Thời của cổ phiếu công nghệ

(ĐTCK) Việt Nam đang trong kỷ nguyên phát triển công nghiệp 4.0, nên vai trò của các công ty công nghệ là không thể thiếu. Vậy, các cổ phiếu công nghệ Việt có gì hấp dẫn nhà đầu tư?
Thời của cổ phiếu công nghệ

Trong danh sách 10 tỷ phủ giàu nhất thế giới của Forbes, một nửa trong đó là các "ông trùm" công nghệ: Jeff Bezoz (Amazon), Bill Gates (Microsoft), Larry Ellison (Oracle), Mark Zuckerberg (Facebook), Lary Page (Alphabet).

Ngay cả huyền thoại đầu tư Warren Buffet, tỷ phú đứng thứ 3 trong danh sách này từng cho rằng, mình là “kẻ ngốc” khi không đầu tư vào Apple và Amazon sớm hơn). Trong vài năm qua, công ty của ông - Berkshire Hathaway đã rót hàng chục tỷ USD vào Apple (50 tỷ USD) và Amazon (860 triệu USD). Không chỉ các công ty công nghệ Mỹ, các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc như Alibaba, Tencent, Xiaomi cũng rất phát triển và có giá trị vốn hóa hàng trăm tỷ USD.

Bên cạnh tốc độ phát triển mạnh mẽ, các công ty công nghệ cũng thường tạo ra những xu hướng mới, những sản phẩm mang tính cách mạng cho xã hội. Trên thế giới, không hiếm start-up công nghệ dù đang lỗ lớn, nhưng vẫn huy động được hàng chục tỷ USD như Uber, Grab, Airbnb… Tại Việt Nam, Tiki.vn là một điển hình khi gọi vốn thành công hàng trăm tỷ đồng dù đang lỗ kế toán. Tiki.vn đang đi theo con đường mà Amazon đã từng lựa chọn khi khởi nghiệp.

Với bối cảnh của Việt Nam hiện tại, việc phát triển và ứng dụng công nghệ vào mọi lĩnh vực của đời sống là tất yếu. Tại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông lần đầu tiên tổ chức, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cắt nghĩa slogan “Make in Vietnam” với hàm ý rộng hơn, đó là sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam và làm ra tại Việt Nam.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Công ty cổ phần FPT chia sẻ, nếu không chuyển đổi số, sớm muộn cũng sẽ thất bại và ông xác định, chuyển đổi số là trọng tâm giúp FPT "lột xác" năm 2019. Vingroup cũng đầu tư thành lập Công ty VinTech, Vinsmart, Vin Hi-Tech với định hướng đến năm 2028 trở thành tập đoàn công nghệ và công nghiệp hàng đầu Việt Nam.

Với xu hướng tất yếu trên thế giới cũng như Việt Nam là đầu tư và phát triển công nghệ, chúng ta thử xem xét các công ty công nghệ đang được niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam có gì hấp dẫn để đầu tư trong thời gian tới.

Công ty cổ phần FPT (FPT)

Thời của cổ phiếu công nghệ ảnh 1

Biểu đồ kỹ thuật của FPT.

Thời của cổ phiếu công nghệ ảnh 2

FPT niêm yết trên sàn chứng khoán từ năm 2006, có thời điểm thị giá đạt tới hơn 600.000 đồng/cổ phiếu. Năm 2019, FPT có 2 sự thay đổi lớn: Một là bổ nhiệm CEO Nguyễn Văn Khoa sinh năm 1977 và là thế hệ lãnh đạo thứ 2 của FPT sau thế hệ sáng lập như Trương Gia Bình, Lê Quang Ngọc... Ông Khoa khi còn làm CEO FPT Telecom đã đưa công ty này nằm trong Top 3 công ty cung cấp dịch vụ Internet lớn nhất Việt Nam; Hai là, định hướng chuyển đổi số như ông Trương Gia Bình đã đề cập, đây là vấn đế sống còn của doanh nghiệp Việt nói chung và FPT nói riêng.

Trên thị trường, FPT là cổ phiếu ưa thích của các quỹ đầu tư và những nhà đầu tư dài hạn bởi tính ổn định. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, mức cổ tức của FPT luôn đạt từ 20 - 35% mỗi năm.

