Tăng tính thanh khoản: cách nào?

(ĐTCK-online) Thu hẹp thời gian thanh toán từ T+3 (thực chất là T+4) xuống T+1 (thực chất là T+2), cho nâng lô giao dịch từ 10 CP/lô lên 100 CP, công bố tạm dừng nhận hồ sơ phát hành tăng vốn của công ty đại chúng, nới room… là những ý kiến thu được thông qua một cuộc khảo sát nhỏ của phóng viên ĐTCK, với câu hỏi làm thế nào để cải thiện tính thanh khoản của TTCK trong bối cảnh hiện nay. Những biện pháp này liệu có khả thi?
Giá trị của nhiều DN không đáng bị “đối xử” như cái cách NĐT đang bán tháo CP Giá trị của nhiều DN không đáng bị “đối xử” như cái cách NĐT đang bán tháo CP

Cơ sở

Về quan điểm rút ngắn thời gian thanh toán, nhiều NĐT cho rằng, điều kiện giá trị giao dịch thấp như hiện nay là cơ hội để UBCK và các CTCK làm việc này. “Việc xử lý, nhập và chuyển lệnh về Trung tâm Lưu ký với số lượng không quá lớn sẽ hạn chế sai sót từ CTCK. Mặt khác, điều này sẽ khiến các CTCK phải mua vào một lượng CP quỹ để dự phòng cho những rủi ro, sai sót trong quá trình nhập lệnh và điều này cũng tạo nên một lượng cầu nhất định”, NĐT tên Dũng tại sàn VPBS nói. Điều quan trọng hơn, việc rút ngắn thời gian thanh toán sẽ hạn chế thua thiệt của nhà đầu tư như: phải trả phí ứng trước nếu muốn ứng tiền ngay, rủi ro về việc bị lạm dụng tài khoản trong thời gian chờ thanh toán… Đây là yêu cầu hoàn toàn chính đáng của NĐT và cũng có khả năng tăng tính thanh khoản cho thị trường. Tuy nhiên, để giải quyết được vấn đề này, UBCK, Trung tâm Lưu ký và các CTCK phải xử lý vấn đề công nghệ.

Vấn đề biên độ cũng là biện pháp theo NĐT cần được tính toán nhằm cải thiện tình hình mất thanh khoản hiện nay. NĐT Đào Hải Nguyên tại sàn VNDirect cho rằng, nếu giữ biên độ như hiện nay (+/-3% tại HASTC và +/-2% tại HOSE) chỉ nhằm chặn đà sụt giảm của thị trường. Tuy nhiên, giá CP cứ giảm sàn mỗi ngày thì mục tiêu chặn đà giảm cũng không đạt được. “Theo tôi, cần phải nới biên độ như cũ nếu thấy việc bỏ biên độ là hơi mạnh mẽ. Giá CP chỉ có thể giảm đến một mức nào đó thì sẽ dừng lại. Đến một lúc NĐT nhận thấy việc bán ra không có nhiều ý nghĩa bằng việc giữ lại thì lúc đó lượng bán ra sẽ thấp hơn mua vào. Những NĐT mới thấy giá CP xuống thấp ở mức rất hấp dẫn bắt đầu nhập cuộc. Lúc đó sẽ tạo ra một khí thế mới trên sàn giao dịch”, ông Nguyên hy vọng. 

NĐT đang chịu nỗi ám ảnh về lượng hàng hoá lớn, dẫn đến bội thực trên thị trường. Việc tăng vốn của các DN trong thời điểm này là khó khăn, vậy UBCK nên có văn bản hạn chế việc nhận hồ sơ cấp phép tăng vốn cho DN. Điều này một mặt hạn chế nguồn cung và củng cố tâm lý cho NĐT.

Một ý kiến nữa của NĐT tại sàn VCBS, theo ghi nhận của ĐTCK là nên nâng lô giao dịch từ 10 CP hiện nay thành 100. Như vậy sẽ tạo thuận lợi cho CTCK và NĐT trong quá trình nhập lệnh và khớp lệnh. “Việc làm giá từ cách đặt lệnh lô 10 CP sẽ ít đi. Khi nâng lên 100 CP, người đặt giá sẽ phải cân nhắc”, NĐT này cho biết.

 

Vấn đề là sự quyết tâm

Không tin tưởng vào xu hướng “quay đầu” trở lại của thị trường, các biện pháp kiềm chế lạm phát vẫn phải chờ độ trễ mới phát huy tác dụng, lãi suất ngân hàng tăng cao… là những nguyên nhân quan trọng khiến cho NĐT đang bán tháo cổ phiếu với bất cứ giá nào, bất chấp lợi nhuận của hầu hết DN duy trì khá tốt trong quý I/2008. Theo phân tích của nhiều chuyên gia, tiềm lực và giá trị của không ít DN hiện nay không đáng bị “đối xử” như cái cách NĐT đang bán tháo CP trên sàn.

Trên thực tế hiện nay, UBCK đang kiến nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước những giải pháp như xem xét mở room, tìm một nhà đầu tư đủ lớn (có thể là SCIC) có thể đứng ra cầm cố lượng CP ngân hàng đang được giải chấp và lượng CP của các DN khác mà các ngân hàng cầm cố trước đây đến hạn giải chấp với khối lượng lớn (đã và đang tác động rất mạnh đến thị trường); NĐT nước ngoài có thể mua CP của NH trên thị trường OTC dưới 5% thì không phải xin phép… Tuy nhiên, những giải pháp trên đã được kiến nghị nhiều lần và vẫn chưa có câu trả lời.

“Với vai trò tổ chức và điều tiết thị trường, UBCK không thể im lặng đứng nhìn TTCK tụt dốc như hiện nay. Hãy cam kết xây dựng một thị trường lành mạnh, bền vững thể hiện qua những việc làm cụ thể, quyết liệt. Và đó cũng là cách củng cố niềm tin cho các NĐT trong bối cảnh này”, NĐT tên Nguyên nói và cho biết thêm, thị trường đi xuống là cơ hội để thay đổi về chất từ phía NĐT, cơ quan quản lý, các DN niêm yết. Về phía cơ quan quản lý là khắc phục những khiếm khuyến trong thể chế giám sát DN và giao dịch, minh bạch hóa thông tin, công nghệ hiện đại,phục vụ tốt nhất cho vận hành thị trường. Về phía NĐT sẽ phải xác định lại kỳ vọng, mục tiêu khi tham gia thị trường (không thể thu lợi nhuận trong một thời gian quá ngắn). Về phía DN cần minh bạch trong họat động sử dụng vốn huy động, tránh đầu tư dàn trải, kém hiệu quả.    

Đông Hải
Đông Hải

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,215.68 -0.93 -0.08% 303,258 tỷ
HNX 228.83 -0.88 -0.39% 2,702 tỷ
UPCOM 88.63 -0.35 -0.39% 724 tỷ