Thị trường chứng khoán tháng 6, nhiều yếu tố không mong đợi

(ĐTCK) Câu châm ngôn “Bán tháng 5 và đi chơi” đã không ứng nghiệm tại TTCK Việt Nam trong năm nay. Tuy nhiên, tháng 6 đang xuất hiện những yếu tố bất lợi tác động đến thị trường.
Mốc 627,81 điểm của VN-Index và 82,66 điểm của HNX-Index nhiều khả năng là vùng đỉnh của nhịp tăng giá vừa qua Mốc 627,81 điểm của VN-Index và 82,66 điểm của HNX-Index nhiều khả năng là vùng đỉnh của nhịp tăng giá vừa qua

Tháng 5 trôi qua đã xóa đi những nghi ngại của nhà đầu tư về câu châm ngôn từ xưa trên TTCK Mỹ là “Bán tháng 5 và đi chơi” sẽ ứng nghiệm tại thị trường Việt Nam trong năm nay, khi cả hai chỉ số chứng khoán đều tăng điểm.

Cụ thể, VN-Index tăng 2,7%, còn HNX-Index tăng 1,05%, trở thành tháng tăng điểm thứ tư liên tiếp trong năm 2016. Hai yếu tố quan trọng, động lực chính cho nhịp tăng của thị trường là dòng tiền ngoại và nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

Đã không ít lần, nhà đầu tư tưởng chừng thị trường sớm quay trở lại xu thế bán, nhưng chính nhóm cổ phiếu lớn như VCB, BID, VIC, VNM, BVH..., cùng dòng tiền ngoại đã giúp VN-Index chinh phục thành công cả 2 mốc kháng cự quan trọng là 600 điểm và 610 điểm.

"Dự báo, thị trường tháng 6 sẽ dao động trong vùng 580 - 610 điểm trước khi những yếu tố bất thường mang tính tác động mạnh xảy ra. Rủi ro này có thể sẽ xuất hiện từ những cổ phiếu lớn khi chúng bắt đầu điều chỉnh theo sự yếu của dòng vốn ngoại".

Tuy nhiên, bước sang tháng 6, thị trường nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với một số yếu tố bất lợi tác động, từ thế giới lẫn trong nước, từ vĩ mô cho đến vi mô.

Về thế giới, câu chuyện giá dầu đang tạm lắng xuống khi vùng giá đang dần định hình tại mốc 50 USD/thùng. Tuy nhiên, tháng 6 lại đang khởi nguồn với 2 câu chuyện có khả năng sẽ xảy ra. Thứ nhất là khả năng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang trở nên rõ ràng hơn, khi chính Chủ tịch Fed - bà Janet Yallen cũng đã lên tiếng về khả năng này. Thứ hai là cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 23/6 có thể sẽ chính thức đưa nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2019.

Về câu chuyện thứ nhất, nhà đầu tư chưa quên tình trạng TTCK toàn cầu chao đảo cuối năm ngoái, ngay sau khi Fed quyết định tăng lãi suất thêm 0,5%/năm, từ mức 0 - 0,25%/năm lên 0,25 - 0,5%/năm. Dòng tiền trên thế giới dịch chuyển mạnh, đồng thời đẩy giá của đồng USD tăng lên, khiến giá dầu và giá vàng suy giảm. Một nỗi lo bao trùm lên tất cả các khu vực xuất khẩu dầu trên thế giới, đẩy thị trường rơi vào hỗn loạn.

Vì thế, với việc Fed để ngỏ khả năng tăng lãi suất lần thứ hai có thể một lần nữa khiến thị trường biến động mạnh bất ngờ, trong đó có bất ngờ mang tên Trung Quốc. Đó là, dòng tiền dịch chuyển ra khỏi quốc gia này, tạo áp lực lớn lên đồng nhân dân tệ.

