Tái cấu trúc công ty chứng khoán: Còn chặng đường dài

(ĐTCK) Quá trình tái cơ cấu khối công ty chứng khoán (CTCK) bắt đầu diễn ra từ năm 2009 và cho đến nay, 25 CTCK đã rời khỏi thị trường. Nhưng 76 CTCK hiện tại vẫn là quá nhiều, sẽ tiếp tục có những cái tên biến mất, nhưng không hề dễ dàng.
Tái cấu trúc công ty chứng khoán: Còn chặng đường dài

Một loạt CTCK hàng đầu trong nước đã đặt vấn đề với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) để trở thành nhà tư vấn cho đợt thoái vốn đầu tiên tại Vinamilk trong năm 2016, nhưng rút cuộc chỉ có SSI có tên trong một liên danh toàn các hãng nước ngoài.

Điều đó nói lên rằng, ở một số sân chơi, các CTCK trong nước đang chen chúc và cạnh tranh nhau quyết liệt, nhưng ở lĩnh vực có rất nhiều tiềm năng và dư địa như tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước ở những doanh nghiệp lớn, M&A các doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn…, hầu hết các CTCK của Việt Nam vẫn chưa thể cung cấp dịch vụ và miếng bánh lại rơi vào tay các tổ chức tài chính nước ngoài. Đó chỉ là một nét vẽ xám màu trên bức tranh CTCK sau 16 năm thị trường chứng khoán (TTCK) vận hành.

Một nhà đầu tư gắn bó với TTCK từ những năm đầu nhận xét, bà thấy bức tranh CTCK gồm hai mảng màu chính. Mảng nổi gồm khoảng 20 cái tên thuộc Top đầu trên thị trường, còn mảng chìm là những cái tên còn lại trong số 76 CTCK đang hoạt động. Kể từ khi TTCK Việt Nam sụt giảm mạnh vào năm 2009, quá trình tái cơ cấu CTCK bắt đầu diễn ra và cho đến nay, 25 CTCK đã rời khỏi thị trường. Nhưng với những người gắn bó với TTCK và có cái nhìn rộng hơn khi có cơ hội tiếp cận với TTCK trong khu vực, 76 CTCK hiện tại vẫn là quá nhiều.

Tái cấu trúc công ty chứng khoán: Còn chặng đường dài ảnh 1

Ở góc độ nhà quản lý thị trường, không thể dùng mệnh lệnh hành chính để chấm dứt sự tồn tại của các CTCK. Bởi vậy, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khó có thể đặt ra mục tiêu giảm số lượng CTCK xuống 40 - 50 như nhiều TTCK trong khu vực. Các CTCK thành lập theo Luật Chứng khoán, hoạt động theo luật định và đóng cửa cũng phải theo quy định.

Cơ quan quản lý chỉ có thể tác động vào quá trình này bằng cách ban hành và kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu tài chính cơ bản, về mức độ quản trị của các CTCK. Khi một công ty nào đó không đáp ứng được các tiêu chí tài chính, vi phạm các quy định nghiêm trọng, trước hết sẽ được bêu tên trong diện kiểm soát đặc biệt và sau thời gian kiểm soát nếu không khắc phục được những vi phạm mới đến bước rút giấy phép hoạt động.

Nhiều thành viên thị trường cảm thấy xót xa và lãng phí trước hàng nghìn tỷ đồng đang “chôn” tại các CTCK “sống mòn”. Nhưng ai có tiền, người đó có quyền tiêu theo cách của mình, cổ đông của các CTCK ấy có quyền để mỗi ngày tiền vốn mòn đi một ít, với hy vọng công ty sẽ có cơ hội vực dậy.

Chủ tịch một ngân hàng từng chia sẻ rằng, với tư cách là cổ đông lớn nhất, ông muốn chấm dứt hoạt động của CTCK bởi từ 5 năm nay, công ty không đem lại cho ông một đồng cổ tức nào, thậm chí đang ăn mòn vào vốn, trong khi giữa các CTCK ngày càng có sự cạnh tranh khốc liệt, nhưng một số cổ đông lớn khác vẫn còn nuôi hy vọng.

Mặt khác, giải thể CTCK cũng không dễ, bởi trên lưng CTCK là một gánh nợ lớn với nhiều khoản khó đòi từ nhiều nhà đầu tư đang trong cảnh khánh kiệt, đặc biệt là danh mục cổ phiếu trên thị trường phi tập trung (OTC) dài dằng dặc mà không có người mua. Đó còn là sự e ngại khi tên CTCK gắn chặt với tên ngân hàng, sự cộng hưởng ở nghĩa tiêu cực dễ dàng xuất hiện nếu CTCK phá sản hoặc giải thể.

Ở một số CTCK mắc ít “bệnh” hơn, không ít cổ đông sáng lập muốn chuyển nhượng giấy phép nhằm vớt vát được đồng nào hay đồng ấy số tiền đã góp vốn đầu tư, nhưng nhu cầu nhận chuyển nhượng hầu như không có. Một CTCK có quy mô vốn điều lệ 150 tỷ đồng, có thương hiệu, tài sản không đến mức bi bét được trả giá 60 tỷ đồng.

Đối với ông chủ ngân hàng, khoản tiền này không nhằm nhò gì để ông bán công ty, nhưng đó là cái giá của 2 năm trước. Đến giờ, ông muốn bán cũng không có người mua, còn sáp nhập với CTCK khác có rất nhiều vấn đề khó giải quyết.

Tổng giám đốc một CTCK nói rằng, gắn bó với ngành chứng khoán gần 20 năm, chưa bao giờ ông thấy khó khăn như lúc này vì nếu không tiến được đồng nghĩa với công ty bị tụt hậu.

