Thị trường tài chính 24h: Ồ ạt chốt lời nhóm cổ phiếu nhỏ

(ĐTCK) VN-Index giảm nhẹ; Một loạt ngân hàng báo cáo sớm kết quả quý 2, lợi nhuận đạt được vẫn khả quan; Nhiều quỹ đầu tư chốt lời; Cổ phiếu nóng lộ nguy cơ bỏng tay; Nhiều cổ phiếu cần câu chuyện mới để níu giá; Chứng khoán châu Á chững lại sau phiên tăng mạnh hôm qua; IFM dự báo về kịch bản hồi phục kinh tế tồi tệ hơn...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Thị trường tài chính 24h: Ồ ạt chốt lời nhóm cổ phiếu nhỏ

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô 

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 17/6 tăng 10.000 đồng/lượng so với chiều ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đã giảm 70.000 đồng/lượng chiều mua vào và 80.000 đồng/lượng chiều bán ra, hiện niêm yết ở mức 48,25 – 48,62 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 2,5 USD lên 1.726,1 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tăng nhẹ nhưng sau đó đảo chiểu và giảm về gần 1.713 USD/ounce vào cuối giờ chiều. Giá vàng tương lai giao tháng 8 trên sàn Comex New York giảm 16,5 USD xuống 1.715 USD/ounce.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) tăng 0,16% lên 97,12 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 17/6 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.240 đồng, giảm 9 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.110 - 23.290 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,34 USD (-0,89%), xuống 38,04 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,21 USD (-0,51%), xuống 40,75 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

Nhóm cổ phiếu nóng bị bán chốt lời ồ ạt

Sự thận trọng của nhà đầu tư khiến VN-Index phiên hôm nay chủ yếu diễn biến là giằng co quanh tham chiếu và đóng cửa giảm nhẹ dù sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế.

Giao dịch đáng kể nhất ở HQC và ITA, khi cả 2 cùng bị chốt lời sau thời gian dài tăng nóng với nhiều phiên tăng kịch trần liên tiếp.

Đóng cửa, HQC và ITA yên vị ở mức giá sàn 2.220 đồng và 5.330 đồng với dư bán sàn hàng chục triệu đơn vị (HQC là hơn 26 triệu đơn vị và ITA là gần 12 triệu đơn vị).

Trái lại, AMD và HAI lại nổi sóng lớn khi tăng trần khớp lần lượt 11,3 triệu đơn vị và 10,3 triệu đơn vị.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 2,06 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng 99,47 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 17/6: VN-Index giảm 1,69 điểm (-0,20%), xuống 854,44 điểm; HNX-Index giảm 2,22 điểm (-1,92%), xuống 113,27 điểm; UPCoM-Index giảm 0,19 điểm (-0,34%), xuống 55,88 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Theo báo cáo mới công bố của Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ của Mỹ đã tăng kỷ lục 17,7% trong tháng 5, vượt qua mức tăng 8% mà các nhà phân tích dự kiến.

Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng hứng khởi với dự đoán về gói đầu tư hạ tầng 1.000 tỷ USD của chính quyền Tổng thống Trump kích thích kinh tế.

Với các thông tin tích cực lấn át, giới đầu tư đã hồ hởi xuống tiền, đẩy cả 3 chỉ số chính của phố Wall tăng mạnh trong phiên thứ Ba, ghi nhận phiên tăng thứ 2 liên tiếp trong tuần.

Kết thúc phiên 16/6, chỉ số Dow Jones tăng 526,82 điểm (+2,04%), lên 26.289,98 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 58,15 điểm (+1,90%), lên 3.124,74 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 169,84 điểm (+1,75%), lên 9.895,87 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản điều chỉnh khi dữ liệu xuất khẩu tháng 5 giảm xuống mức thấp nhất trong 1 thập kỷ qua, chủ yếu do các lô hàng ô tô đến Mỹ suy yếu do ảnh hưởng của dịch Covi-19, trong khi căng thẳng leo thang giữa Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc khiến tâm lý thị trường trùng xuống.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,56% thấp xuống 22.455,76 điểm. Chỉ số , Topix mất 0,4% xuống 1.587,09 điểm.

Thông tin khiến thị trường giao dịch thiếu tích cực là dữ liệu cho thấy, trong tháng 5/2020, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản đã giảm 28,3% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 4.180 tỷ Yen (39 tỷ USD). Đây là tháng thứ 18 liên tiếp xuất khẩu giảm và là tháng có tỷ lệ giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2009.

Cổ phiếu của các nhà sản xuất ô tô xuất khẩu xuống thấp với với Mazda Motor giảm 4,34%, Suzuki Motor giảm 3,13% và Mitsubishi Motor giảm 3,07%.

