Thặng dư IPO: Cơ chế xin - cho?

(ĐTCK) Vinaconex, Vietcombank, PVFC và mới đây là Vietinbank đều có công văn xin được giữ lại tiền thặng dư từ bán cổ phần nhằm tăng năng lực tài chính. Với những DN lớn, thặng dư từ IPO là khoản tiền đáng kể và đây cũng là một trong những mối quan tâm lớn nhất của NĐT khi quyết định bỏ giá cổ phần. Quy định sử dụng tiền thặng dư đã có, nhưng xung quanh vấn đề này vẫn có nhiều ý kiến khiến cả DN và NĐT băn khoăn.
Việc sử dụng khoản thặng dư sau IPO như thế nào là mối quan tâm lớn của NĐT khi tham gia đấu giá. Việc sử dụng khoản thặng dư sau IPO như thế nào là mối quan tâm lớn của NĐT khi tham gia đấu giá.

Theo Nghị định 109/2007/NĐ-CP về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành CTCP, nếu IPO lần đầu là bán bớt phần vốn nhà nước thì toàn bộ thặng dư chuyển về Nhà nước, nếu là tăng vốn phát hành thêm (hình thức phổ biến khi CPH hiện nay - PV) thì DN được giữ lại khoản tiền tương ứng với tỷ lệ cổ phần phát hành thêm đó.

Ngân hàng Vietcombank tổ chức bán cổ phần 1 năm trước. Theo kế hoạch, ngân hàng này IPO bằng cách phát hành thêm 30% cổ phần, như vậy được giữ lại 30% thặng dư, phương án đã được Chính phủ chấp thuận. Do những khó khăn khi thực hiện, Vietcombank chỉ phát hành thêm được 9,28% cổ phần và theo quy định, Ngân hàng đã giữ lại 9,28% trong khoản thặng dư khổng lồ hơn 10.000 tỷ đồng, phần còn lại chuyển về Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Trong phương án CPH của Vietcombank không đề cập rõ là Ngân hàng được giữ lại 30% thặng dư trong trường hợp nào, bán được cả 30% cổ phần phát hành thêm hay chỉ cần IPO. Vì thế, sau khi hoàn tất chuyển đổi hoạt động theo mô hình mới, Vietcombank đã có công văn xin Chính phủ cho giữ lại 30% thặng dư để đầu tư cho những dự án trọng điểm của quốc gia như Đường 5 chẳng hạn, nhưng đến thời điểm này, Ngân hàng chưa nhận được câu trả lời. Không ít NĐT bức xúc vì khi tính toán giá Vietcombank trong tương lai đã tính cả khoản thặng dư 30% kia được để lại.

Một trường hợp khác là Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC), khoản thặng dư khi tiến hành CPH đơn vị này ước hơn 2.000 tỷ đồng, cao hơn 500 tỷ đồng so với vốn điều lệ của PVFC. Do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) là đơn vị chủ quản phần vốn nhà nước của DN này nên toàn bộ khoản thặng dư PVFC đã xin "mẹ" cho để lại với lãi suất ưu đãi để bổ sung vốn kinh doanh. Tại các buổi roadshow của DN này, lãnh đạo PetroVietnam đều khẳng định, đồng ý với đề nghị trên và đến thời điểm này, lãnh đạo PVFC cho hay, tiền đã nằm trong tay họ và đang được sử dụng.

Một câu chuyện nữa từng gây xôn xao giới đầu tư hồi tháng 9 năm nay là trường hợp của Công ty Xuất nhập khẩu Lâm thuỷ sản Bến Tre. DN này tiến hành IPO từ đầu năm 2007 (trước khi Nghị định 109 được ban hành), với cơ quan chủ quản phần vốn nhà nước là UBND tỉnh Bến Tre. Gần 2 năm sau CPH, DN thông báo được hoàn trả khoản thặng dư 233 tỷ đồng. NĐT ngạc nhiên, cổ phiếu của công ty này thì tăng giá vù vù.

Nay trước ngày IPO Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank), câu chuyện thặng dư lại được quan tâm. Ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT Vietinbank cho hay, Ngân hàng đang đề nghị Chính phủ cho giữ lại phần thặng dư vốn từ đợt bán cổ phần lần đầu dưới hình thức uỷ thác để đầu tư vào các công trình trọng điểm của quốc gia. Kết quả ra sao chưa biết đến bao giờ mới có, bởi việc này hoàn toàn do Chính phủ quyết định.

Như vậy, điểm qua những trường hợp trên có thể thấy, tuy đã có quy định khá rõ ràng về phân chia thặng dư DNNN CPH, song trên thực tế, mỗi DN lại có những cách thực hiện khác nhau và cơ quan chủ quản vốn nhà nước cũng có những cách hành xử khác nhau. DN như vậy chẳng tội gì không xin, mà đã xin thì dư luận đặt ra câu hỏi: liệu có nảy sinh cơ chế xin - cho? Bên cạnh đó, không ít NĐT thắc mắc, thặng dư tiền bán cổ phần là đóng góp từ phía họ, số tiền đó sẽ được sử dụng ra sao chưa thấy bất cứ thông tin rõ ràng nào từ phía cơ quan quản lý nhà nước.

Nhiều NĐT khi được hỏi ý kiến đều mong muốn, trước mỗi đợt IPO, Nhà nước nên có chính sách nhất quán trong xử lý thặng dư vốn, minh bạch, rõ ràng, công bố trước cho NĐT, chứ đừng để tình trạng thích thì cho nhiều, không thích thì cho ít, gây bất bình đẳng cho NĐT. Một số chuyên gia lại cho rằng, sau CPH, Nhà nước cũng là một cổ đông tại DN, một khi vẫn tham gia đầu tư tại DN thì nên để cả phần thặng dư vốn tại DN, phục vụ hoạt động của DN, chứ không nhất thiết chuyển cả về ngân sách. Nếu không thì có cơ chế để DN có thể vay lại phần thặng dư vốn trong trường hợp dự án khả thi, khả năng hoàn trả và sinh lời cao.

Được biết, tiền thặng dư từ các đợt IPO DNNN đã được chuyển về Quỹ hỗ trợ sắp xếp DN trực thuộc Bộ Tài chính. Thủ tướng đã có quyết định chuyển quỹ này về cho SCIC quản lý và trong tháng 12 này, Bộ Tài chính sẽ bàn giao quỹ cho SCIC. Hiện SCIC đang dự thảo Quy chế quản lý quỹ, nhưng theo một đại diện của đơn vị này, thực chất họ chỉ đóng vai trò là người thủ quỹ, chứ không được sử dụng số tiền đó để phục vụ cho các dự án đầu tư. Điều này có nghĩa là SCIC giữ quỹ, thu theo quy định, chi theo yêu cầu của Bộ Tài chính. Một cơ chế như vậy khó có thể hy vọng những đồng vốn thiết yếu mang lại khả năng sinh lời cao. Chuyện xin sử dụng vốn thặng dư DN nào cũng muốn và có thể làm, nhưng được hay không thì chưa thể biết. Vậy, một cơ chế chung mang tính thị trường cho phép DN sử dụng phần vốn thặng dư hiệu quả chắc chắn sẽ tốt hơn việc các DN mạnh ai nấy xin, theo kiểu "xin - cho" như hiện nay.

Phong Lan
Phong Lan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,205.61 28.21 2.34% 198,469 tỷ
HNX 227.87 5.24 2.3% 1,609 tỷ
UPCOM 88.37 0.86 0.98% 414 tỷ