Thách thức của doanh nghiệp trước nghị định về kiểm toán nội bộ

(ĐTCK) Ngày 22/1/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 05/2019/NÐ-CP về kiểm toán nội bộ. 
Thách thức của doanh nghiệp trước nghị định về kiểm toán nội bộ

Theo đó, các doanh nghiệp là công ty niêm yết; doanh nghiệp mà nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ là công ty mẹ, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con; doanh nghiệp nhà nước là công ty mẹ, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con là đối tượng bắt buộc phải thực hiện công tác kiểm toán nội bộ, bên cạnh đối tượng là đơn vị nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/4/2019.

Tại Việt Nam, cho tới trước thời điểm Nghị định 05 được ban hành, các doanh nghiệp niêm yết không bắt buộc phải thực hiện công tác kiểm toán nội bộ, ngoại trừ khi doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng và bảo hiểm. Ðối với 2 lĩnh vực này, các quy định pháp luật chuyên ngành từ lâu đã yêu cầu các doanh nghiệp có chức năng kiểm toán nội bộ.

Mặc dù Nghị định 05 đã tạo ra một cơ chế để thông qua đó các hoạt động quản trị công ty được tăng cường, các doanh nghiệp cũng sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn khi thực hiện.

Thách thức của doanh nghiệp trước nghị định về kiểm toán nội bộ ảnh 1

 Ông Nguyễn Viết Thịnh, CEO Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD).

Thách thức của doanh nghiệp

Có thể thấy, Nghị định 05 đã không đề cập một cách cụ thể đến vai trò của ủy ban kiểm toán nội bộ đối với các doanh nghiệp tổ chức quản lý và hoạt động theo mô hình được quy định tại khoản b, mục 1, Ðiều 134, Luật Doanh nghiệp 2014 (Ðại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị và giám đốc hoặc tổng giám đốc. Trong đó, có ít nhất 20% số thành viên hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có ban kiểm toán nội bộ trực thuộc hội đồng quản trị. Các thành viên độc lập thực hiện chức năng giám sát và tổ chức thực hiện kiểm soát đối với việc quản lý điều hành công ty).

Theo thông lệ quản trị tốt nhất, ủy ban kiểm toán là một ủy ban giúp việc của hội đồng quản trị, phụ trách trực tiếp chức năng kiểm toán nội bộ. Trong trường hợp các doanh nghiệp không thành lập ủy ban kiểm toán, hay nói cách khác là áp dụng theo khoản b, mục 1, Ðiều 134, Luật Doanh nghiệp 2014, hội đồng quản trị có cần thành lập một ủy ban tương tự hay không? Vai trò của ban kiểm soát trong trường hợp này là gì? Ðây là những câu hỏi mà doanh nghiệp cần phải tìm câu trả lời phù hợp với mình.

Nghị định 05 về cơ bản đã đưa ra các nguyên tắc thành lập và vận hành kiểm toán nội bộ theo thông lệ quốc tế. Theo đó, đòi hỏi các doanh nghiệp cần có nền tảng quản trị công ty tốt, từ cơ cấu quản trị cho đến hệ thống quản lý rủi ro và hệ thống kiểm soát nội bộ được phát triển đồng bộ với kiểm toán nội bộ.

Trên thực tế, theo báo cáo tóm tắt về quản trị công ty ở Việt Nam năm 2018 được phát hành bởi Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) và Sáng kiến quản trị công ty Việt Nam (VCGI) thì điểm quản trị công ty ở Việt Nam chỉ đạt bình quân 41,3 điểm so với điểm trung bình của ASEAN là 71,01 điểm. Ðiều này đòi hỏi các doanh nghiệp không chỉ tập trung vào phát triển kiểm toán nội bộ, mà còn đồng thời hoàn thiện các nền tảng khác của quản trị công ty.

Một thách thức nữa với các doanh nghiệp khi triển khai thực hiện Nghị định 05 là văn bản này vẫn còn thiếu các hướng dẫn chi tiết. Các quy định trong Nghị định 05 thực chất mới chỉ là các định hướng, quy tắc hoạt động đối với kiểm toán nội bộ.

Kiểm toán nội bộ là một nghề nghiệp được công nhận rộng rãi trên thế giới kèm theo các hướng dẫn thực hành và bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Tuy nhiên, ở Việt Nam, đây vẫn còn là một nghề khá mới mẻ và chưa có một hướng dẫn chi tiết nào để các kiểm toán viên nội bộ có thể áp dụng. 

