Thị trường quỹ: Kỳ vọng tăng trưởng mạnh từ 2020

(ĐTCK) Ngày 8/11, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) tổ chức hội nghị Tổng kết hoạt động cung cấp dịch vụ quỹ năm 2019. 

Ông Dương Văn Thanh, Tổng giám đốc VSD cho biết, hoạt động cung cấp dịch vụ quỹ của VSD đã gặt hái được những thành công nhất định, đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy sự phát triển của ngành dịch vụ quỹ tại thị trường Việt Nam.

“Hiện VSD cung cấp dịch vụ cho 33 quỹ, trong đó có 28 quỹ mở, 2 quỹ ETF và 3 quỹ đóng. Tổng giá trị tài sản ròng (NAV) của các quỹ mở có sự tăng trưởng qua các năm, hiện tổng NAV của 28 quỹ mở đạt 21.120 tỷ đồng. Trong năm 2020, VSD hy vọng sẽ phối hợp tốt hơn nữa với các đơn vị thành viên để có những hợp tác toàn diện về thị trường quỹ ở giai đoạn 2020- 2025”, ông Thanh nói.

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Trưởng phòng cung cấp dịch vụ quỹ VSD cho hay, tính đến cuối tháng 9/2019, 28 quỹ mở có số lượng tài khoản 111.000, gấp 12 lần số tài khoản hoạt động năm 2015. Trong đó, chủ yếu là tài khoản của nhà đầu tư cá nhân; nhà đầu tư nước ngoài có 723 tài khoản; tổ chức trong nước là 224 tài khoản, tổ chức nước ngoài là 98 tài khoản.

Thị trường quỹ: Kỳ vọng tăng trưởng mạnh từ 2020 ảnh 1

Riêng năm 2019, VSD ghi nhận gần 35.000 tài khoản mở mới, trong khi chỉ có 900 tài khoản thưc hiện đóng, điều này cho thấy sự quan tâm rất lớn của nhà đầu tư đối với sản phẩm quỹ mở. Năm 2019, số lượng quỹ mở mới đi vào hoạt động là 6 quỹ, gấp 2 lần so với số lượng quỹ mở mới hoạt động trong năm 2018.

Cũng trong năm 2019, VSD đã thực hiện 460 phiên giao dịch hoán đổi cho 2 quỹ ETF, trong đó có 140 phiên có giao dịch với tổng số lượng chứng chỉ quỹ giao dịch đạt 358,6 triệu đơn vị. Loại hình quỹ ETF vẫn cho thấy sự hấp dẫn khi trong năm 2019 có tới 5 quỹ ETF, trong đó có 3 quỹ ETF mô phỏng 3 chỉ số mới do HOSE vừa công bố.

Ông Nguyễn Hải Nam, Vụ trưởng Vụ Quản lý quỹ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đánh giá, giá trị quản lý tài khoản tăng hàng năm cho thấy sự  nỗ lực của các thành viên, UBCK, VSD và các nhà đầu tư.

Tốc độ tăng 3 năm gần đây bằng gần 10 năm trước. Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung tới đây sẽ có thêm căn cứ pháp lý, bổ sung hoạt động đầu tư tài sản của công ty quản lý quỹ, các mô hình quỹ hiện đại hơn như quỹ EFT hoán đổi danh mục, Luật cũng bám sát với thông lệ quốc tế về quy định quỹ, sẽ mở ra nhiều cơ hội cho ngành này.

Bà Nguyễn Hồ Nga, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ IPA chia sẻ, quản lý quỹ là ngành còn non trẻ nhưng đã ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm qua. “IPA là công ty con của VNDIRECT, chúng tôi nhận thấy xu hướng nhà đầu tư chuyển dịch đầu tư cổ phiếu sang đầu tư vào các chứng chỉ quỹ. Hiện các sản phẩm quỹ khá đa dạng. Chất lượng dịch vụ của VSD và các ngân hàng lưu ký tốt hơn, giúp các công ty thành viên tháo gỡ nhanh các vấn đề”, bà Nga nói.

Bà Ngô Thị Thu Cúc, đại diện Ngân hàng lưu ký BIDV cho biết, trong thời gian qua, khi thực hiện nhiệm vụ ngân hàng lưu ký, giám sát cho các quỹ đầu tư, hàng ngày BIDV phải thực hiện ghi nhận các giao dịch nộp tiền mua của các nhà đầu tư, nhận kết quả giao dịch vào hệ thống đại lý chuyển nhượng của VSD thông qua các file mẫu tại các máy trạm riêng biệt, việc giao tiếp giữa ngân hàng giám sát và đại lý chuyển nhượng như hiện nay làm giảm tốc độ xử lý, khó khăn trong việc đảm bảo sự toàn vẹn và chính xác của các số liệu; đặc biệt trong bối cảnh số lượng các giao dịch ngày càng tăng mạnh, các quỹ có xu hướng thực hiện mở quỹ hàng ngày với chu kỳ thanh toán được rút ngắn xuống T+0.

Ðể giải quyết vấn đề này, VSD đã chính thức triển khai Cổng giao tiếp trực tuyến (STP) cho các nghiệp vụ đại lý chuyển nhượng quỹ mở.

Giao thức kết nối trực tuyến được xây theo chuẩn mới ISO20022 (MX). Khi tham gia kết nối STP, dữ liệu truyền từ ngân hàng lưu ký, giám sát sang đại lý chuyển nhượng được chuẩn hoá đầu vào, đặc biệt kết nối "host to host" giữa hệ thống của VSD với hệ thống của các ngân hàng giám sát, giúp giảm đáng kể việc nhập liệu thủ công, tăng tốc độ xử lý nghiệp vụ.

