Thị trường tài chính 24h: Chưa thể gượng dậy

(ĐTCK) VN-Index chỉ tăng nhẹ; Chạy đua làm sạch sở hữu, ngân hàng toan tính gì?; Điệp khúc điều chỉnh kế hoạch vào quý cuối năm; “Hình hài” sản phẩm phái sinh thứ hai; Doanh nghiệp thép tìm cách tối đa nguồn thu; Chứng khoán châu Á chưa thể gượng dậy sau phiên bán tháo hôm qua; Mỹ quan ngại về đồng Nhân dân tệ giảm giá so với đồng USD...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua. 
Ảnh Internet. Ảnh Internet.

VN-Index chỉ hồi phục nhẹ

VN-Index mở với đà hồi phục khá mạnh mẽ nhờ lực cầu bắt đáy. Nhóm cổ phiếu đóng góp tích cực nhất vào đà tăng này là ngân hàng và dầu khí.

Bước sang phiên chiều, diễn biến có phần kém cực hơn khi lực cầu khá dè dặt, trong khi áp lực chốt lời tiếp tục gia tăng. Lúc này, nhiều mã lớn bao gồm cả ngân hàng và dầu khí quay đầu giảm điểm.

Dù vậy, nhờ sự ổn định của một số mã lớn như GAS, VJC, PNJ, MWG..., VN-Index vẫn may mắn giữ được sắc xanh.

Nhiều mã bluechips giảm điểm, tác động tiêu cực nhất lên chỉ số là VNM (-1,6% về 130.900 đồng), MSN (-2% về 88.000 đồng), DHG (-2,5% về 91.500 đồng), BMP (-2,1% về 66.600 đồng)...

Nhóm ngân hàng chỉ còn 3 mã tăng nhẹ là TCB, BID và VCB, còn lại đều giảm. Trong đó, MBB giảm mạnh nhất 2,9% về 23.500 đồng. STB giảm 2,2% về 13.550 đồng.

Tương tự là nhóm cổ phiếu Vingroup khi cả VIC, VHM và VRE đều đứng giá tham chiếu. VHM trước khi bước vào đợt khớp lệnh ATC còn tăng gần 3%.

Trong khi đó, GAS đóng góp tích cực nhất vào đà tăng chung khi +2,4% lên 119.300 đồng. PVD tăng 4,4% lên 20.350 đồng.

Một số mã lớn khác cũng tăng tốt như VJC +1,7% lên 143.000 đồng, PNJ +1,8% lên 108.600 đồng, MWG +1,2% lên 129.500 đồng, NVL +2,2% lên 64.900 đồng...

Dòng tiền phiên này tiếp tục hướng sang nhóm cổ phiếu thị trường, song đa phần đều giảm điểm.

Trong phiên này, trên sàn HOSE khối ngoại bán ròng hơn 2,38 triệu đơn vị, với tổng giá trị tương ứng 99,56 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng trở lại 295.695 đơn vị, với tổng giá trị tương ứng 2,56 tỷ đồng.

Trên UPCoM, khối ngoại mua ròng 477.494 đơn vị, giá trị mua ròng tương ứng 13,42 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 9/10: VN-Index tăng 0,07 điểm (+0,01%), lên 996,19 điểm; HNX-Index giảm 0,09 điểm (-0,07%), xuống 114,3 điểm; UPCoM-Index tăng 0,03 điểm (+0,05%), lên 53,7 điểm.

Chứng khoán thế giới

Chứng khoán Mỹ

Nasdaq Composite giảm phiên thứ 3 liên tiếp trong ngày thứ Hai, khi một đợt bán tháo trên thị trường Trung Quốc đã làm dấy lên lo ngại về sự chững lại của tăng trưởng kinh tế toàn cầu, mặc dù S&P 500 đã xóa bớt đà giảm điểm và khép phiên gần như đi ngang.

Bắc Kinh thông báo giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại, nhằm mục tiêu giảm chi phí tài chính và thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ.

Khả năng tăng trưởng toàn cầu chững lại, dẫn đầu là sự suy giảm của Trung Quốc, đã thúc đẩy cuộc tháo chạy từ lĩnh vực công nghệ, theo đó, lĩnh vực này đã mất 1,2%.

