Tháng 6, gọi vốn qua thị trường chứng khoán có khả thi hơn?

(ĐTCK) Năm 2017, dòng tiền này chảy vào TTCK là gần 27.000 tỷ đồng, nhưng sự hào hứng của năm 2017 đã không còn nữa kể từ quý II/2018. Bối cảnh TTCK suy giảm đang đặt ra câu hỏi: Liệu TTCK có khả quan hơn và doanh nghiệp có cửa nào để gọi vốn qua thị trường?
Tháng 4/2018, trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Việt Nam tổ chức tại Hàn Quốc, lãnh đạo UBCK, Sở GDCK TP. HCM và Hà Nội đã có những cuộc tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư lớn Hàn Quốc, nhằm thu hút các nhà đầu tư này quan tâm đến cơ hội rót vốn vào doanh nghiệp Việt Nam Tháng 4/2018, trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Việt Nam tổ chức tại Hàn Quốc, lãnh đạo UBCK, Sở GDCK TP. HCM và Hà Nội đã có những cuộc tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư lớn Hàn Quốc, nhằm thu hút các nhà đầu tư này quan tâm đến cơ hội rót vốn vào doanh nghiệp Việt Nam

Động thái của những người chơi chính

Quý đầu tiên năm 2018, TTCK tiếp tục hút ròng hơn 10.000 tỷ đồng, chưa kể dòng tiền chảy vào những thương vụ chào bán lớn như BSR, PVOil, PVPower… Chứng khoán Việt tiếp tục tăng mạnh nhờ dòng vốn chuyên nghiệp và lần đầu tiên vươn lên đứng số 1 thế giới về tốc độ tăng trưởng, khi riêng trong quý I/2018 tăng đến gần 20%.

Đánh giá về tình hình kinh tế năm 2018, ngay từ đầu năm, rất nhiều chuyên gia tỏ ra lạc quan và cho rằng, tiềm năng tăng trưởng GDP sẽ vượt mục tiêu 6,7% mà Chính phủ đặt ra. Còn đánh giá về TTCK, lãnh đạo nhiều quỹ đầu tư tỏ ra lạc quan với đà tăng của thị trường, với kịch bản tích cực sẽ đạt mức tăng 25-30%. 

Chính những yếu tố cộng hưởng này cùng với thành công của nhiều doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh khả quan năm 2017 đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp trên sàn lên kế hoạch tăng vốn lớn cho năm nay.

Xét theo nhóm ngành thì ngành ngân hàng và chứng khoán là có kế hoạch tăng vốn lớn nhất. Ngành ngân hàng do phải thực thi theo tiêu chuẩn Basel II nên áp lực tăng vốn là rất rõ ràng, không chỉ riêng năm nay mà là cả giai đoạn 2016 - 2020. Tất cả các ngân hàng đều đồng loạt lên kế hoạch tăng vốn, từ việc trả cổ tức bằng cổ phiếu cho đến bán cho đối tác nước ngoài.

Chẳng hạn, VPBank lên kế hoạch tăng vốn từ 15.000 tỷ đồng lên 27.000 tỷ đồng, SHB sẽ tăng vốn lên 13.240 tỷ đồng (+18,25%), BIDV dự kiến tăng vốn từ mức 34.187 tỷ đồng lên 43.638 tỷ đồng, TPBank dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 46%. Đây là một áp lực không nhỏ trước thực tế nhiều ngân hàng đã không thể tăng vốn thành công trong quá khứ, ngoại trừ VPBank đã tăng được vốn năm 2017.

Tháng 6, gọi vốn qua thị trường chứng khoán có khả thi hơn? ảnh 1

Các doanh nghiệp trong ngành chứng khoán cũng lên kế hoạch tăng vốn mạnh mẽ nhằm đáp ứng tiêu chí bước vào sân chơi chứng khoán phái sinh và chứng quyền. Công ty Chứng khoán SHS lên kế hoạch tăng vốn lên hơn 2.000 tỷ đồng từ trả cổ tức, sáp nhập chứng khoán SHBS và phát hành thêm cổ phiếu mới. Công ty Chứng khoán HSC sẽ chia thưởng cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 3:2 và chào bán cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 3:2, giá chào bán 14.000 đồng/cổ phần.