Sau khi chia cổ tức, thị giá cổ phiếu FPT điều chỉnh về mốc 42.500 đồng/cổ phiếu, hiện đang chinh phục đỉnh cũ sau chia tách là 46.000 đồng/cổ phiếu với những thông tin tích cực từ kết quả kinh doanh trong 4 tháng đầu năm 2019.

Cụ thể, sau 4 tháng đầu năm, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của FPT tăng trưởng 19,4% và 22,6% so với cùng kỳ 2018, lần lượt đạt 7.791 tỷ đồng và 1.342 tỷ đồng, tương đương 101% và 111% kế hoạch lũy kế, trong đó lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ là 887 tỷ đồng, tăng 22,3%. Lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu (EPS) đạt 1.446 đồng, tăng 21,7%. Bên cạnh đó, tỷ suất lợi nhuận tiếp tục được cải thiện, đạt 17,2% (4 tháng đầu năm 2018 đạt 16,8%).

Trong cơ cấu lợi nhuận, lợi nhuận trước thuế của khối công nghệ tăng trưởng 45,3% và đóng vai trò là động lực tăng trưởng chính của FPT. Trong 4 tháng đầu năm, khối này ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt là 4.187 tỷ đồng và 536 tỷ đồng, tương ứng tăng 22% và 45,3% so với cùng kỳ, tương đương với 100% và 112% kế hoạch lũy kế. Trong đó, lĩnh vực xuất khẩu phần mềm ghi nhận doanh thu 3.133 tỷ đồng, tăng 38,1%; lợi nhuận trước thuế 469 tỷ đồng, tăng 39,6%.

Khối viễn thông đạt 3.187 tỷ đồng doanh thu, tăng 17,6% và đạt 101% kế hoạch lũy kế; lợi nhuận trước thuế 504 tỷ đồng, tăng 10,8% và tương đương 104% kế hoạch lũy kế. Trong đó, doanh thu và lợi nhuận  trước thuế của mảng dịch vụ viễn thông lần lượt đạt 3.025 tỷ đồng và 429 tỷ đồng, tăng tương ứng 18,2% và 11,9% so với cùng kỳ.

Với kết quả kinh doanh 4 tháng đầu năm ấn tượng và biên lợi nhuận cải thiện, câu chuyện kết quả kinh doanh quý II/2019 của FPT rất đáng để chờ đợi. Khi đó, khả năng cổ phiếu FPT sẽ vượt đỉnh 46.000 đồng/cổ phiếu và bước vào xu hướng tăng trong trung - dài hạn.

Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC (CMC)

Thời của cổ phiếu công nghệ ảnh 3

Biểu đồ kỹ thuật của CMG.

Cổ phiếu CMG gây chú ý trên thị trường thời gian qua. Sau gần 10 năm tăng vốn rất ít thì mới đây, CMG bổ sung vào chương trình họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 việc phát hành riêng lẻ 25 triệu cổ phần cho Samsung SDS. Giá phát hành chưa được công bố, nhưng theo thị giá hiện tại của CMG, giá trị phát hành tương đương hơn 900 tỷ đồng.

Samsung SDS được xem là "cánh tay phải" của Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) trong lĩnh vực ICT, chuyên về giải pháp IT và logistics. Samsung SDS cũng đang là công ty công nghệ thông tin số 1 Hàn Quốc. Cùng với thông tin phát hành cho cổ đông chiến lược Samsung SDS, cổ phiếu CMG đã liên tục "nổi sóng".

Trước khi thông tin phát hành riêng lẻ được công bố, cổ phiếu CMG tăng một mạch từ 26.000 đồng/cổ phiếu lên 40.000 đồng/cổ phiếu, sau đó điều chỉnh về vùng giá 32.000 đồng/cổ phiếu và lại tiếp tục đi lên. Diễn biến này tạo nên sự hấp dẫn cho cổ phiếu CMG khi có sóng cho dòng tiền ngắn hạn tham gia. Về dài hạn, kế hoạch doanh thu tỷ USD của CMG đang thu hút sự chú ý của nhà đầu tư dài hạn.