Trong số các cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến S&P 500 và Nasdaq Composite, cổ phiếu Microsoft mất 1,1%, và Adobe Systems sụt 3,2%.

Ngược lại, các lĩnh vực phòng thủ, bao gồm tiện ích và hàng tiêu dùng thiết yếu và bất động sản,dẫn đầu đà tăng trong số các lĩnh vực chính thuộc S&P 500.

Cổ phiếu Alphabet giảm 1% sau khi  cho biết thông tin cá nhân của hàng trăm ngàn người dùng mạng xã hội Google+ đã bị tiết lộ.

Ngược lại, cổ phiếu General Electric tăng 3,3%, phiên tăng 6 phiên liên tiếp sau khi Công ty này cho biết kế hoạch bán 1 tỷ USD đầu tư năng lượng cho Apollo Global Management.

Kết thúc phiên 8/10, chỉ số Dow Jones tăng 39,73 điểm (+0,15%), lên 26.486,78 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,14 điểm (-0,04%), xuống 2.884,73 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 52,5 điểm (-0,67%), xuống 7.735,95 điểm.

Thị trường châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất trong 3 tuần, sau khi cổ phiếu của các công ty liên quan nhiều đến thị trường Trung Quốc suy yếu.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 255 giảm 1,3% xuống 23.469,39 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 18/9. Topix giảm 1,8% xuống 1.761,12 điểm.

Thị trường Nhật Bản chứng khoán nghỉ giao dịch hôm qua, và trở giao dịch trở lại trong sắc đỏ do ảnh hưởng từ sự suy yếu của đồng nhân dân tệ và lo ngại ngày càng tăng, về tác động kinh tế của cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ sẽ ngày càng sâu sắc hơn.

Các nhà phân tích cũng cho biết lợi tức trái phiếu của Mỹ tăng lên mức cao trong 7 năm ở mức 3,252%/năm đã làm giảm sức hấp dẫn của các cổ phiếu, gây ra sự bán tháo trong thị trường tương lai của Nhật Bản.

Phiên hôm nay, các nhà xuất khẩu đã bị bán mạnh sau khi đồng yên tăng ngày thứ 4 liên tiếp so với đồng USD lên 113,15 yên/USD. Theo đó, Toyota Motor và Honda Motor đều giảm 3,1%.

Các nhà sản xuất máy móc xây dựng cũng như sản xuất linh kiện điện tử, vốn liên quan mật thiết với thị trường Trung Quốc cũng đi xuống với Hitachi Construction Machinery giảm 2%, Fanuc 2,5% và Murata Manufacturing Co 2,2%.

Chỉ số bán dẫn Philadelphia SE giảm 1,1% đêm qua đã làm tổn thương các cổ phiếu liên quan đến sản xuất chip của Nhật Bản với Tokyo Electron giảm 4,5%, Screen Holdings giảm 5,6% và Advantest Corp mất 4,4%.

Chứng khoán Trung Quốc phục hồi nhẹ trở lại sau phiên báo tháo hôm qua.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,17% lên 2.721,01 điểm. Chỉ số CSI300 giảm không đáng kể xuống 3.288,69 điểm.

Thị trường chứng khoán có xu hướng giảm khi điều kiện tiền tệ được nới lỏng, do các nhà đầu tư tập trung vào giá trị ngắn hạn của nền kinh tế hơn là những tác động trong trung hạn. Với quan điểm này, chúng tôi nghĩ rằng thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ lại trượt dốc vào cuối năm nay, "các nhà phân tích tại Capital Economics lưu ý.

Ngày hôm nay, Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng tốc quá trình cắt giảm thuế nhập khẩu cho nhiều đối tác thương mại, một động thái sẽ giúp cắt giảm chi phí cho người tiêu dùng nước này trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Mỹ liên tục leo thang.

Bằng cách cắt giảm thuế nhập khẩu đồng thời tăng thuế đánh vào một số loại hàng hóa Mỹ, Trung Quốc vẫn có thể vừa trả đũa được Mỹ vừa đảm bảo theo đuổi mục tiêu dài hạn là tăng nhập khẩu. 