Tuy nhiên, tính từ đầu năm đến nay, số lượng công ty tăng vốn thành công không nhiều, một phần do các công ty phải xin ý kiến cổ đông sau kỳ đại hội vừa qua, phần nữa là thị trường có chiều hướng xấu dần. Mặc dù nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh quý I khả quan, nhưng bối cảnh thị trường suy giảm quá nhanh khiến không ít thành viên rơi vào trạng thái bối rối.

Quý I/2018, trong tổng số 706 doanh nghiệp niêm yết có hơn 600 doanh nghiệp báo lãi. Tổng số lợi nhuận quý I đạt 47.300 tỷ đồng, tăng 21,6% so với cùng kỳ. Thế nhưng chỉ hơn 1 tháng điều chỉnh, VN-Index đã giảm đến 18,5% và gần như xóa sạch toàn bộ nỗ lực tăng trưởng thực hiện trong quý I.

Chỉ số VN-Index giảm từ trên 1.200 điểm xuống dưới 970 điểm, khiến chứng khoán Việt trở thành thị trường tồi tệ nhất thế giới về mức giảm trong quãng thời gian này. Chính điều này khiến các doanh nghiệp không thể công bố kế hoạch tăng vốn bởi khả năng thành công rất nhỏ.

Đơn cử, mã SHS đã giảm mạnh từ 25.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 15.800 đồng/cổ phiếu. Như vậy, khoản phát hành 70,3 triệu cổ phiếu với giá 12.000 đồng trở nên khó khả thi, bởi giá doanh nghiệp định bán cổ phiếu mới không chênh là bao so với thị giá hiện nay trên sàn.

Một nguyên nhân nữa có tác động khá mạnh lên thị trường là việc tăng vốn khối lượng lớn của Techcombank và Vinhomes (VHM). Chỉ riêng 2 thương vụ này đã thu hút một dòng tiền lên đến 2 - 3 tỷ USD. Phần nhiều trong số này có thể đã được lấy từ việc rút ròng khỏi thị trường niêm yết Việt Nam.

Tháng 6, gọi vốn qua TTCK có khả thi hơn?

Tháng 5 sắp trôi qua, nhường không gian mới cho tháng 6. Trong tháng này, khả năng cao là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất lần nữa và nếu thế, diễn biến của thị trường thế giới còn những bất ổn khó lường.

Các dòng vốn ngoại có nguy cơ tiếp tục bị rút khỏi các thị trường tài chính mới nổi bởi lo ngại rủi ro và chi phí vay mượn trở nên đắt đỏ hơn. Nếu khối ngoại tiếp tục bán ròng, tâm lý nhà đầu tư Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng mạnh. Tâm lý này đang ở trạng thái khá mong manh trong cơn giảm giá đã và đang diễn ra.

Một tác động có thể bất lợi nữa là giá dầu đang tăng quá nhanh khiến chi phí trở nên đắt đỏ và tiêu dùng sẽ có nguy cơ giảm sút. Mục tiêu lạm phát 4% có nguy cơ không thể giữ vững và điều này lại tác động mạnh đến lãi suất và cuối cùng hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp bị tác động do chí phí vay gia tăng. Đây là 2 nhân tố khá tiềm tàng tác động không chỉ thị trường tài chính mà còn tác động đến cả nền kinh tế.

VN-Index đã giảm 18,5% và rơi về vùng đáy tạm thời 980 điểm (+/-10) và có thể rơi về mốc hỗ trợ 930 điểm tiếp theo. Tuy nhiên, xét riêng về những rủi ro có tính tiêu cực lên TTCK thời gian vừa qua như:  mặt bằng giá quá cao; rủi ro vay margin; dòng tiền rút khỏi thị trường niêm yết cho những thương vụ tỷ USD; khối ngoại bán ròng liên tục; tác động tiêu cực một chiều của cổ phiếu lớn - thì nhiều yếu tố đã được lược giảm đáng kể.

Tháng 6, gọi vốn qua thị trường chứng khoán có khả thi hơn? ảnh 2

Xét về định giá, mức thị giá trên thu nhập mỗi cổ phần (P/E) dự phóng của Top 70 mã vốn hóa lớn nhất TTCK là 16,29 lần. P/E của toàn thị trường khoảng 18,6 lần, thấp hơn nhiều so với mức định giá P/E 22 lần trước đây. Mức cho vay margin hiện đã thấp hơn 30% so với đỉnh và hiện tượng giải chấp đã không còn diễn ra ngay cả những thời điểm thị trường giảm mạnh. Thương vụ chào bán tỷ USD của VHM đã kết thúc, còn Techcombank cũng sẽ lên sàn vào ngày 4/6 tới.

