Thị trường thiếu động lực tăng điểm

(ĐTCK) Cuộc đối thoại giữa lãnh đạo một ngân hàng dân doanh lớn nhất với nhiều lãnh đạo DN diễn ra cuối tuần qua cho thấy, DN còn nhiều khó khăn bủa vây.
Thị trường thiếu động lực tăng điểm

Bản thân chính sách điều chỉnh lãi suất cho các khoản vay cũ xuống dưới 15%/năm cũng mới chỉ được trao cho những DN có lịch sử tín dụng tốt.

Ông Lê Trọng Thắng, Chủ tịch HĐQT CTCP Việt Thắng cho hay, Công ty có khoản vay ngắn hạn từ ngân hàng là 140 tỷ đồng, khoản vay trung hạn 52 tỷ đồng. Bên cạnh lãi suất cao, với khoản vay trung hạn để đầu tư cho một dây chuyền sản xuất mới, Công ty còn phải trả mỗi tháng 71 triệu đồng tiền phí quản lý tài sản. Được điều chỉnh giảm lãi suất các khoản vay cũ về 15%/năm, nhưng ông vẫn mong ngân hàng sẽ xem xét xóa bỏ khoản phí trên để đỡ gánh nặng cho DN.

Phó tổng giám đốc một DN chuyên xuất nhập khẩu hàng nông sản cho hay, DN không chỉ sợ lãi suất cao, mà sợ cả sự cứng nhắc và nguyên tắc của ngân hàng. DN có những lô hàng xuất khẩu cà phê, 3 tuần trước giá cà phê ở mức thấp, nhiều yếu tố cho thấy, 2 - 3 tuần sau giá sẽ tăng mạnh, nhưng ngân hàng nhất quyết ép DN trả nợ đúng thời hạn đã giao kèo trong hợp đồng, dù DN có đơn xin gia hạn 1 lần. Kết quả là vài tuần sau, giá cà phê tăng 30 - 40 USD/tấn, trong khi do ngân hàng ép quá, DN đã phải chốt giá từ vài tuần trước, chấp nhận hòa để có tiền trả nợ ngân hàng.

Thị trường thiếu động lực tăng điểm ảnh 1

Nhiều DN vẫn chịu áp lực lãi vay ngân hàng, trong khi sản xuất có dấu hiệu đình đốn

“Khi DN đi vay ngân hàng là họ lấy vốn này kinh doanh, DN có lãi góp phần tạo ra lợi nhuận cho ngân hàng. Hai bên đứng trên vị trí đối tác đàm phán, chứ hiện nay, DN thường phải lụy ngân hàng. Hồ sơ giấy tờ vay vốn nếu không cần thì giảm bớt để khách hàng đỡ phải chuẩn bị”, vị phó tổng giám đốc trên nói.

Tại một DN có ngành nghề liên quan đến lĩnh vực xây dựng, chuyên nhập khẩu thiết bị điện về lắp ráp cho các nhà máy tại Việt Nam, thời gian đặt hàng từ khi thiết kế đến thời điểm hàng về Việt Nam mất 4 tháng, khoản vay ngắn hạn của ngân hàng dành cho DN dài nhất là 9 tháng. Khó khăn hiện tại khiến nhiều chủ đầu tư dự án không thanh toán đúng hạn cho DN, dẫn đến DN chậm trả nợ cho ngân hàng. DN đề nghị ngân hàng cho cơ cấu lại nợ để hoạt động bình thường, nhưng không được, chỉ cần dính nợ quá hạn là ngân hàng dừng mọi hoạt động với DN như ngừng giải ngân khoản vay mới, không thực hiện bảo lãnh thanh toán…

Có thể nói, những DN khó khăn, có nợ quá hạn chưa thể tiếp cận với chính sách hạ lãi suất cho các khoản vay cũ xuống dưới 15%/năm. Phó tổng giám đốc một ngân hàng TMCP cho hay, ngân hàng sẽ làm việc cùng DN để xem nợ quá hạn do đâu, cùng DN đưa ra phương án cấu trúc lại nợ, xong mới điều chỉnh lãi suất.

Trên thực tế, chủ trương giảm lãi suất các khoản vay cũ về dưới 15%/năm mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phát động, mỗi ngân hàng thực hiện mỗi kiểu. Có nơi chỉ áp dụng với những DN không có nợ quá hạn, có nơi bắt DN chứng minh có khả năng trả được nợ, có dòng tiền về… Thời gian cũng áp dụng mỗi nơi mỗi khác.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước TP. HCM cho biết, hiện cơ quan này nhận được công văn của nhiều ngân hàng gửi về hỏi thủ tục triển khai chương trình giảm lãi suất nêu trên. Vị lãnh đạo này lưu ý, các văn bản mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo vấn đề này không phải là văn bản có tính pháp lý như các nghị định, thông tư, nên tính chất bắt buộc ngân hàng phải thực thi do đó không cao. Chính sách do vậy chưa đi vào cuộc sống, cộng đồng DN vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

Sự khó khăn còn thể hiện trong việc sức cầu tiếp tục sụt giảm. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 7 tiếp tục giảm 0,29% so với tháng 6 (CPI tháng 6 giảm 0,26% so với tháng 5). Đình đốn sản xuất và thiểu phát, DN khó tìm được lối ra, khiến TTCK thiếu động lực tăng điểm. Phiên hôm qua (24/7), VN-Index lùi xuống dưới ngưỡng hỗ trợ 420 điểm, cho dấu hiệu về một thời kỳ còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, thông điệp “siết” các tập đoàn, tổng công ty thoái vốn ngoài ngành theo nội dung Quyết định 929/CP mới được Thủ tướng Chính phủ ban hành, cũng như tăng cung hàng qua cổ phần hóa khiến thị trường thêm nỗi lo dội cung trong thời gian tới.

Anh Việt
Anh Việt

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,177.4 -12.82 -1.09% 174,889 tỷ
HNX 222.63 -2.67 -1.2% 1,395 tỷ
UPCOM 87.51 -0.51 -0.59% 436 tỷ