Thị trường tài chính 24h: Niềm vui có kéo dài?

(ĐTCK) VN-Index tăng nhẹ; Ngân hàng chuyển sàn, sẵn sàng... chơi lớn; Dòng tiền trên thị trường chứng khoán “tụt áp”; Đầu tư tài chính: Kỳ vọng hoàn nhập quý II; “Cơn mưa” cổ tức khủng, niềm vui có kéo dài?; Chứng khoán châu Á đồng loạt giảm nhẹ; Nhà đầu tư Trung Quốc “đánh bạc” với sản phẩm đầu tư qua ngân hàng...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Thị trường tài chính 24h: Niềm vui có kéo dài?

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô 

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 22/6 tăng 80.000 đồng/lượng so với ngày cuối tuần trước. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đã giảm trở lại 30.000 đồng/lượng, hiện niêm yết ở mức 48,55 – 48,92 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ tăng 20,9 USD lên 1.743,8 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng leo lên trên 1.755 USD/ounce nhưng đã đảo chiều giảm và xuống quanh 1.744 USD/ounce vào cuối giờ chiều. Giá vàng tương lai giao tháng 8 trên sàn Comex New York tăng 6,2 USD lên 1.759,2 USD/ounce.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) giảm 0,25% xuống 97,38 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 22/6 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.241 đồng, tăng 7 đồng so với ngày cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.130 - 23.310 đồng/USD.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,21 USD (-0,53%), xuống 39,54 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,02 USD (-0,05%), xuống 42,17 USD/thùng.

Chứng khoán trong nước

VN-Index nhích nhẹ

Mặc dù có chút thận trọng nhưng sự hỗ trợ tích cực của một số bluechip đã giúp VN-Index giữ được mốc 870 điểm.

Áp lực bán gia tăng sau giờ nghỉ trưa khiến biên độ tăng dần thu hẹp và VN-Index một lần nữa bị đẩy lùi về dưới tham chiếu, nhưng cũng nhanh chóng sau đó đã đảo chiều hồi phục và bứt nhẹ lên về cuối phiên.

Nhóm VN30 phân hóa, trong đó hầu hết chỉ giảm trên dưới 0,5%, ngoại trừ BVH và HDB giảm hơn 1%.

CTD vẫn bảo toàn sắc tím trước nghị quyết HĐQT về việc nhận đơn xin từ chức thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017-2022 của ông Nguyễn Sỹ Công, Tổng giám đốc CTD và ông Trần Quyết Thắng.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, HQC giảm sàn, khớp lệnh 30,39 triệu đơn vị và dư bán sàn gần 1 triệu đơn vị.

Trong khi đó, ITA kết phiên tại mức giá trần 5 khớp 20,21 triệu đơn vị. Ngoài ra, SJF, SCR, TNI, MHC… cũng kết phiên trong sắc tím.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 4,12 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 28,03 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 22/6: VN-Index tăng 2,72 điểm (+0,31%), lên 871,28 điểm; HNX-Index giảm 0,63 điểm (-0,55%), xuống 114,72 điểm; UPCoM-Index tăng 0,34 điểm (+0,6%), lên 56,68 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Các con số thông kê mới cho thấy số người nhiễm Covid-19 mới của Mỹ liên tục tăng lên mức cao kỷ lục trong những ngày qua. Điều này cho thấy, làn sóng lây nhiễm thứ 2 đã xảy ra sớm hơn dự kiến tại Mỹ.

Trong khi đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell cảnh báo, sự phục hồi kinh tế sau đại dịch được coi là thách thức và sẽ không có cách khắc phục nhanh.

Rủi ro trên, cùng với căng thẳng địa chính trị gia tăng khiến giới đầu tư chùn tay, đẩy Dow Jones và S&P giảm điểm trong phiên cuối tuần, trong khi Nasdaq lại may mắn giữ được sắc xanh nhạt.

Trong tuần, Dow Jones tăng 1,04%, S&P tăng 1,86% và Nasdaq tăng tới 3,73%.

Kết thúc phiên 19/6, chỉ số Dow Jones giảm 208,64 điểm (-0,80%), xuống 25.871,46 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 17,60 điểm (-0,56%), xuống 3.097,74 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 3,07 điểm (+0,03%), lên 9.946,12 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giằng co và đóng cửa giảm nhẹ, khi sự lo ngại về số lượng người nhiễm Covid-19 đang gia tăng trên khắp thế giới khiến các nhà đầu tư đứng ngoài thị trường.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,18% xuống 22.437,27 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,23% xuống 1.579,09 điểm.

Thông tin ảnh hưởng mạnh đến đến thị trường là việc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã báo cáo sự gia tăng kỷ lục trong các trường hợp nhiễm Covid-19 trên toàn cầu vào ngày Chủ nhật, với điểm nóng ở Bắc và Nam Mỹ.

