Thị trường khát tiền, cổ phiếu bị bán tháo

(ĐTCK-online) Ngoài một vài mã buộc phải tháo chạy khi không còn hy vọng gì, đợt giảm giá của VN-Index 3 tuần qua cũng nhấn chìm nhiều cổ phiếu tốt. Việc bán tháo ngoài sức tưởng tượng này có thể lý giải do thị trường thiếu tiền.
CP giảm giá do tâm lý là cơ hội cho những NĐT có tiềm lực tài chính CP giảm giá do tâm lý là cơ hội cho những NĐT có tiềm lực tài chính

Không kể những cổ phiếu như TRI hay MTG - mà cổ đông chẳng hy vọng có tương lai khi nắm giữ do DN làm ăn quá bết bát, đợt giảm giá của VN-Index trong ba tuần qua cho thấy, ngay cả chứng khoán của những công ty đang hoạt động tốt cũng bị nhấn chìm. Sự giảm giá nằm ngoài sức tưởng tượng của các DN, nhưng có thể lý giải do thị trường thiếu tiền.

Đầu tuần qua, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình (HBC) đã có thư gửi CBCNV giải thích lý do giá cổ phiếu HBC giảm liên tục và "kêu gọi toàn thể CBCNV không nao núng bán cổ phiếu thời điểm này. Nếu có điều kiện thì nên mua vào".

Lời kêu gọi trên xuất phát từ thực tế là giá cổ phiếu HBC ngày 10/11/2011 đã giảm xuống mức 18.700 đồng/CP sau nhiều phiên chạm sàn. Nhiều CBCNV và cổ đông quan tâm đã gọi điện tìm hiểu lý do, liệu việc giảm giá cổ phiếu này có liên quan gì đến tình hình kinh doanh của Công ty?

Ông Hải khẳng định, tình hình kinh doanh của HBC tiến triển bình thường với doanh thu 9 tháng qua là 2.198 tỷ đồng, đạt xấp xỉ 88% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế đạt 97 tỷ đồng so với kế hoạch cả năm là 150 tỷ đồng, dù chi phí lãi vay của HBC lên đến hơn 99 tỷ đồng trong 3 quý.

Hòa Bình liên tiếp công bố việc trúng thầu các dự án mới với những điều kiện hợp đồng an toàn như Celadon City ở Tân Phú, Trụ sở Báo Sài Gòn Giải Phóng, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cần Thơ, Vincom Villa, Times City ở Hà Nội… Công ty cũng đã bán thành công 183/240 căn hộ giá 14,5 - 15 triệu đồng/m2 khối B1, dự án Kỷ Nguyên ở quận 7, đồng thời đàm phán thành công việc chuyển nhượng một phần vốn Khu Công Nghiệp Hòa Bình - Long Hậu cho Jessco Nhật Bản ở Long An… Việc đàm phán bán 6 triệu cổ phần cho một số đối tác quốc tế của HBC cũng đã gần hoàn tất.

Lý do chính khiến giá cổ phiếu HBC giảm mạnh, theo ông Hải, là do ảnh hưởng bởi xu hướng chung của TTCK. Ngoài ra, có một số NĐT cá nhân đã vay vốn đầu tư cổ phiếu HBC, do không đủ lượng tiền mặt bù đắp mức giá giảm nên đã bị các CTCK bán giải chấp, khiến cho giá cổ phiếu HBC giảm sàn liên tiếp các phiên từ ngày 7/11 đến 11/11/2011.

Không riêng gì HBC bị ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường chung dù hoạt động sản xuất - kinh doanh vẫn diễn ra bình thường, từ khi có thông tin một số chủ đầu tư giảm giá bán các căn hộ trên thị trường trước áp lực trả lãi ngân hàng, các cổ phiếu bất động sản đã đồng loạt hạ giá. Cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai sau 9 phiên giảm mạnh liên tiếp, vẫn giảm sàn vào phiên 11/11, còn 23.400 đồng/CP và tiếp tục giảm nhẹ vào phiên đầu tuần này. Không ai ngờ giá HAG có thể xuống mức này, bởi với mức giá 33.000 đồng/CP trước đó, Chủ tịch và hàng loạt cổ đông nội bộ của Tập đoàn đã mua vào hàng triệu cổ phần HAG do thấy giá đã quá rẻ.

Cổ phiếu VRC của CTCP Xây lắp và Địa ốc Vũng Tàu (VRC) giảm lại xuống dưới mệnh giá, dù công ty này đã xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc giãn tiến độ một số dự án để tập trung vào những dự án mang lại nguồn thu. Dù kế hoạch lợi nhuận năm 2011 được điều chỉnh giảm xuống còn 33,75 tỷ đồng, nhưng VRC cho biết, vẫn đảm bảo tỷ lệ cổ tức 15% trong năm nay.

Cổ phiếu của CTCP Xây dựng Cotec (CTD) đã có chuỗi ngày giảm điểm khá dài, từ 30.000 đồng về 21.900 đồng/CP - chỉ bằng một nửa so với giá trị sổ sách 43.500 đồng/CP vào thời điểm kết thúc quý III/2011. Trong khi đó, ông chủ của Bình Thiên An - công ty đã thâu tóm một số công ty niêm yết khác, đã công khai việc đưa CTD vào tầm ngắm thâu tóm. Việc giá cổ phiếu CTD giảm mạnh như hiện nay là cơ hội tuyệt vời để Bình Thiên An thực hiện ý định này. Trước đó, CTD đã đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu quỹ, nhưng nỗ lực đó dường như chưa đủ để ngăn cổ phiếu này bước vào đợt giảm giá vừa qua. Về hoạt động của DN, trong quý III, CTD vẫn đạt 44 tỷ đồng lợi nhuận và 146 tỷ đồng lũy kế 9 tháng, một kết quả tốt so với tình hình thị trường bất động sản hiện nay.

Có thể thấy, nguyên nhân lớn nhất khiến nhiều cổ phiếu đang bị bán rẻ là do NĐT ưu tiên nắm giữ tiền mặt. Đồng thời, các NĐT cũng không hình dung được tương lai của DN trong năm 2012 như thế nào. Làn sóng bán tháo căn hộ gần đây khiến NĐT nghi ngại vốn của các DN bất động sản sẽ âm sau khi giải quyết xong lượng căn hộ tồn kho.

Tuy nhiên, trên thực tế, các yếu tố này ảnh hưởng khác nhau đến từng DN và nhiều đơn vị kinh doanh bất động sản ở phân khúc nhà bình dân hay đất nền vùng ven vẫn bán hàng tốt. Việc giảm giá do tác động dây chuyền này có thể là cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các NĐT có tiềm lực tài chính mạnh, hoặc có ý định thâu tóm DN.

Thu Hương
Thu Hương

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,177.95 -15.06 -1.28% 76,103 tỷ
HNX 221.75 -4.45 -2.01% 997 tỷ
UPCOM 87.37 -0.78 -0.89% 232 tỷ