Thị trường tài chính 24h: Ẩn số cổ phiếu cuối năm

(ĐTCK) VN-Index may mắn giữ được mốc 960 điểm; Cách mạng 4.0: Ngân hàng mừng, nhân viên lo; Ẩn số cổ phiếu ngân hàng cuối năm; “Khoảng hụt” tạm thời với doanh nghiệp bất động sản; Cổ phiếu hàng không còn dư địa tăng trưởng?; Chứng khoán Trung Quốc tiếp tục lao dốc sau khi đe dọa áp thuế mới với hàng hóa Mỹ; Giá nhà đồng loạt đi xuống trên toàn cầu...là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Ảnh Internet. Ảnh Internet.

VN-Index lình xình

Trong phiên sáng, cả 2 chỉ số chủ yếu dao động trong sắc đỏ, nhưng với sự trở lại của nhóm ngân hàng, cả VN-Index và HNX-Index đều đảo chiềuchốt phiên với sắc xanh nhạt.

Bước vào phiên chiều, 2 chỉ số nới rộng đà tăng, nhưng chỉ nhích nhẹ, trước khi quay đầu đi xuống. Sự phân hóa diễn ra rõ nét khiến VN-Index lình xình quanh ngưỡng tham chiếu và đóng cửa may mắn có sắc xanh nhạt.

Nhóm ngân hàng, trong khi VCB, BID, STB, EIB duy trì sắc xanh, thì TCB, VPB, MBB, TPB lại giảm giá, còn CTG và HDB giữ được mức tham chiếu.

VCB tăng 0,85%, lên 59.000 đồng, BID tăng 1,13%, lên 26.850 đồng, STB tăng 0,9%, lên 11.150 đồng và EIB tăng 1,07%, lên 14.200 đồng. Trong khi TCB giảm 1,23%, xuống 28.000 đồng, VPB giảm 1,69%, xuống 26.150 đồng, MBB giảm 1,08%, xuống 22.850 đồng, TPB giảm 3,04%, xuống 23.900 đồng.

Các cổ phiếu lớn khác cũng phân hóa, VNM giảm 1,05%, xuống 159.900 đồng, SAB giảm 0,45%, xuống 199.000 đồng, BVH giảm 2,56%, xuống 76.000 đồng, cùng sắc đỏ nhạt tại HPG, VJC, NVL…, thì GAS lại tăng 2,67%, lên 96.100 đồng, MSN tăng 2,82%, lên 87.400 đồng, VRE tăng 1,2%, lên 42.000 đồng, PLX tăng 2,08%, lên 63.900 đồng… cặp đôi VIC và VHM tham chiếu.

Nhóm dầu khí, trong khi GAS, PLX tăng, thì PVD lại quay đầu giảm 1,33%, xuống 14.800 đồng.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ chứng kiến sự bùng nổ của GTN khi mức tăng trần lên 12.650 đồng với 10,43 triệu đơn vị được khớp. DCM cũng tăng trần lên 11.050 đồng với 1,94 triệu đơn vị được khớp.

FLC tăng lên mức cao nhất ngày 6.400 đồng, tăng 5,96% với 15,4 triệu đơn vị được khớp. HAG hạ nhiệt khi chỉ còn tăng 1,12%, lên 7.230 đồng với 8,7 triệu đơn vị được khớp.

Các mã khác như HQC, ASM, ITA, IDI, HHS, SCR, KBC, HNG, DLG, HAI lại đóng cửa trong sắc đỏ.

Trong phiên này, trên sàn HOSE khối ngoại bán ròng hơn 9,01 triệu đơn vị, giá trị bán ròng 388,21 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng hơn 2,17 triệu đơn vị, giá trị mua ròng 25,77 tỷ đồng.

Trên sàn UPCoM, khối ngoại mua ròng 190.200 đơn vị, giá trị mua ròng tương ứng 21,75 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 6/8: VN-Index tăng 0,63 điểm (+0,07%), lên 960,23 điểm; HNX-Index giảm 0,64 điểm (-0,61%), xuống 105,6 điểm; UPCoM-Index tăng 0,1 điểm (+0,19%), lên 50,72 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 6.069  tỷ đồng.

Chứng khoán thế giới

Chứng khoán Mỹ

Trong phiên cuối tuần trước, phố Wall đồng loạt tăng điểm nhờ kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp vừa công bố, bù đắp cho nỗi lo chiến tranh thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ngoài ra, theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ, trong tháng 7 khu vực phi nông nghiệp tạo thêm 157.000 việc làm, thấp hơn mức dự báo 190.000 việc làm của giới phân tích. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,9%.