Ðể kiểm toán nội bộ hoạt động hiệu quả

Theo thông lệ quốc tế cũng như quy định của Nghị định 05, hội đồng quản trị phụ trách về mặt chuyên môn đối với hoạt động kiểm toán nội bộ. Hơn ai hết, hội đồng quản trị cần phải hiểu một cách rõ ràng vai trò, trách nhiệm và giá trị mà kiểm toán nội bộ có thể mang lại đối với doanh nghiệp và từ đó có các quyết định đúng đắn về việc thành lập và vận hành chức năng kiểm toán nội bộ. Hội đồng quản trị cần trả lời được các câu hỏi chính sau để đảm bảo có một chức năng kiểm toán nội bộ hiệu quả và tuân thủ các hướng dẫn của pháp luật. 

1. Tự thành lập hay thuê ngoài?

Cả thông lệ quốc tế lẫn Nghị định 05 đều cho phép các doanh nghiệp có thể thuê ngoài chức năng kiểm toán nội bộ. Việc thuê ngoài cho phép các doanh nghiệp không phải duy trì một bộ máy nhân sự toàn thời gian thực hiện kiểm toán nội bộ, cũng như đảm bảo sự chuyên nghiệp đối với các hoạt động kiểm toán nội bộ.

Tuy nhiên, việc tự thành lập và vận hành bộ phận kiểm toán nội bộ cho phép doanh nghiệp có được sự chủ động hoàn toàn trong các hoạt động kiểm toán nội bộ. Hội đồng quản trị cần xem xét và ra quyết định mang tính chiến lược này. 

2. Kiểm toán nội bộ nên báo cáo cho ai thuộc hội đồng quản trị? Vai trò của ban kiểm soát đối với kiểm toán nội bộ như thế nào?

Như đã nói ở trên, doanh nghiệp gặp một thách thức cần phải quyết định xem nên theo mô hình ủy ban kiểm toán hay mô hình ban kiểm soát?

Ở cả hai mô hình, doanh nghiệp cần xác định vai trò của ủy ban kiểm toán và ban kiểm soát đối với kiểm toán nội bộ. Theo thông lệ tốt nhất, kiểm toán nội bộ sẽ báo cáo lên ủy ban kiểm toán, bao gồm các thành viên là thành viên hội đồng quản trị. Ủy ban kiểm toán cần bao gồm đa số là thành viên hội đồng quản trị độc lập. Ở Việt Nam, việc đảm bảo tỷ lệ thành viên độc lập tại các doanh nghiệp niêm yết đang là một thách thức.

3. Ðâu là giá trị mà kiểm toán nội bộ sẽ mang lại cho doanh nghiệp?

Mặc dù Nghị định 05 đã đưa ra vai trò của kiểm toán nội bộ nhưng về thực chất, hội đồng quản trị cần phải xác định được rõ ràng đâu là giá trị mà kiểm toán nội bộ sẽ mang lại cho doanh nghiệp. Các giá trị này không chỉ giúp kiểm toán nội bộ xác định rõ tầm nhìn và sứ mệnh của mình, mà còn giúp doanh nghiệp đánh giá xem liệu chức năng kiểm toán nội bộ có thực sự hiệu quả hay không. Hội đồng quản trị cũng cần xác định các chỉ số đo lường hiệu quả hoạt động của kiểm toán nội bộ để kiểm toán nội bộ có các mục tiêu cụ thể để phấn đấu. 

4. Vai trò của ban điều hành đối với kiểm toán nội bộ?

Nghị định 05 dường như chưa đề cập một cách đầy đủ đến vai trò của ban điều hành với kiểm toán nội bộ. Mặc dù kiểm toán nội bộ đóng vai trò là tuyến phòng thủ thứ 3 và phải đảm bảo sự độc lập với ban điều hành, nhưng trên thực tế, ban điều hành là người nắm rõ nhất hoạt động của doanh nghiệp và là đối tượng mà kiểm toán nội bộ tương tác nhiều nhất.

Ngay trong các hướng dẫn thực hiện chuẩn mực kiểm toán nội bộ, Viện Kiểm toán nội bộ Hoa Kỳ (IIA) đều yêu cầu kiểm toán nội bộ trao đổi với ban điều hành về các nội dung của điều lệ hoạt động, kế hoạch kiểm toán… để đảm bảo có sự hài hòa giữa các xét đoán độc lập của kiểm toán nội bộ với các yêu cầu và kỳ vọng của ban điều hành. Do vậy, hội đồng quản trị cần cân nhắc và quyết định mối quan hệ giữa ban điều hành với kiểm toán nội bộ để đảm bảo tính độc lập của kiểm toán, nhưng không làm xơ cứng mối quan hệ giữa kiểm toán nội bộ và ban điều hành.

Ông Nguyễn Viết Thịnh, CEO Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,284.02 -6.16 -0.48% 108,400 tỷ
HNX 243.11 -0.8 -0.33% 977 tỷ
UPCOM 91.55 0.07 0.07% 353 tỷ