Thị phần môi giới, điểm nổi bất ngờ

(ĐTCK) Sự bùng nổ về giao dịch thỏa thuận lô lớn đã ảnh hưởng đến bảng xếp hạng thị phần môi giới quý IV/2012.
Thị phần môi giới, điểm nổi bất ngờ

Trong bản tin bình luận thị trường bằng tiếng Anh “What happen in Vietnam” ngày 4/1, CTCK Tầm Nhìn (HRS) tự nhận xét: “một sự ngạc nhiên đến thú vị là HRS đã lọt vào bảng Top 10 môi giới, với thị phần 3,71%”.

Thị phần môi giới, điểm nổi bất ngờ ảnh 1

Giải mã hiện tượng “Tầm Nhìn”

6 năm hoạt động là 6 năm HRS liên tục thua lỗ. Hiện Công ty chỉ thực hiện nghiệp vụ môi giới và lưu ký chứng khoán. Trong mảng môi giới, ngay từ ban đầu, HRS cũng chỉ chú trọng phát triển mảng bán buôn với các khách hàng lớn như Horizon Capital, Citi Group Thậm chí, vào năm 2011, để tiết kiệm chi phí, Công ty đã tất toán tất cả tài khoản của các NĐT cá nhân bên ngoài. Hiện tại, số tài khoản cá nhân tại HRS là của CB-CNV, với mục tiêu quản lý giao dịch của nhân viên theo quy định. Tính đến ngày 30/9/2012, bộ máy nhân sự của HRS chỉ vỏn vẹn 20 người. Về cơ cấu cổ đông, Horizon Capital Group nắm giữ 89,1% cổ phần HRS, phần còn lại chủ yếu thuộc về Citi Group.

Định hướng” hoạt động của HRS rõ đến mức ngay khi truy cập website của Công ty, ngôn ngữ hiển thị đầu tiên là tiếng Anh. Các bản tin dành cho NĐT nước ngoài được cập nhật đầy đủ, nhưng bản tin bằng tiếng Việt được cập nhật lần cuối cùng vào tháng 2/2012! Thua lỗ kéo dài, nên mấy năm gần đây, HRS liên tục cần đến sự hỗ trợ tài chính của Horizon Capital Group và Citi Group qua các đợt tăng vốn. Dù vậy, tính đến hết quý III/2012, HRC lỗ lũy kế gần 53 tỷ đồng; vốn điều lệ 75,5 tỷ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu chỉ còn 22,6 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2012, doanh thu của HRS đạt vỏn vẹn 1,3 tỷ đồng, lợi nhuận âm 7,1 tỷ đồng.

Hoạt động khá lặng lẽ nên việc HRS chen chân vào Top 10 thị phần môi giới quý IV/2012 được các đối thủ khá chú ý. Thật ra, hiện tượng HRS không quá bí ẩn, giống như hiện tượng “ngựa ô” CTCK Phương Nam (PNS) trước đây. Vào quý II/2012, bằng việc giao dịch thỏa thuận lô lớn cổ phiếu STB, PNS đã bất ngờ đứng vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng thị phần môi giới. Tương tự PNS, trong điều kiện thanh khoản của TTCK xuống thấp như cuối năm ngoái, các giao dịch của một quỹ đầu tư (đối với một mã bất động sản) trong tháng 12 đã khiến thị phần của HRS tăng vọt. 

 10 CTCK có thị phần môi giới lớn nhất

Thị phần môi giới, điểm nổi bất ngờ ảnh 2

Phần còn lại của bảng xếp hạng

Đây là quý thứ 3 liên tiếp CTCK TP. HCM (HCM) trụ vững ở ngôi đầu và vẫn mở rộng thị phần môi giới. Hai đối thủ cạnh tranh liền kề là CTCK SSI và CTCK ACBS giữ nguyên thứ hạng, nhưng chịu sự sụt giảm nhẹ về thị phần. Dù đang dẫn đầu, nhưng nhìn nhận về cuộc đua thị phần môi giới, ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc HCM tỏ ra e ngại. Theo ông Giang, trong dài hạn, đối thủ “khó chịu” nhất là các CTCK có yếu tố nước ngoài. Tại các nước láng giềng, đa phần CTCK thuộc tốp đầu về thị phần đều có yếu tố ngoại. Họ chỉ cần tập trung vào các khách hàng tổ chức nước ngoài là đã có thể xác lập thứ hạng bảng xếp hạng, dựa trên giá trị giao dịch lớn. Tại Việt Nam , trừ CTCK Maybank KimEng (MBKE), các CTCK có yếu tố ngoại còn lại hoạt động khá im ắng. Nhưng sự trầm lặng này không phản ánh đúng thực lực khi họ vẫn tiếp cận thị trường theo hướng thận trọng. Khi TTCK quay lại quỹ đạo tăng trưởng, cuộc đua thị phần môi giới hứa hẹn xuất hiện nhiều hiện tượng “ngựa ô”.

Quý IV/2012, sự bùng nổ về giao dịch thỏa thuận cổ phiếu EIB đã góp phần củng cố thứ hạng của ACBS (thứ 3) và CTCK Rồng Việt (thứ 5). CTCK Bản Việt (VCSC) vươn lên vị trí thứ 4, thay thế vị trí của MBKE trong quý trước đó. Về bước tiến này, bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc Môi giới của MBKE cho biết, tổng thể hoạt động của VCSC vẫn ổn định, nhưng có một số giao dịch thỏa thuận lô lớn đã giúp Công ty tăng thứ hạng. Đó là các giao dịch thỏa thuận lô lớn cổ phiếu MSN và đặc biệt là SCIC thoái 27,3% vốn tại TTP.

Phần còn lại của bảng xếp hạng là những cái tên cũ như CTCK FPT, MBKE, MBS, VNDirect. Hai CTCK lớn là VietinbankSC và Bảo Việt rời khỏi Top 10. Điều này cho thấy, nếu như nửa trên của bảng xếp hạng đã định hình khá ổn định, thì nửa dưới biến động khá nhanh, do thị phần chênh lệch không lớn.

Giang Thanh
Giang Thanh

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,201.66 -14.95 -1.24% 158,209 tỷ
HNX 225.99 -3.73 -1.65% 1,471 tỷ
UPCOM 88.03 -0.95 -1.08% 344 tỷ