Các dữ liệu mới công bố cũng cho thấy, thâm hụt thương mại của Mỹ trong tháng 6 tăng 7,3%, lên 46,3 tỷ USD, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 11/2016.

Kết quả kinh doanh khả quan đã giúp phố Wall có tuần tăng tốt, trong đó S&P 500 có tuần tăng thứ 5 liên tiếp, chuỗi tăng mạnh nhất trong năm. Cụ thể, trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 0,05%, chỉ số S&P 500 tăng 0,76% và Nasdaq tăng tốt nhất với 0,96%.

Kết thúc phiên 3/8, chỉ số Dow Jones tăng 136,42 điểm (+0,54%), lên 25.462,58 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 13,13 điểm (+0,46%), lên 2.840,35 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 9,33 điểm (+0,12%), lên 7.812,01 điểm.

Thị trường châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm nhẹ với diễn biến giằng co là chủ đạo, khi các nhà đầu tư vẫn thận trọng trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh và cuộc đàm phán thương mại giữa Washington và Tokyo trong tuần này.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 255 giảm 0,1% xuống 22.507,32 điểm. Topix giảm 0,6% xuống 1.732,90 điểm.

Phiên hôm nay, chỉ số theo dõi ngành xây dựng giảm sâu nhất khi mất 2,4%, sau khi ông lớn Taisei Corp -12%, sau khi lợi nhuận ròng quý I giảm 34,4% xuống 12,96 tỷ yên.

Thêm vào đó còn có Kajima Corp giảm 4,3%, Shimizu Corp giảm 4,4% và Obayashi Corp giảm 4,9%.

Tâm trạng chung của thị trường tiếp tục bị ảnh hưởng từ chứng khoán Trung Quốc, khi chỉ số Shanghai composite có thêm một phiên giảm khá mạnh, sau các mối đe dọa mới về thương mại với Mỹ.

Các nhà phân tích cho rằng thị trường chứng khoán Nhật Bản nhiều khả năng sẽ dao động trong biên độ hẹp trong tuần này khi các nhà đầu tư được dự báo sẽ đứng ngoài trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng.

“Các nhà đầu tư thận trọng trước các cuộc đàm phán song phương giữa Nhật và Mỹ vào ngày 9/8 tới. Có khả năng đồng yên sẽ mạnh lên, và điều này sẽ khiến nhóm cổ phiếu xuất khẩu lớn chịu thua thiệt ”Yutaka Miura, nhà phân tích kỹ thuật cao cấp của Mizuho Securities cho biết.

Điểm sáng trên thị trường với mùa báo cáo kinh doanh là NTT Data tăng 7,5% sau khi lợi nhuận quý I tăng 23% lên 20,81 tỷ yên nhờ hoạt động kinh doanh cơ sở hạ tầng công cộng tăng mạnh trong thị trường nội địa.

Isuzu Motors tăng 3,6%, sau tin tức sẽ mua lại 6,34% số cổ phiếu để làm cổ phiếu quỹ với trị giá 80 tỷ yên.

Ngược lại, Foster Electric đã giảm 23% sau khi dự kiến lỗ ròng 2,5 tỷ trong năm tài chính này, do nhu cầu tai nghe từ khách hàng giảm.

Chứng khoán Trung Quốc tiếp tục yếu đi sau khi đồng nhân dân tệ vẫn trên đà đi xuống sau lo ngại dâng cao về tình hình căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 1,3% xuống 2.705,16 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2016. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 1,27% xuống 3.273,27 điểm.

Chỉ số ChiNext thậm chí còn tồi tệ hơn khi giảm 2,75% xuống 1.440,8 điểm.

Đồng nhân dân tệ giảm thêm 0,17% xuống còn 6,8402 nhân dân tệ/USD vào cuối giờ chiều.

Từ đầu năm, đồng mhân dân tệ đã giảm giá 5% so với USD, trong khi Shanghai Composite giảm 17%.

Nhờ đó, giới đầu cơ đã kiếm được khoảng 7,1 tỷ USD nhờ bán khống cổ phiếu Trung Quốc và Hồng Kông, Ihor Dusaniwsky, trưởng bộ phận phân tích dự báo thuộc S3 Partners cho biết.