Số liệu của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, lợi nhuận sau thuế của 76 CTCK trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt 1.203 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. 51/76 CTCK có kết quả kinh doanh có lãi, với tổng giá trị lãi là 1.814 tỷ đồng.

25/76 CTCK có kết quả kinh doanh lỗ, với tổng giá trị lỗ là 611 tỷ đồng. Rõ ràng, các CTCK không dễ sống bởi lợi nhuận lớn chỉ tập trung vào những công ty hàng đầu và tổng lợi nhuận sau thuế của 51 CTCK cũng chỉ hơn lợi nhuận của một ngân hàng tư nhân quy mô vừa.

Môi giới là mảnh đất cạnh tranh quyết liệt nhất vì sau mỗi quý, thị phần môi giới của các CTCK Top đầu được công bố, thị trường lại thấy sự đổi ngôi và những cái tên đến - đi khá thường xuyên. Theo lãnh đạo một số CTCK, có 2 cách để thị phần vọt lên dễ nhất là đổ tiền cho vay giao dịch ký quỹ và tăng rủi ro trong cho vay giao dịch ký quỹ (nới lỏng tỷ lệ cho vay, tăng số lượng mã đầu cơ trong danh sách các cổ phiếu được margin…), giá trị giao dịch ở những CTCK như vậy có thể thay đổi nhanh chóng.

Vấn đề đặt ra là, tiền ở đâu ra để CTCK rót mãi cho nhà đầu tư? Ngoài ra, CTCK khó có thể duy trì được thị phần một cách bền vững nhờ nới lỏng margin. Hệ quả của việc chạy đua margin còn lớn hơn, đó là những cơn “đau đầu” của lãnh đạo CTCK. Nếu cho vay ký quỹ không chuẩn, vi phạm quy định và khách hàng bị thua lỗ, họ sẽ “ăn vạ” CTCK. Khi ấy, CTCK “há miệng mắc quai”, buộc phải lặng lẽ thỏa hiệp nhằm tránh bị cơ quan quản lý xử phạt và bị bêu tên trước thị trường.

Thị trường cũng ngày càng ít nhà đầu tư tổ chức, các quỹ nước ngoài có chiến lược dài hạn, thay vào đó, giờ là giai đoạn các quỹ được thành lập trong thời kỳ thị trường bùng nổ trước đây đến thời điểm đóng quỹ.

Người viết đã ghi nhận một số quỹ rút khỏi thị trường Việt Nam, chuyển danh mục chứng khoán chưa bán hết cho công ty con trong cùng tập đoàn có trụ sở tại Singapore, đơn vị tư vấn cho quỹ này được mở tại Việt Nam cũng đã giải tán và các nhân sự đều kiếm tìm việc làm mới.

Số tài khoản mới mở của nhà đầu tư ngoại mà Trung tâm Lưu ký chứng khoán công bố hàng tháng cho thấy, chủ yếu là cá nhân. Các CTCK cho biết, giao dịch của các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài có doanh số không cao, thậm chí thấp hơn cả các nhà đầu tư bám sàn nội địa. Đó là một trong những lý do giải thích về những ngôi sao sớm nở tối tàn.

Vậy còn những mảng tạo doanh thu khác thì sao? Phong trào tự doanh một thời của nhiều CTCK giờ đã xẹp lép. Tự doanh trên thị trường hiện không còn dễ dàng gặt hái như trước khi tình trạng “xanh vỏ, đỏ lòng” của các chỉ số chứng khoán thường xuyên diễn ra, nhất là số liệu trong báo cáo tài chính của một số doanh nghiệp đột nhiên quay ngoắt 180 độ như Gỗ Trường Thành, Thủy sản Việt An, Thiết bị y tế Việt Nhật… Những “mỏ vàng” chưa lộ thiên thì hiếm khi đến lượt CTCK, còn “đu” theo “đội lái”, nhiều CTCK không dám vì chẳng khác nào đánh bạc trên thị trường.

Mảng tư vấn, trong đó có tư vấn cổ phần hóa, thoái vốn, theo nhận xét của tổng giám đốc một CTCK, hiện rất “xương” vì phí thấp, kiếm khách hàng khó, đặc biệt là khả năng liên lụy pháp lý nếu dính vào những cái bẫy như tư vấn thoái vốn giá rẻ, gây thất thoát vốn nhà nước. Có những công ty chọn cách đứng ngoài mảng dịch vụ này cho an toàn.

Điểm tích cực trong bức tranh chung của các CTCK là do quy mô nhỏ, mức độ ảnh hưởng lên thị trường tài chính, tiền tệ không mạnh như tác động của ngân hàng và tổng nợ xấu của CTCK quá nhỏ so với nợ xấu của ngân hàng. Bởi thế, những xáo trộn trong hệ thống CTCK gần như không có tác động lớn nào tới thị trường cũng như nền kinh tế.

Nói vậy, không có nghĩa các CTCK sống mà không có mơ ước. Tổng giám đốc một CTCK hỏi ngược lại người viết “Không hy vọng thì tôi còn ngồi đây làm gì?”. Rồi anh chia sẻ: “Chắc chắn một lúc nào đó thị trường sẽ tốt lên, mọi thứ thay đổi. Còn giờ hãy sống tốt, chuẩn bị tốt cho thời điểm bùng nổ đó.

Nếu thị trường thay đổi mà một công ty không thay đổi, dù không làm gì sai, anh vẫn sẽ chết vì anh đã không làm cái đúng. Lúc nào thị trường thay đổi, những người lãnh đạo công ty như chúng tôi phải nhìn được, đoán được và dẫn dắt công ty chớp cơ hội”.

Anh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