Chứng khoán Hồng Kông giảm nhẹ, đánh dấu phiên thứ 6 liên tiếp mất điểm, với những lo ngại về tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc và tác động của cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ leo thang.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,1% xuống 26.172,91 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,3% lên 10.420,62 điểm.

Ông lớn Tencent Holdings Ltd tiếp tục mất 1,7% trong bối cảnh nhóm cổ phiếu công nghệ tiếp tục bị bán tháo. Tencent qua đó khiến chỉ số theo dõi ngành CNTT giảm 1,19%.

Còn lại, chỉ số theo dõi ngành tài chính giảm 0,13%, bất động sản tăng 0,68% và năng lượng tăng 1,2%.

Cổ phiếu tăng tốt nhất ngày hôm nay là China Shenhua Energy Co Ltd, tăng 2,21%, trong khi thua lỗ lớn nhất là Geely Automobile Holdings Ltd, giảm 5,23%.

Nhóm cổ phiếu H tăng tốt nhất là China Huarong Asset Management Co Ltd, tăng 5,15%, Guangzhou Automobile Group Co Ltd, tăng 4,07% và China Galaxy Securities Co Ltd, tăng 2,85%.

Nhóm cổ phiếu H giảm sâu nhất gồm Hengan International Group Company Ltd, giảm 3,19%, China Vanke Co Ltd, giảm 2,1% và Tencent Holdings Ltd, giảm 1,7%.

Kết thúc phiên 9/10: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 314,33 điểm (-1,32%), xuống 23.469,39 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 4,5 điểm (+0,17%), lên 2.721,01 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 29,66 điểm (-0,11%), xuống 26.172,91 điểm.

Thị trường vàng và ngoại tệ

- Vàng SJC giảm nhẹ. Tỷ giá USD giao dịch quanh 23.395 đồng/USD.

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay không đổi so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,36 - 36,52 triệu đồng/lượng, giảm 20.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 22.723 đồng/USD, tăng 2 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.315 - 23.395 đồng/USD.

Các thông tin đáng chú ý khác

Chạy đua làm sạch sở hữu, ngân hàng toan tính gì?

VietinBank vừa thông báo sẽ bán toàn bộ 4,91% cổ phần tại Saigonbank. Trong tháng 10 này, Vietcombank cũng sẽ chào bán 2,47% cổ phần tại MB và 3,7% cổ phần tại Eximbank. Động thái ráo riết bán cổ phần của các ngân hàng lớn không chỉ là làm sạch sở hữu theo quy định..>> Chi tiết

Điệp khúc điều chỉnh kế hoạch vào quý cuối năm

Chỉ còn một quý nữa là kết thúc năm tài chính 2018 với hoạt động thông thường là các doanh nghiệp nỗ lực tối đa để hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm đã đặt ra. Tuy nhiên, tại không ít doanh nghiệp, cách thức được sử dụng là… điều chỉnh kế hoạch năm để đạt đích..>> Chi tiết

“Hình hài” sản phẩm phái sinh thứ hai

Dù mong muốn Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ (TPCP) - sản phẩm thứ hai trên thị trường chứng khoán phái sinh - sớm được đưa vào giao dịch, nhưng ý kiến từ các thành viên thị trường còn tỏ ý quan ngại vì hiện còn không ít vướng mắc..>> Chi tiết

Doanh nghiệp thép tìm cách tối đa nguồn thu

Nhu cầu sử dụng xỉ lò cao làm phụ gia xi măng tăng cao đang giúp các doanh nghiệp thép có thêm nguồn thu, bớt mối lo xử lý nguồn phế thải từ sản xuất..>> Chi tiết

Giải đua F1 có thể tổ chức ở phía Tây Hà Nội

Đơn vị tổ chức giải đua xe công thức 1 (F1) đã thực hiện khảo sát tính khả thi của dự án, để lên kế hoạch cho năm 2020..>> Chi tiết

Mỹ quan ngại về đồng Nhân dân tệ giảm giá so với đồng USD

Các quan chức Mỹ ngày 8/10 cho biết Washington vẫn lo ngại về sự giảm giá của đồng Nhân dân tệ và tình trạng mất cân bằng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,177.4 -12.82 -1.09% 174,889 tỷ
HNX 222.63 -2.67 -1.2% 1,395 tỷ
UPCOM 87.51 -0.51 -0.59% 436 tỷ