Các nhà đầu tư cũng đã giật mình vì căng thẳng leo thang giữa 2 miền Triều Tiên sau khi Triều Tiên phá một văn phòng liên lạc liên Triều và thề sẽ đưa quân đội trở lại biên giới.

Trái lại, ông lớn SoftBank tăng 5% sau khi Tạp chí Phố Wall đưa tin, Tập đoàn này đang lên kế hoạch bán tới 2/3 cổ phần của mình tại T-Mobile vào đầu tuần tới, trị giá khoảng 20 tỷ USD. 

Việc bán cổ phần trong T-Mobile là một phần trong kế hoạch của SoftBank,được công bố vào hồi tháng 3 để thu về 41 tỷ USD tài sản nhằm mua lại cổ phiếu và giảm nợ.

Chứng khoán Trung Quốc phần lớn thời gian giao dịch dưới tham chiếu, nhưng đóng cửa nhích nhẹ khi tâm lý giới đầu tư vẫn là thận trọng, do Bắc Kinh tăng cường việc hạn chế đi lại tại thủ đô.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,14% lên 2.935,87 điểm. Chỉ số CSI300 bluechip tăng 0,08% lên 4.017,59 điểm.

Thị trường thận trọng sau khi tờ Nhân Dân Nhật Báo đưa tin Bắc Kinh đã hủy ít nhất 1.255 chuyến bay (đa số là nội địa) trong sáng 17/6, tương đương gần 70% toàn bộ chuyến bay đến và đi tại các sân bay chính của thành phố này, nhằm ngăn dịch Covid-19 lây lan.

Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị gia tăng với Ấn Độ ở khu vực tranh chấp biên giới, khiến 20 lính Ấn Độ thiệt mạng càng khiến giao dịch ảm đạm.

Chứng khoán Hồng Kông tăng, nhưng tâm lý giới đầu tư nhìn chung cũng thận trọng do việc lây nhiễm Covid-19 mới tại Bắc Kinh.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,56% lên 24.481,41 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,43% lên 9.909,63 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc đã tăng nhẹ, khi các nhà đầu tư cá nhân bỏ qua sự lo ngại về căng thẳng gia tăng với Triều Tiên và tập trung vào hy vọng phục hồi kinh tế trong bối cảnh đại dịch.

“Các vấn đề liên quan đến Triều Tiên có thể làm tăng sự biến động của giá cổ phiếu trong một phiên, nhưng nó không có xu hướng tác động có ý nghĩa đến thị trường lâu dài”, Seo Sang-young, một nhà phân tích tại Kiwoom Securities cho biết

Kết thúc phiên 17/6: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 126,45 điểm (-0,56%), xuống 22.455,76 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 4,12 điểm (+0,14%), lên 2.935,87 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 137,32 điểm (+0,56%), lên 24.481,41 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 300 điểm (+0,14%), lên 2.141,05 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

Một loạt ngân hàng báo cáo sớm kết quả quý 2, lợi nhuận đạt được vẫn khả quan

Kết thúc 5 tháng đầu năm nay và ước đến hết tháng 6/2020, các ngân hàng quy mô đã hoàn thành được 40-50% kế hoạch lợi nhuận năm. Tuy nhiên, tình hình tín dụng tăng trưởng chậm..>> Chi tiết

Nhiều quỹ đầu tư chốt lời

Kể từ đầu tháng 6, tranh thủ cơ hội thị trường chứng khoán tiếp tục hồi phục tích cực, nhiều quỹ đầu tư nhanh chóng bán ra cổ phiếu để chốt lời..>> Chi tiết

Cổ phiếu nóng lộ nguy cơ bỏng tay

Mở cửa phiên đầu tuần, TTCK mất liền 31 điểm nhưng vẫn có không ít cổ phiếu, đặc biệt nhóm cổ phiếu nhỏ như HQC, ITA tiếp tục có những pha “đua trần”. Dòng tiền nóng tiếp tục đánh đổi rủi ro lấy lợi nhuận..>> Chi tiết

Nhiều cổ phiếu cần câu chuyện mới để níu giá

Từ cuối tháng 3 đến nay, diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam hầu như trong xu hướng tăng điểm, trừ một vài phiên giảm xen kẽ. Trong khi thị trường có một quãng dài miệt mài tăng trưởng, câu chuyện ở từng doanh nghiệp đang dần được lộ rõ ở các đại hội đồng cổ đông..>> Chi tiết

IFM dự báo về kịch bản hồi phục kinh tế tồi tệ hơn

Nền kinh tế toàn cầu đang đi theo chiều hướng thu hẹp đáng kể so với những ước tính của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) vào tháng 4..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