Bà Cúc cho biết thêm, BIDV, với tư cách ngân hàng giám sát, đang tích cực nghiên cứu và nâng cấp hệ thống kết nối theo chuẩn mới và dự kiến toàn bộ các quỹ đang sử dụng dịch vụ tại BIDV sẽ được kết nối với đại lý chuyển nhượng thông qua hệ thống STP mới vào quý I/2020.

Năm 2020, quỹ hưu trí tự nguyện dự kiến sẽ hoạt động

5 năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án hình thành và phát triển chương trình hưu trí tự nguyện tại Việt Nam tại Quyết định 144/2014/QÐ-TTg, dự kiến, quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện sẽ được đưa vào vận hành trong năm 2020.

Thị trường quỹ: Kỳ vọng tăng trưởng mạnh từ 2020 ảnh 2

Năm 2019 là năm đầu tiên VSD vinh danh các thành viên, công ty quản lý quỹ tiêu biểu, ghi nhận sự đóng góp tích cực của các chủ thể này cho sự phát triển chung của ngành quỹ. Các chủ thể được vinh danh gồm:

Ông Trần Lê Minh, Phó tổng giám đốc CTCP Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM), cho biết, VFM và VSD đã hoàn tất quá trình thử nghiệm để sớm ra mắt sản phẩm hưu trí tự nguyện. Dẫn chứng về hiện trạng, xu hướng và phát triển hưu trí tự nguyện, ông Minh cho rằng, ở Việt Nam hiện nay, hệ thống an sinh xã hội chủ yếu phụ thuộc vào bảo hiểm xã hội và đang có xu hướng chi nhiều hơn thu.

Trong khi đó, hệ thống hưu trí đa trụ cột, mô hình được khuyến nghị bởi Ngân hàng Thế giới đang được các nước phát triển áp dụng. Nghiên cứu về quỹ hưu trí tại 22 nước năm 2018 cho thấy, hệ thống quản lý quỹ hưu trí do tư nhân quản lý tăng trưởng mạnh mẽ hơn so với quỹ hưu trí do nhà nước quản lý.

Tại Việt Nam, khách hàng tiềm năng mua sản phẩm quỹ hưu trí tự nguyện hầu hết đều đã tham gia quỹ bảo hiểm xã hội do Nhà nước quản lý. Ðiều này sẽ tăng thêm nguồn tích lũy cho người tham gia sau thời gian nghỉ hưu. “Sản phẩm quỹ hưu trí đưa vào hoạt động trong năm 2020, hy vọng ngành quỹ sẽ phát triển mạnh mẽ hơn”, ông Minh nói.

Nghị định 151/2018/NÐ-CP đã cho phép ngân hàng lưu ký đồng thời được làm giám sát cho quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện. Ðại diện BIDV đánh giá, đây là sự “cởi trói” về mặt cơ chế chính sách cho ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát khi tham gia cung cấp dịch vụ cho quỹ, tạo ra sự thống nhất trong quá trình cung cấp dịch vụ, tiết giảm chi phí cho các cá nhân/tổ chức tham gia quỹ hưu trí.

“Trong thời gian qua, chúng tôi đã dành nguồn lực về nhân sự, đầu tư hệ thống công nghệ, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức (tách bạch lưu ký và giám sát cho quỹ hưu trí) để sẵn sàng tham gia cung cấp các sản phẩm dịch vụ cho quỹ hưu trí”, bà Cúc chia sẻ thêm.

Về phía VSD, lãnh đạo cơ quan này cho biết, đang cùng với các thành viên thị trường chuẩn bị các bước triển khai quỹ hưu trí tự nguyện. Dự kiến, cuối tháng 12/2019, VSD sẽ ban hành quy chế liên quan đến cung cấp dịch vụ quỹ hưu trí tự nguyện. Hiện VSD đã ký hợp đồng nguyên tắc với VFM, Quỹ SSI và Quỹ Techcombank, với dự kiến năm 2020 sẽ có một vài quỹ hưu trí đi vào hoạt động.

Thị trường quỹ: Kỳ vọng tăng trưởng mạnh từ 2020 ảnh 3
Thị trường quỹ: Kỳ vọng tăng trưởng mạnh từ 2020 ảnh 4

Kỳ vọng khối công ty quản lý quỹ sẽ nỗ lực phát triển các hình thái quỹ đầu tư

Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch VSD

Việt Nam là nước có ngành công nghiệp quỹ non trẻ so với nhiều quốc gia trong khu vực, là nước đi sau nhưng đã có những bước tăng trưởng rất mạnh mẽ qua từng năm, đặc biệt với đầy đủ các sản phẩm quỹ đóng, quỹ mở, quỹ ETF và tới đây là quỹ hưu trí tự nguyện, đang và sẽ góp phần vào sự phát triển chung của ngành chứng khoán.

Ở thời điểm hiện tại,  Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung sắp được Quốc hội thông qua sẽ có những thay đổi, giúp thị trường có nền tảng phát triển tốt hơn. Những sản phẩm tiên tiến mà thế giới đã làm được thì chúng ta cũng nên sớm triển khai, theo hướng phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Chúng tôi kỳ vọng, các công ty quản lý quỹ sẽ hợp tác và nỗ lực phát triển các hình thái quỹ đầu tư đã được pháp luật cho phép, để TTCK Việt Nam nâng tầm chuyên nghiệp. Ðây cũng là mục tiêu Chính phủ đã đặt ra trong Chiến lược phát triển TTCK mà ngành chứng khoán cần hợp sức để thực thi.

Hải Vân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,285.72 -4.46 -0.35% 196,313 tỷ
HNX 243.15 -0.76 -0.31% 1,596 tỷ
UPCOM 91.4 -0.08 -0.09% 578 tỷ