Các hãng hàng không và cổ phiếu vận tải đường bộ, vốn chịu tác động mạnh của dịch bệnh đã giảm sâu nhất với chỉ số phụ giảm lần lượt 1,65% và 1,89%.

Chứng khoán Trung Quốc gần như không đổi, nhưng chỉ chỉ khởi nghiệp - Chinext đã đạt mức cao nhất trong hơn 4 năm, khi các nhà đầu tư hoan nghênh những cải cách mới của Bắc Kinh trên thị trường vốn.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,08% xuống 2.965,27 điểm. Chỉ CSI300 bluechip tăng 0,08% lên 4.102,05 điểm.

Chỉ số ChiNext Composite tăng 1,01% lên lên 2.342,88 điểm, mức cao nhất kể từ ngày 7/1/2016, sau khi Trung Quốc cho biết, sẽ cải tổ bộ chỉ số này. Quyết định được đưa ra ngay sau khi Trung Quốc hoàn thiện các quy tắc cho các công ty đang tìm cách niêm yết trên ChiNext.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, khi các nhà đầu tư trở nên cảnh giác hơn do chi tiết về luật an ninh mới đối với Thành phố cho thấy, Bắc Kinh sẽ có quyền lực bao trùm trong việc thực thi.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,54% xuống 24,511,34 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,96% xuống 9.879,02 điểm.

Trung Quốc sẽ có quyền lực bao trùm trong việc thực thi luật an ninh mới ở Hồng Kông, theo các chi tiết được công bố vào thứ Bảy, báo hiệu sự thay đổi sâu sắc nhất đối với lối sống của Thành phố kể từ khi được trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997.

Chứng khoán Hàn Quốc đã giảm khi tâm lý thị trường bị ảnh hưởng bởi dữ liệu xuất khẩu và nỗi lo mới về làn sóng thứ hai của đại dịch Covid-19.

Cơ quan hải quan Hàn Quốc (KCS) ngày 22/6 thông báo kim ngạch xuất khẩu 20 ngày đầu tháng 6 đạt 25 tỷ USD, giảm 7,5% (2,04 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu xe ô tô giảm 36,7%, chế phẩm hóa dầu giảm 40,9%, đồ điện gia dụng giảm 14,9%.

Xét số ngày làm việc thực tế từ 1-20/6 là 16 ngày, nhiều hơn 1,5 ngày so với năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu trung bình theo ngày làm việc đã giảm đến 16,2%.

Kết thúc phiên 22/6: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 41,52 điểm (-0,18%), xuống 22.437,27 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 2,36 điểm (-0,08%), xuống 2.965,27 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 132,55 điểm (-0,54%), xuống 24.511,34 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 14,59 điểm (-0,68%), xuống 2.126,73 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

Ngân hàng chuyển sàn, sẵn sàng... chơi lớn

Hiện tại, trên HNX có 3 ngân hàng đang niêm yết cổ phiếu là ACB, SHB và NVB, còn trên UPCoM có 5 ngân hàng đăng ký giao dịch cổ phiếu, bao gồm LPB, VIB, BAB, KLB và VBB..>> Chi tiết

Dòng tiền trên thị trường chứng khoán “tụt áp”

Việc dòng tiền đầu cơ đang suy yếu là rào cản lớn cho khả năng bứt phá của VN30..>> Chi tiết

Đầu tư tài chính: Kỳ vọng hoàn nhập quý II

Nếu như quý I, thị trường chứng khoán lao dốc khiến nhiều doanh nghiệp có hoạt động đầu tư tài chính phải trích lập dự phòng lớn, thì sự phục hồi của thị trường trong quý II đang mang lại cơ hội hoàn nhập dự phòng không nhỏ..>> Chi tiết

“Cơn mưa” cổ tức khủng, niềm vui có kéo dài?

Vui vì nhận được thông tin chia cổ tức khủng, nhưng cũng có không ít trăn trở, “chia hết” thì doanh nghiệp hoạt động kiểu gì, tiền đâu mà chia và không có kế hoạch đầu tư gì cho tương lai hay sao?..>> Chi tiết

Nhà đầu tư Trung Quốc “đánh bạc” với sản phẩm đầu tư qua ngân hàng

Nhà đầu tư cũng như những người gửi tiết kiệm tại Trung Quốc vừa trải nghiệm điều chưa từng diễn ra trước đây: Chấp nhận thua lỗ tại thị trường các sản phẩm quản lý tài sản lợi suất cao do các ngân hàng có vốn nhà nước cung cấp, với quy mô thị trường lên tới 25.000 tỷ nhân dân tệ (3.500 tỷ USD)..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,176.66 -16.35 -1.39% 220,503 tỷ
HNX 221.04 -5.15 -2.33% 2,446 tỷ
UPCOM 87.21 -0.94 -1.08% 664 tỷ