lợi nhất định đối với nhóm vận tải biển.

Về thuận lợi, giá dịch vụ vận chuyển trong nước và quốc tế tăng cao cùng với khối lượng xuất nhập khẩu lớn. Kim ngạch nhập khẩu trong quý I/2008 đã lên tới 20,4 tỷ USD, tăng 62,5% so với cùng kỳ năm 2007, chủ yếu là nhập nguyên vật liệu. Như vậy, đây là nguồn hàng lớn cho ngành vận tải biển trong nước. Vì vậy, để phục vụ tốt nhu cầu vận chuyển hàng hoá quốc tế, nhiệm vụ quan trọng đặt ra là phải đầu tư đổi mới, nâng cao năng lực đội tàu.

Hiện nay, nhóm công ty vận tải biển Việt Nam đã có số lượng tàu khá lớn nhưng đội tàu của các công ty này chủ yếu là tàu có trọng tải nhỏ và già nên năng suất vận chuyển vẫn còn hạn chế. Trong năm nay, các công ty vận tải biển đang tập trung đầu tư phát triển đội tàu. Tháng 12/2007, tàu chở dầu lớn nhất Việt Nam là Vinalines Galaxy đã được Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đưa vào hoạt động. Trong thời gian tới, Nosco cũng chuẩn bị đưa vào hoạt động Tàu Epiphania, trọng tải 68.591 DWT, trị giá 78,5 triệu USD - đây là con tàu có trọng tải lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại.

Trong thời gian qua, các công ty hàng hải tuy có xu hướng đầu tư tàu có trọng tải lớn nhưng độ tuổi lại già với mục đích giảm thiểu chi phí đầu tư. Trong điều kiện hiện nay, các dự án này có thể mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp trong thời gian trước mắt nhưng không đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững và lâu dài.

Mặt khác, với năng lực cảng biển của Việt Nam như hiện nay, nếu không đẩy mạnh phát triển thì thời gian tới tàu bè sẽ phải xếp hàng chờ bốc xếp hàng xuất nhập khẩu. Thời gian chờ đợi lâu sẽ làm cho chi phí của các công ty vận tải biển tăng cao và khả năng cạnh tranh quốc tế giảm, ảnh hưởng tới sự phát triển chung của kinh tế đất nước. Bên cạnh đó, khó khăn về diễn biến giá nguyên vật liệu trên thế giới tăng cao đã đẩy giá xăng dầu trong nước biến động tăng một cách mạnh mẽ. Đối với hoạt động vận tải biển thì đây là nguồn nhiên liệu đầu vào chính cấu thành nên chi phí sản xuất - kinh doanh. Điều đó trực tiếp ảnh hưởng đến lợi nhuận của nhóm công ty này.

Cạnh tranh nội ngành và quốc tế ngày một gay gắt (thị phần trong nước hiện nay của các công ty vận tải biển chỉ chiếm khoảng 20% tổng khối lượng hàng hoá xuất nhập khẩu, còn lại là của nước ngoài). Rủi ro về mặt tỷ giá hối đoái cũng là sức ép lớn tới ngành: việc tỷ giá hối đoái biến động mạnh trong thời gian qua có ảnh hưởng một cách mạnh mẽ đến kết quả hoạt động sản xuất của nhóm công ty vận tải biển. Bởi vì, việc kinh doanh vận tải biển chủ yếu sử dụng đồng USD là đồng tiền thanh toán, các hợp đồng đã phải ký kết với mức giá cũ trong khi tỷ giá VND/USD đang có xu hướng giảm (USD mất giá). Bên cạnh đó, các công ty vận tải biển nói riêng và doanh nghiệp Việt Nam nói chung vẫn chưa thực sự quan tâm tới các công cụ phòng chống rủi ro tỷ giá, đặc biệt trong hoàn cảnh hiện nay, khi việc áp dụng biên độ giao động tỷ giá được nới rộng +/-1% đã có hiệu lực.

Vượt lên những khó khăn và tận dụng tốt những lợi thế, nhóm công ty vận tải biển năm 2007 vừa qua đã đạt được những thành quả khá khả quan. Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, sản lượng vận tải biển năm 2007 ước đạt 59.376.000 tấn hàng hoá, tăng 20% so với năm 2006. Trong đó, vận chuyển container đạt 1.347.000 TEU, tăng 21%; vận tải nước ngoài đạt 44.286.000 tấn và vận tải trong nước đạt 15.090.000 tấn. Năm 2008, toàn ngành phấn đấu đạt sản lượng vận tải 70,8 triệu tấn, tăng 20% so với năm 2007.

Đứng đầu về lĩnh vực vận tải biển phải kể tới Công ty Vận tải biển Việt Nam (VOSCO), với đội tàu hiện có 28 chiếc (tổng trọng tải 494.276 DWT), sản lượng vận tải biển năm 2007 đạt 5,2 triệu tấn, doanh thu 1.900 tỷ đồng và lợi nhuận khoảng 84 tỷ đồng, sản lượng vận tải giai đoạn 2008 -2010 dự kiến tăng 16%/năm với chỉ tiêu năm 2008, tổng sản lượng vận chuyển đạt 6.500.000 tấn. Kế tới là Công ty cổ phần Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (Vitranschart), với số tàu hiện tại là 18 chiếc (tổng trọng tải khoảng 300.000 DWT) và chỉ tiêu sản lượng vận tải 2.000 tấn năm 2008. Ngoài ra, có một số công ty có số lượng tàu khá lớn như Falcom, Vinaship, VTB Vinalines.

Như vậy, tiềm năng cho phát triển vận tải biển tại thị trường Việt Nam và thế giới là rất lớn. Đánh giá được những tiềm năng này, các công ty kinh doanh vận tải biển đang từng bước đổi mới để phát triển phục vụ tốt cho nhu cầu vận tải biển trong nước và vươn ra thị trường quốc tế.

 

 

Danh sách đội tàu của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam

 

VOSCO

28

Inlaco Hải Phòng

5

Đông Đô

6

Marina

2

FALCON

12

Chi nhánh Vinalines HCM

5

CTCP Hải Âu

4

VinConship SG

2

Chi nhánh Vinalines   Hải phòng

2

Vinaship

16

SMC

1

VTB Vinalines

16

Vitranschart

18

InLaco Sài Gòn

4

Vận tải Biển Bắc

7

Transco

3

 Gemadept

3

 

 

 

Bài viết được cung cấp bởi Phòng phân tích CTCK Thủ Đô và chỉ mang giá trị tham khảo
Bài viết được cung cấp bởi Phòng phân tích CTCK Thủ Đô và chỉ mang giá trị tham khảo

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