Trong các yếu tố trên thì dòng vốn từ khối ngoại là khó lường nhất, bởi sự nhiễu loạn với các thông tin trên thế giới. Tuy nhiên khi quan sát từ dòng tiền khối ngoại với nhóm ETFVN30 có thể có cái nhìn lạc quan hơn bởi trong 1 tháng vừa qua luồng tiền chảy vào Quỹ khá đều đặn. Điều đó cho thấy, về cơ bản, dòng tiền khối ngoại vẫn đánh giá cao cơ hội từ TTCK Việt Nam.

Tháng 6 bắt đầu bước vào mùa công bố báo cáo bán niên của các doanh nghiệp. Thông thường nhiều doanh nghiệp sẽ công bố con số ước tính và những thông tin tích cực sẽ có tác dụng hỗ trợ tâm lý cho thị trường.

Theo dự báo, nhóm ngành ngân hàng nhiều khả năng tiếp tục dẫn đầu về kết quả kinh doanh. Quý I/2018, lợi nhuận toàn ngành tăng trưởng 52% và riêng 13 ngân hàng niêm yết tăng trưởng đến 98% so với cùng kỳ 2017.

Cần nhớ rằng, quý I thường là quý thấp điểm của ngành bởi có kỳ nghỉ lễ kéo dài khiến cho nhu cầu vay vốn giảm, đồng thời chi phí tăng cao. Vì thế, quý II có thể kỳ vọng con số  khả quan hơn và khi đó cổ phiếu ngân hàng sẽ có cơ hội trở lại, đặc biệt sau khi nhiều ngân hàng chốt chia cổ tức.

Một yếu tố đáng quan tâm khác là giá dầu. Giá dầu tăng mạnh lên trên 70 USD/thùng mở ra cơ hội cho ngành dầu khí sau 3 năm chìm đắm. Có thể giá dầu giai đoạn này chưa tác động nhiều lên toàn ngành, nhưng chắc chắn sẽ phần nào cải thiện biên lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp.

Ở chiều ngược lại, kết quả quý II của các doanh nghiệp trong những ngành như chứng khoán hay bất động sản có thể sẽ kém tích cực hơn. Ngành chứng khoán được ví như “nước nổi bèo lên”, khi mà thị trường giảm mạnh thì nguy cơ trích lập dự phòng tự doanh gia tăng, đồng thời giá trị giao dịch giảm sút sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty chứng khoán. Ngành bất động sản thì có thể chịu tác động đến từ việc thắt chặt hơn hoạt động cho vay trước diễn biến gần đây của giá đất, nên cũng chưa rõ không gian tăng trưởng mạnh.

Nhìn trên đồ thị, VN-Index và nhiều cổ phiếu lớn đã tiệm cận với đường MA200 và đang được hỗ trợ tại đây. Thực tế trong quá khứ đã có nhiều lần thị trường tăng mạnh trở lại khi tiếp cận đường này.

Trên bình diện chung, hầu hết các nhà đầu tư chưa tính tới kịch bản khả quan trong ngắn hạn, nhưng vẫn có rất nhiều người nuôi niềm tin rằng, thị trường sẽ trở lại tích cực, có thể vượt đỉnh 1.200 điểm trên nền tảng của kinh tế vĩ mô và tình hình kinh doanh khả quan mà doanh nghiệp sẽ công bố sắp tới. Với nhà đầu tư, thắng - thua phụ thuộc rất lớn vào việc lựa chọn cổ phiếu và thời điểm.

Còn với doanh nghiệp, giá trị của TTCK mang lại lớn nhất là mở ra kênh huy động vốn, nhưng nó chỉ đến khi thị trường khởi sắc vững chắc hơn.

Nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch tăng vốn, thông qua tại đại hội đồng cổ đông, nhưng có lẽ sẽ chỉ dám chốt thời điểm thực hiện khi thị trường thực sự khởi sắc và giá cổ phiếu đủ hấp dẫn. Thị trường suy giảm như đang thử thách sự kiên nhẫn của nhà đầu tư và thử thách sự thông minh của lãnh đạo các doanh nghiệp. Làm thế nào để chứng khoán bấp bênh nhưng vẫn gọi được nguồn lực mới cho tăng trưởng và thực thi giấc mơ vươn lên.

Nguyễn Hữu Bình

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