Ở câu chuyện thứ hai, mọi vấn đề vẫn đang trong sự hoài nghi, bởi nó chưa có tiền lệ và cũng chưa ai hiểu rõ tác động thực sự nếu nước Anh rời khỏi EU. Đã có nhiều tổ chức nghiên cứu và đánh giá tác động của sự kiện này nếu diễn ra như UBS, HSBC, hay Global Counsel.

Theo đó, việc Anh rời khỏi EU sẽ tác động đến rất nhiều lĩnh vực: kinh tế, thương mại, di cư, tài chính, đầu tư... Riêng giới tài chính đang quan tâm lớn đến 2 đồng tiền là Bảng Anh (GBP) và EUR. Nhiều dự báo cho rằng, đồng EUR sẽ hạ giá mạnh xuống tương đương 0,98 USD, còn GBP ngang bằng với EUR trong khi giá hiện tại là 1,31 EUR. Sự sụt giảm giá trị của cả hai đồng tiền này có thể sẽ khiến thị trường tài chính toàn cầu hỗn loạn.

"Mốc 627,81 điểm của VN-Index và 82,66 điểm của HNX-Index nhiều khả năng là vùng đỉnh của nhịp tăng giá vừa qua".

Trong nước, các yếu tố khó khăn đang xuất hiện nhiều hơn khi nhìn vào những số liệu được công bố cuối tháng 5 vừa qua. Đó là, chỉ số CPI tháng 5 tăng 0,54%, trở thành tháng thứ 8 tăng liên tiếp và tăng 2,28% so với tháng 5 năm ngoái, đang đe dọa mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 5% trong năm 2016 của Chính phủ.

Không chỉ có vậy, CPI tăng mạnh trở lại cũng sẽ khiến cho nhiều nỗ lực khác trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là nỗ lực giảm lãi suất. Trong khi đó, đang có những yếu tố tiềm ẩn có thể khiến CPI tăng mạnh trong những tháng kế tiếp. Nguy cơ lãi suất tăng trở lại sau nỗ lực hạ lãi suất của một số ngân hàng vừa qua gây áp lực không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế và hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, con số bội chi ngân sách đang ngày một nhiều, 5 tháng đầu năm là 66.400 tỷ đồng, riêng trả nợ lên tới 55.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế đang có dấu hiệu khó hoàn thành mục tiêu đề ra cho năm nay là 6,7%, khi mà tăng trưởng quý I chỉ đạt 5,46%.

Quay trở lại với TTCK, tuần cuối tháng 5 (23 - 27/5) có diễn biến giảm điểm đã kết thúc chuỗi tăng 7 tuần liên tiếp. Mốc 627,81 điểm của VN-Index và 82,66 điểm của HNX-Index nhiều khả năng là vùng đỉnh của nhịp tăng giá vừa qua. Động lực tăng giá đang ngày càng ít đi và có lẽ nhiều nhà đầu tư cũng đang cảm nhận được. Dòng tiền đang có dấu hiệu thoát ra khỏi thị trường, thể hiện ở thanh khoản thấp hơn.

Dự báo, thị trường tháng 6 sẽ dao động trong vùng 580 - 610 điểm trước khi những yếu tố bất thường mang tính tác động mạnh xảy ra. Rủi ro này có thể sẽ xuất hiện từ những cổ phiếu lớn khi chúng bắt đầu điều chỉnh theo sự yếu của dòng vốn ngoại.

Tuy nhiên, tháng 6 sẽ cho thấy sự phân hóa rõ rệt giữa các nhóm cổ phiếu, theo đó nhóm cổ phiếu chuẩn bị trả cổ tức cao như HSG, CSM, DRC..., hay nhóm có kết quả kinh doanh khả quan như FPT, MWG... nhiều khả năng sẽ tạo ra vùng giá an toàn hoặc tăng nhẹ. Ngược lại, nhóm vốn hóa lớn nói chung và các cổ phiếu ít được dòng tiền quan tâm trong thời gian qua sẽ tiếp tục dò đáy.

Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích, CTCK IVS

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