Thị trường cần vốn để tăng tính thanh khoản

(ĐTCK-online) Sau thời gian dài TTCK Việt Nam chịu sự suy giảm mạnh do nhiều yếu tố tác động, trong đó có tác động từ việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Chỉ thị 03 yêu cầu các ngân hàng chỉ được cho vay cầm cố chứng khoán ở mức 3% tổng dư nợ, tuần qua, cơ quan này đã đưa ra thông điệp sẽ sửa Chỉ thị 03 theo một trong hai cách. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Ngọc Thanh, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán VNDirect về vấn đề này.
Bà Nguyễn Ngọc Thanh. Bà Nguyễn Ngọc Thanh.

Bà cảm nhận như thế nào về tác động của Chỉ thị 03/NHNN đến TTCK?

Theo tôi, một TTCK hoạt động lành mạnh, yếu tố quan trọng nhất là phải có tính thanh khoản. Tính thanh khoản phải được tạo ra từ các NĐT nội địa là chính, còn nếu phụ thuộc quá lớn vào NĐT nước ngoài là không hợp lý, không an toàn. Hiện nay, ở Việt Nam có tình trạng NĐT cá nhân thiếu vốn để đầu tư, còn các tổ chức lớn chưa có nhu cầu hoặc chưa trực tiếp tham gia vào TTCK. Với việc ban hành Chỉ thị 03, NĐT cá nhân gần như bị chặn đứng nguồn tín dụng để đầu tư chứng khoán, trong khi các CTCK ở Việt Nam hiện chưa được thực hiện nghiệp vụ tín dụng. Đây là lý do chính khiến TTCK rơi vào tình trạng mất cân đối cung - cầu và hệ quả trực tiếp của tình trạng này là giá cổ phiếu giảm mạnh, TTCK thiếu thanh khoản. Việc NHNN cũng như các cơ quan chức năng xem xét để sửa Chỉ thị 03 theo hướng phù hợp hơn, theo tôi, là một thông tin tích cực với thị trường.

 

NHNN đang có ý định sửa Chỉ thị 03 theo 2 cách. Một là, để các NHTM thực hiện cho vay nhưng không chốt chặn tỷ lệ 3% mà theo các tiêu chí về giám sát rủi ro và an toàn tín dụng. Hai là ngân hàng sẽ cho vay đối với các CTCK để CTCK thực hiện chiết khấu, repo đối với NĐT. Theo bà phương án nào khả thi hơn?

Trước hết, cần hiểu là cho vay kinh doanh chứng khoán là loại hình cho vay rất đặc thù, theo một chu kỳ hết sức nhanh chóng. Thời gian từ lúc xét duyệt phương án cho vay đến lúc  giải ngân được là rất ngắn mới đáp ứng được nhu cầu của người vay, vì cơ hội kiếm tiền trên TTCK đến rất nhanh và đi cũng rất nhanh. Nếu để các NHTM cho vay trên cơ sở áp dụng quy trình tín dụng như hiện nay đối với cho vay kinh doanh chứng khoán là không phù hợp. Do đó, tôi ủng hộ quan điểm các NHTM sẽ cấp hạn mức tín dụng cho từng CTCK để thực hiện cung ứng vốn ra thị trường thông qua những nghiệp vụ được phép thực hiện, như repo chứng khoán.

Ngân hàng thương mại có thế mạnh về nguồn vốn nhưng họ không trực tiếp kinh doanh chứng khoán. Còn CTCK là những tổ chức hiểu và quản lý tốt nhất rủi ro thị trường và có thể đưa ra những khuyến cáo đầu tư để hạn chế rủi ro. Việc hợp tác giữa ngân hàng và CTCK để cung ứng vốn ra TTCK là một hướng đi thích hợp trong bối cảnh quy định pháp lý tại Việt Nam hiện chưa cho phép CTCK được làm nghiệp vụ tín dụng.

 

Nhưng nhiều lo ngại rằng, nếu để CTCK được cấp vốn ra thị trường là rất rủi ro và hiện chưa có tổ chức nào đứng ra bảo hiểm cho loại rủi ro này, thưa bà?

Đúng là có rủi ro vì không phải CTCK nào cũng có năng lực thẩm định các cơ hội đầu tư của đối tượng vay vốn. Tuy nhiên, chúng ta nên nhìn nhận rằng, rủi ro thị trường là tất yếu, nó tồn tại ở bất cứ thị trường nào và điều quan trọng là những tổ chức tham gia vào quá trình này phải kiểm soát tốt rủi ro, hay nói cách khác là người có tiền phải biết giữ gìn và sinh lợi đồng tiền của mình.

 

Trong trường hợp NHNN chọn giải pháp cho phép các NHTM cho vay đầu tư chứng khoán qua CTCK, theo bà, có cần thiết khống chế một tỷ lệ cho vay cụ thể nào không?

Theo tôi, NHNN không nên khống chế việc cho vay chứng khoán bằng một tỷ lệ cụ thể nào. Các ngân hàng chính là người đưa ra hạn mức cho vay đối với từng CTCK dựa trên tiêu chí an toàn về vốn của mỗi công ty. Ở tầm quản lý vĩ mô, NHNN nên đưa ra một quy trình tín dụng/hoặc định hướng trong quản lý rủi ro tín dụng cho ngân hàng và CTCK. Những hạn mức tín dụng giữa ngân hàng và CTCK phải được áp dụng một cách linh hoạt dựa vào "sức khoẻ" của các bên tham gia, chứ không nên để 3% hay 5%. Hiện nay, các ngân hàng có quy định về tỷ lệ an toàn vốn, nhưng CTCK thì chưa có. Tôi cho rằng, khối CTCK cũng cần có tỷ lệ an toàn vốn phù hợp để tạo sự yên tâm và bền vững khi hoạt động trong ngành này.

>> Giải pháp "cứu thị trường"

Lan Vi thực hiện.
Lan Vi thực hiện.

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