Kết quả kinh doanh và lịch sử chi trả cổ tức của CMG không nổi bật, nhưng câu chuyện tương lai của CMG đang là yếu tố hấp dẫn giới đầu tư. Theo đó, Samsung SDS sẽ cùng CMG phát triển các lĩnh vực giải pháp nhà máy thông minh (Smart Factory), điện toán đám mây (iCloud), an ninh mạng (Cyber Security), chuỗi khối (Blockchain) và phân tích dữ liệu lớn (Big Data), thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ để mở rộng phạm vi sang thị trường châu Á - Thái Bình Dương và phát triển kinh doanh toàn cầu.

Thỏa thuận đầu tư chiến lược này khẳng định sự tin tưởng của Samsung SDS với CMG và là minh chứng cho năng lực của các công ty công nghệ Việt Nam trong xu thế toàn cầu hóa. CMG hy vọng việc hợp tác chiến lược với Samsung SDS sẽ giúp Công ty tiến một bước gần hơn đến mục tiêu chiến lược là đạt doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2023.

Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật Mobifone (MFS)

Thời của cổ phiếu công nghệ ảnh 4

Biểu đồ kỹ thuật của MFS.

Với MFS, đây là một cổ phiếu khá thú vị. MFS có vốn điều lệ 70,63 tỷ đồng, 2 cổ đông lớn nhất là Tổng công ty Viễn thông Mobifone (sở hữu 31,26% vốn) và Công ty TNHH Thiên Việt (sở hữu 6,25% vốn). Tuy 2 cổ đông lớn này nắm giữ chưa tới 40% vốn, nhưng số lượng cổ phiếu MFS trôi nổi bên ngoài thị trường không nhiều bởi phần lớn số cổ phiếu còn lại do các lãnh đạo MFS và người có liên quan nắm giữ.

Với kết quả kinh doanh hàng năm đạt 30 - 40 tỷ đồng, EPS 2018 là 4.000 đồng/cổ phiếu, mức giá 2x như hiện nay là tương đối rẻ đối với một công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ như MFS. Điểm hấp dẫn của MFS là sang năm 2020, Công ty sẽ hết khấu hao, trong khi tài sản vẫn tạo ra lợi nhuận đều.

Sau 2020, có thể lợi nhuận của MFS sẽ cải thiện và EPS có thể đạt trên 6.000 đồng/cổ phiếu. MFS cũng đang tiến hành tái cơ cấu, cắt giảm bớt mảng có biên lợi nhuận thấp như bán thẻ để tập trung vào mảng thế mạnh là chăm sóc khách hàng qua tổng đài. Một số khách hàng lớn của MFS hiện nay có thể kể tới là Mobifone, HSBC…

MFS giao dịch trên UPCoM từ ngày 16/4/2019, thị giá hiện dao động trong khoảng 28.000 - 32.000 đồng/cổ phiếu. Theo quan điểm của người viết, có thể mua vào MFS ở khoảng giá 27.000 - 28.000 đồng/cổ phiếu cho mục tiêu dài hạn, bởi MFS có thể đạt mức giá 4x trong 1 - 2 năm tới.  Mặt khác, khi được cơ quản quản lý cho phép triển khai ứng dụng Mobile Pay (tức thanh toán qua điện thoại di động), MFS có nhiều lợi thế so với các đơn vị mới tham gia vì đã có sẵn hạ tầng và đối tác, bên cạnh sự hỗ trợ của Công ty mẹ MobiFone.

Một số cổ phiếu cùng ngành như CMT, ELC, SGT, TST... hiện đang có giá bằng hoặc thấp hơn mệnh giá do doanh nghiệp chưa lộ rõ giá trị tiềm năng.

Trên sàn chứng khoán, có nhiều cổ phiếu hấp dẫn để đầu tư, nhưng trong bối cảnh chính sách ủng hộ để phát triển ngành công nghệ thì cổ phiếu ngành này là không thể bỏ qua. Việt Nam đang trong kỷ nguyên phát triển công nghiệp 4.0, nên vai trò của các công ty công nghệ là không thể thiếu. Phải chăng đã đến thời của các cổ phiếu công nghệ Việt, như các cổ phiếu công nghệ trên thế giới đã từng phát triển?

Việt Hùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,284.09 -6.09 -0.47% 232,038 tỷ
HNX 242.58 -1.33 -0.55% 1,769 tỷ
UPCOM 91.57 0.09 0.09% 657 tỷ