Bởi vậy, hôm cuối tuần trước, Bắc Kinh đã gửi đi một thông điệp cứng rắn đến giới bán khống, bằng cách tuyên bố sẽ áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc 20% đối với các giao dịch tiền tệ kỳ hạn. Quy định này đồng nghĩa với việc bán khống nhân dân tệ sẽ có chi phí lớn hơn.

Thông tin mới nhất, Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết sẽ áp thuế từ 5% đến 25% đối với 5.000 danh mục hàng nhập khẩu của Mỹ nếu Mỹ áp thuế 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.

Danh sách 5.000 mặt hàng này nhắm vào mọi thứ từ máy bay, máy tính đến tóc giả và dệt may, với mức thuế cao nhất áp dụng cho hơn 2.400 sản phẩm như thịt, lúa mì, rượu vang và khí hóa lỏng.

Chứng khoán Hồng Kông tăng nhẹ nhờ gã khổng lồ Tencent vững vàng, trong khi lực bán lại là  nỗi lo chiến tranh thương mại gia tăng, sau khi Trung Quốc tuyên bố áp thuế tương tự với Mỹ với 5.000 mặt hàng.

Đóng cửa, Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,52% lên 27.819,56 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,07% lên 10.701,96 điểm.

Google đang đàm phán với Tencent Holdings Ltd., Inspur Group và các công ty Trung Quốc khác để đưa dịch vụ của mình vào nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Hôm nay, cổ phiếu Tencent tăng vọt trong phiên sáng, nhưng đã hạ dần độ cao trong trong cuối phiên chiếu, đóng cửa tăng 0,91% lên 353 HKD/cổ phiếu.

Kết thúc phiên 6/8: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 17,86 điểm (-0,08%), xuống 22.507,32 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 143,24 điểm (+0,52%), lên 27.819,56 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 35,29 điểm (-1,29%), xuống 2.705,16 điểm.

Thị trường vàng và ngoại tệ

- Vàng SJC giảm nhẹ. Tỷ giá USD giao dịch quanh 23.345 đồng/USD.

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay tăng 30.000 đồng/lượng so với ngày cuối tuần trước. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội đứng ở mức 36,65 - 36,85 triệu đồng/lượng, giảm đúng 30.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày hôm nay được công bố ở mức 22.676 đồng/USD, không đổi so với ngày cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.265 - 23.345 đồng/USD.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Cách mạng 4.0: Ngân hàng mừng, nhân viên lo

Công nghệ sẽ giúp giảm chi nhánh hay phòng giao dịch, cơ sở vật chất, hạ tầng, cũng như đội ngũ nhân viên kèm theo, đồng nghĩa với chi phí hoạt động của ngân hàng được tiết kiệm..>> Chi tiết

Ẩn số cổ phiếu ngân hàng cuối năm

Theo báo cáo tài chính quý II/2018 tự lập được các ngân hàng công bố, tổng lợi nhuận trước thuế (LNTT) của 17 ngân hàng đạt 20.420 tỷ đồng, tăng 49,52% so với cùng kỳ năm 2017, thậm chí một số ngân hàng đạt mức tăng trưởng 3 con số..>> Chi tiết

“Khoảng hụt” tạm thời với doanh nghiệp bất động sản

Thống kê cho thấy, tại TP.HCM có 7.055 căn hộ giao dịch thành công trong quý II/2018, giảm 15% so với quý liền trước và giảm 26% so với cùng kỳ năm 2017. Còn tại Hà Nội, có khoảng 6.545 căn được chào bán, giảm 2,5% so với quý liền trước và giảm 19% so với cùng kỳ..>> Chi tiết

Cổ phiếu hàng không còn dư địa tăng trưởng?

6 tháng đầu năm, trong khi các doanh nghiệp hàng không đạt kết quả kinh doanh khả quan, thì giá nhiều cổ phiếu lại có xu hướng đi ngang hoặc "ngược chiều"..>> Chi tiết

Đón dòng vốn lớn từ Singapore

Khi mối liên kết sâu sắc về kinh tế, thương mại, đầu tư trong quan hệ Việt Nam - Singapore ngày càng bền chặt, Việt Nam càng có cơ hội để đón dòng vốn lớn từ Singapore..>> Chi tiết

Giá nhà đồng loạt đi xuống trên toàn cầu

Sau đà tăng trong vài năm trở lại đây, giá bất động sản trên toàn cầu đã bắt đầu đổi chiều đi xuống. Từ London, Sydney cho tới Bắc Kinh và New York, những thành phố đắt đỏ bậc nhất, giá nhà cuối cùng cũng có dấu hiệu dịu đi..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