“Sự cố” HASC: báo hiệu sự bung vỡ “khối u” tín dụng CK?

(ĐTCK-online) Nguyên Chủ tịch HĐQT CTCK Hà Thành (HASC) Trương Duy Sơn lặng lẽ rời Công ty, bỏ lại sau lưng khoản nợ 100 tỷ đồng. Nếu diễn biến thị trường không được cải thiện, thì những lo ngại về các vụ việc tương tự xuất hiện không phải là không có lý. Lỗi này đơn thuần là "tai nạn" của cá nhân, hay còn có những tác nhân khác?
Ảnh minh họa: Corbis Ảnh minh họa: Corbis

>> Tín dụng chứng khoán: “khối u” bắt đầu bung vỡ

>> NĐT có nguy cơ mất tiền trong tài khoản 

ĐTCK ghi nhận ý kiến của một số thành viên thị trường.

 

"Buông lỏng quản lý khiến CTCK bị vỡ"

Nhà đầu tư Trần Tiến Dũng

Theo HASC thì nguyên Chủ tịch HĐQT Trương Duy Sơn phải chịu trách nhiệm chính về tình trạng "vỡ" tín dụng xảy ra tại Công ty, nhưng nhìn rộng ra, "sự cố" tại HASC cho thấy có cả trách nhiệm của cơ quan quản lý.

Chuyện nhiều CTCK cho NĐT sử dụng đòn bẩy tài chính ẩn sau các hợp đồng hợp tác đầu tư, trong khi các quy định pháp lý không cho phép, chẳng lẽ cơ quan quản lý không biết? Nếu biết, tại sao không mạnh tay xử lý, hay chỉ là phạt rồi cho tồn tại?

Thêm vào đó, dường như cơ quan quản lý đang chùn bước trước quyết tâm buộc các CTCK phải tách bạch tài khoản của NĐT với tài khoản của các CTCK tại ngân hàng. Chính điều này đang làm cho bức tranh tài chính tại các CTCK có nhiều "mảng tối", tiềm ẩn nhiều rủi ro cho NĐT cũng như bản thân CTCK, mà HASC có thể chỉ là trường hợp mở đầu. Đây thực sự là điều đáng báo động cho TTCK, nó đang "ăn mòn" niềm tin của thị trường.

Chuyện yêu cầu các CTCK tự giác công khai về tình trạng "sức khoẻ" tài chính sẽ là ảo tưởng nếu không có quy định pháp lý đồng bộ, chế tài xử lý đủ sức răn đe. Đã đến lúc UBCK mạnh tay chấn chỉnh tổng thể hoạt động của các CTCK. Cương quyết xử lý các trường hợp CTCK triển khai các nghiệp vụ mà pháp luật chưa cho phép. Kèm theo đó, nhanh chóng cho phép triển khai một số nghiệp vụ như: cho vay ký quỹ, mua bán cùng phiên, NĐT được mở nhiều tài khoản…

Cuộc "phẫu thuật" này chắc chắn sẽ đau, nhưng là cái đau bình đẳng giữa các CTCK và là biện pháp cần thiết để TTCK phát triển.

 

"Trong tuần này, VASB sẽ kiến nghị biện pháp cứu TTCK"

Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB)

TTCK diễn biến xấu từ cuối năm 2010 đến nay là nguyên nhân chính khiến các CTCK lâm vào tình cảnh khó khăn. "Sự cố" tại HASC chỉ là một biểu hiện và không ai dám chắc bức tranh tín dụng của các CTCK chỉ dừng lại ở vụ việc này.

Ngoài khó khăn khách quan còn có nguyên nhân chủ quan, đó là các biện pháp hỗ trợ TTCK, đặc biệt là cải thiện thanh khoản đã được các thành viên của VASB kiến nghị Bộ Tài chính, UBCK từ lâu nhưng đến nay gần như không có gì cải thiện. Nếu tình trạng trên không sớm được cơ quan quản lý tháo gỡ, thì sẽ dồn các CTCK vào tình thế rất khó khăn.

Dự kiến trong tuần này, các thành viên của VASB sẽ tổ chức hội nghị, trong đó có mời đại diện Bộ Tài chính, UBCK, các Sở GDCK… tham dự để thảo luận giải pháp hỗ trợ thị trường. Trong đó, VASB dự định kiến nghị 3 vấn đề lớn:

Thứ nhất, kiến nghị Bộ Tài chính, Chính phủ thuyết phục Quốc hội cho phép miễn thuế kinh doanh chứng khoán cho CTCK, NĐT trong năm 2011.

Thứ hai, kiến nghị Bộ Tài chính, UBCK xem xét miễn, giãn các khoản phí mà CTCK phải nộp cho UBCK, các Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký trong năm nay. Bởi lẽ, nhiều CTCK thua lỗ triền miên, nhưng mỗi năm phải nộp hàng tỷ đồng các loại phí.

Thứ ba, kiến nghị cơ quan quản lý cho phép triển khai ngay một số giải pháp kỹ thuật nhằm hỗ trợ thanh khoản cho thị trường như mua bán cùng phiên, giảm chu kỳ thanh toán xuống T+2 và đặc biệt là CTCK được triển khai nghiệp vụ cho vay ký quỹ với tỷ lệ hợp lý.

 

"Trách nhiệm chính thuộc về nguyên Chủ tịch HĐQT HASC"

Ông Phạm Sỹ Long, Giám đốc HASC

Về việc ông Trương Duy Sơn, nguyên Chủ tịch HĐQT của HASC và những người có liên quan trong việc vay và bảo lãnh cho khách hàng vay tiền kinh doanh chứng khoán trên một số tài khoản cá nhân, gây ra khoản thâm hụt cho các tổ chức tín dụng là có. Đây là việc làm chủ yếu có tính chất cá nhân của ông Trương Duy Sơn và những người có liên quan. Cơ quan chức năng đang xem xét giải quyết vấn đề này. Hiện HASC vẫn hoạt động bình thường và đảm bảo việc giao dịch chứng khoán và các giao dịch nộp, rút, chuyển khoản tiền của NĐT.

Ông Trương Duy Sơn không đến cơ quan làm việc từ ngày 4/4/2011. Do đó, để đảm bảo HASC hoạt động bình thường, căn cứ Luật Doanh nghiệp và Điều lệ Công ty, căn cứ ý kiến chỉ đạo của UBCK, HĐQT Công ty đã miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT và tư cách người đại diện theo pháp luật của Công ty đối với ông Trương Duy Sơn kể từ ngày 14/4/2011; đồng thời bầu ông Bùi Quang Hùng là Chủ tịch HĐQT, người đại diện theo pháp luật mới của Công ty. Các nội dung này được thể hiện rõ tại Giấy phép đăng ký kinh doanh điều chỉnh số 29/GPĐC-UBCKNN ngày 4/5/2011.

Hữu Đạo thực hiện
Hữu Đạo thực hiện

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,193.01 0.0 0.0% 0 tỷ
HNX 226.2 0.0 0.0% 1,701 tỷ
UPCOM 88.15 0.0 0.0% 623 tỷ