“Thày bói”...xem voi!

(ĐTCK-online) Những ngày đầu hè, sự nóng lên của thời tiết dường như đã truyền cảm hứng cho cả… nhà đầu tư và TTCK Việt Nam, khiến giá của nhiều mã chứng khoán tăng liên tục. Chỉ số VN-Index dần tiến bước và sắp trở về mức kỷ lục cũ là 1.170,67 điểm (ngày 12/3/2007).

2 tháng trước, người ta nhận định thị trường quá nóng, cần thiết phải có sự điều chỉnh giảm. Nhưng gần đây, cũng mức VN-Index đấy, nhà đầu tư lại được nghe bình luận: TTCK đang trở lại mức giá trị thực, đã đến lúc để mua vào. Vậy phải chăng, TTCK Việt Nam đã có sự thay đổi mạnh về chất hay tất cả chỉ là cách nhìn nhận vấn đề?

Nhiều người đã tự hỏi: động lực nào cho TTCK tăng trở lại nhiều như vậy? Bởi vì trước đó chỉ một tháng, nhiều nhà đầu tư đã nghĩ rằng, sẽ chẳng có động lực nào làm cho thị trường tăng trở lại ở giai đoạn này. Bởi chuyên gia bảo thế. VN-Index chưa đến ngưỡng 900 điểm, nhà đầu tư tốt hơn cả là… hãy đợi đấy!

Những ngày vừa qua, TTCK có nhiều diễn biến trái chiều. Sau 5 phiên tăng liên tục từ ngày 17/5 đến 23/5, VN-Index đạt mức 1.113,19 điểm, nhưng ngay từ đầu phiên giao dịch ngày 23/5, thị trường có dấu hiệu đảo chiều, mà theo nhiều nhà đầu tư là xuất phát từ nhận định của một chuyên gia: khi VN-Index đạt mức 1.200 điểm sẽ có điều chỉnh giảm, nhưng sẽ tăng trở lại trong tuần này. Và một thực tế là, cả hai sàn Hà Nội và TP. HCM đều giảm mạnh, với hầu hết các mã chứng khoán giảm sàn. Dù không thể đổ lỗi cho nhận định trên, nhưng dư luận chung của các nhà đầu tư là phát ngôn trên đã dẫn đến phản ứng bán ra hàng loạt trên thị trường. Ông N.M.Đức, nhà đầu tư tại CTCK Thăng Long cho biết: “trong lần tăng giá này, có vẻ như các chuyên gia đã dè dặt hơn trong cách bình luận, vì dù sao, những lần trước, chúng tôi cũng đã bị thiệt hại quá nhiều”.

Quả thật là, trong đợt tăng giá này, nhiều nhà đầu tư đã cảm thấy “yên tâm” hơn, vì chưa thấy “động tĩnh” gì từ các chuyên gia. Và một câu hỏi đặt ra là, TTCK tăng mạnh dần nhưng chẳng thấy ai nói TTCK đang nóng, phải chăng, bây giờ giá cả trên TTCK là bình thường?

Trên TTCK, ai có thể nói giá các CP là ảo? Có lẽ, chẳng ai đủ căn cứ để đưa ra giá trị thực là bao nhiêu cả. Con người hoàn toàn có thể bỏ tiền ra mua cho mình những kỳ vọng về loại hàng hoá mà họ muốn. Và có ai ép họ phải mua đâu, nên nếu có giao dịch, tức là giá cả vẫn được chấp nhận. Chuyện nhà khoa học Gregory Olsen chi tới 20 triệu USD để đi du lịch vũ trụ hồi tháng 4 vừa qua với ai đó có thể là điên rồ vì quá đắt đỏ, nhưng với một số người khác, giá đó cũng là bình thường. Và điên rồ hay không điên rồ, giá chứng khoán cao hay thấp, tất cả chỉ là cách nhìn nhận.

Khi quan hệ cung cầu thay đổi, sự kỳ vọng và niềm tin của nhà đầu tư cũng thay đổi… thì giá cả lên xuống cũng là chuyện dễ hiểu. Đưa ra quan điểm, nhận định về thị trường thực chất là việc tác động thay đổi cách nhìn nhận và sự kỳ vọng của nhà đầu tư, từ đó tác động đến giá cả. Lúc đó, mức tăng hay giảm của giá chứng khoán đến đâu phụ thuộc vào mức độ tác động của thông tin tới thị trường. Ngày trước, giá vàng đang từ 400.000 đồng/chỉ lên tới cả 800.000 đồng/chỉ chỉ trong vòng vài tháng và mọi người lo sợ quá cao, nhưng đến bây giờ, giá đã lên tới gần 1,3 triệu đồng/chỉ. Theo đánh giá của một chuyên gia chứng khoán nước ngoài, chỉ số P/E được coi là chỉ tiêu đánh giá mức độ cao hay thấp của giá cổ phiếu, nhưng nếu tính đến yếu tố ngành, tốc độ tăng trưởng thì P/E bằng 30 lần không hẳn đồng nghĩa với giá đắt và P/E bằng 20 lần cũng không chắc là giá hợp lý. Đấy là so sánh riêng từng mã, còn xét theo yếu tố chung, tính cả lạm phát thì giá bình quân tăng cũng là đương nhiên. Ở Việt Nam, mối quan hệ giữa lạm phát, tỷ giá hối đoái, giá vàng… chưa có sự tác động mạnh tới chứng khoán, nhưng về lâu dài, việc xem xét giá cả không thể không tính tới ảnh hưởng của những nhân tố trên.

Với mỗi chuyên gia phân tích, nhận định thị trường quá cao hay không là quan điểm cá nhân, nhưng nó không thể chỉ là quan điểm cá nhân khi mà thông qua các phương tiện truyền thông, nhận định này tác động đến hành vi của cả thị trường. Và ai có thể đảm bảo, việc đưa ra những nhận định này hoàn toàn vô tư, khách quan, vì lợi ích của nhà đầu tư và không nhằm một mục đích của cá nhân, tổ chức nào đó. Nếu như chúng ta không có cơ chế ràng buộc chặt chẽ hơn trong việc đưa ra phát ngôn hay nhận định của tổ chức, thì việc lợi dụng các phương tiện thông tin đại chúng và uy tín của tổ chức để phát ngôn nhằm mục đích riêng là khó tránh khỏi. Chúng ta đã có quy định xử phạt việc lợi dụng thông tin nội gián, nhưng dường như việc “gây nhiễu” thông tin kiểu phát ngôn, bình luận vẫn chưa được chú ý nhiều. Và nếu không cẩn thận, sự thao túng thị trường qua phương tiện truyền thông sẽ trở thành một nguy cơ thực sự. Nhà đầu tư mua vào hay bán ra, thị trường tốt hay không tốt, tất cả tại… chuyên gia bảo thế, chỉ vì những cách nhìn khác nhau.

Tiểu Mai

 

Tiểu Mai
Tiểu Mai

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