Sóng dâng, tiền chảy mạnh

(ĐTCK) Phiên giao dịch ngày 6/5 phá vỡ kỷ lục mới: VN-Index giảm nhẹ song giá trị khớp lệnh trên 2 sàn đạt 3.500 tỷ đồng, NĐT nước ngoài mua ròng tới 400 tỷ đồng, ngay phiên sau đó, thị trường đã đảo chiều tăng thẳng đứng. Sự khởi sắc của thị trường tạo cơ hội cho nhiều NĐT, trong đó có cả những tổ chức thực hiện bán ra. Trong chuyến tàu tháng 5 hứa hẹn nhiều kịch tính, NĐT lớn đang có nhiều dự định.

Ai bán, ai mua?

CTCP Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VISecurities) đăng ký bán ra 1/2 lượng cổ phiếu PPC đang nắm giữ trong thời gian từ 7/5 - 7/8/2009. Hiện tại, VISecurities đang nắm giữ 1.038.428 cổ phiếu PPC và có đại diện là ông Phạm Linh hiện đang giữ chức vụ thành viên HĐQT của CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC). Tại sao trong khi PPC là cổ phiếu ưa thích của khối ngoại, VISecurities lại bán ra. