Thị trường chứng khoán tháng 7: Đà tăng dựa vào nội lực

(ĐTCK) Nền kinh tế đang được thúc đẩy tăng trưởng theo hướng bền vững, giúp thị trường chứng khoán có diễn biến khả quan, cổ phiếu nhiều nhóm ngành thu hút dòng vốn lớn và tăng giá mạnh.
Thị trường chứng khoán tháng 7: Đà tăng dựa vào nội lực

Thị trường chứng khoán “bật sáng” đi lên

Trong thời gian gần đây, thị trường chứng khoán đã song hành và có sự tương tác qua lại rõ nét hơn với hoạt động vĩ mô. V

ới những kỳ vọng về nền kinh tế, chỉ số chứng khoán đã có diễn biến khả quan trong 6 tháng đầu năm, VN-Index tăng hơn 100 điểm so với cuối năm ngoái, tương đương tăng gần 17%, đạt 776,47 điểm.

Thanh khoản được đẩy mạnh nhờ dòng tiền đổ vào thị trường của nhà đầu tư nước ngoài lẫn trong nước. Nhờ vào chính sách kiểm soát tỷ giá và lãi suất ổn định nên nhịp tăng của thị trường năm nay ổn định và đều hơn, chứ không còn những đợt “co giật” như các năm trước.

Một trong những yếu tố giúp thị trường chứng khoán thu hút được dòng tiền đầu tư lớn chính là hàng hóa trên thị trường dồi dào hơn trước, nổi bật là các doanh nghiệp lớn niêm yết từ cuối năm ngoái đến nay như VJC, NVL, SAB, HVN, PLX…

Nhiều cá nhân nắm giữ cổ phiếu tại các doanh nghiệp này hòa vào dòng vốn mới đầu tư vào chứng khoán và khi thị trường tăng trưởng thì họ đổ thêm vốn vào thị trường, tạo một lớp nhà đầu tư mới. Ngoài ra, các hoạt động M&A, thoái vốn khiến sự chu chuyển dòng vốn mạnh hơn, kích thích các quỹ đầu tư nước ngoài tham gia.

Nổi bật trong 6 tháng vừa qua là cổ phiếu nhóm ngành dược khi đạt mức tăng giá hơn 60%, nhất là cổ phiếu của các doanh nghiệp có thông tin nới “room” như DHG, DMC. Cổ phiếu các nhóm ngành tài chính, bán lẻ, bất động sản tăng giá trung bình trên 25% nhờ có các yếu tố cơ bản hỗ trợ.

Với mốc trên 770 điểm của VN-Index, P/E trung bình của thị trường là 14,5 lần, cách không xa mức đỉnh của các đợt đạt đỉnh cao trước đó. Riêng nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có P/E gần 16 lần (đã loại ra một số cổ phiếu có P/E lớn bất thường như ROS, STB, VIC). Tuy nhiên, có một sự khác biệt là thị trường năm nay có nhiều cổ phiếu lớn tham gia như VJC, SAB, PLX. Trong đó, không ít mã hiện có P/E dưới 11 lần như HPG, HSG, REE, KDC, CTG, FPT, CTD...

Nhìn chung, mức định giá trên HOSE tương đương với các thị trường khác trong khu vực và còn nhiều cổ phiếu có mức định giá hấp dẫn.

Tháng 7, một số nhóm ngành đang có tín hiệu lạc quan trở lại sau thời gian khó khăn như phân bón, thủy điện, thủy sản. Ở các nhóm ngành “nóng” như ngân hàng, chứng khoán, dự báo sẽ có kết quả lợi nhuận tốt trong quý II, sẽ trở thành nhóm trụ đỡ cho thị trường.

Sang tháng 7, dự báo thị trường sẽ chuyển động chậm do sự phân hóa cổ phiếu diễn ra mạnh mẽ, hoạt động “lướt sóng” khó đạt hiệu quả cao như 6 tháng đầu năm. Khi đó, chiến lược mua và nắm giữ trung hạn sẽ ít rủi ro và mang lại cơ hội đạt lợi nhuận cao hơn cho nhà đầu tư.

Nhóm các cổ phiếu đầu ngành như VNM, CTD, HPG, MWG, HBC, PNJ, SSI, REE có thể tăng giá chậm hơn so với nhiều cổ phiếu vốn hóa nhỏ, nhưng đà tăng nhiều khả năng duy trì bền hơn nhờ hoạt động kinh doanh cơ bản hỗ trợ.

Dự báo, thị trường hiện tại đang ở ngưỡng bước đệm trước khi vào chu kỳ tăng trưởng mới, với sự gia tăng nhanh của nhiều cổ phiếu chất lượng lên niêm yết, đi kèm các sản phẩm phái sinh cung cấp cho thị trường. 

Kỳ vọng xử lý nợ xấu giúp nền kinh tế và TTCK sáng hơn

Tăng trưởng GDP trong quý II/2017 đạt 6,17% so với mức 5,1% của quý I, đưa mức tăng GDP 6 tháng lên 5,73%. Dù còn cách khá xa mục tiêu cả năm là 6,7%, nhưng mức tăng mạnh trong quý II cho thấy, hoạt động điều hành nền kinh tế năm nay của Chính phủ đang đi đúng hướng và thành công bước đầu.

Qua các số liệu tổng hợp cho thấy, tình hình sản xuất - kinh doanh đang trên đà hồi phục và sức mua của nhiều loại thị trường tăng trưởng tích cực. Các hoạt động xuất khẩu đang trên đà tăng trưởng trở lại, ngoài yếu tố thuận lợi từ kinh tế thế giới còn nhờ vào chính sách hỗ trợ trong nước cùng cơ chế điều hành tỷ giá và lãi suất hợp lý.

Tuy nhiên, một số vấn đề đáng chú ý là tỷ lệ nợ công cao và hoạt động kinh tế chưa thật sự bền vững, dễ bị tổn thương từ yếu tố bên ngoài. Mặc dù vậy, nền kinh tế đang và sẽ được thúc đẩy tăng trưởng theo hướng bền vững, cùng với đó là quá trình tái cấu trúc,  nâng cao vị thế ngành ngân hàng, song song với việc đẩy mạnh thu hút vốn từ các nguồn khác.

Hiện tại, ngân hàng vẫn là nguồn cung cấp vốn lớn cho nền kinh tế, vì vậy, hoạt động của ngành ngân hàng cần lành mạnh và nâng cao vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế. Nghị quyết về xử lý nợ xấu vừa được Quốc hội ban hành có nhiều điểm tích cực, kỳ vọng sớm khai thông sự ách tắc kéo dài nhiều năm qua.

Một trong những điểm quan trọng trong nghị quyết này là các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được bán nợ xấu theo giá thị trường. Ngoài ra, nghị quyết cho phép tổ chức mua bán nợ xấu được bán nợ xấu cho pháp nhân và cá nhân không có chức năng kinh doanh, mua bán nợ xấu. Việc xử lý và kiểm soát nợ xấu thành công sẽ mở ra giai đoạn mới về việc tăng vốn cho ngành ngân hàng và nâng cao hoạt động quản trị, đáp ứng chuẩn Basel II.

Khi hoạt động của ngành ngân hàng vững bước, dòng vốn chu chuyển trong nền kinh tế sẽ chuẩn mực hơn, hỗ trợ các doanh nghiệp cũng như nền kinh tế phát triển. Thị trường chứng khoán được ví như "phong vũ biểu" của nền kinh tế, dự báo sẽ theo sát và phản ánh sớm hơn bức tranh từ nội lực.

Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích,Công ty Chứng khoán Sacombank

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,177.4 -12.82 -1.09% 174,889 tỷ
HNX 222.63 -2.67 -1.2% 1,395 tỷ
UPCOM 87.51 -0.51 -0.59% 436 tỷ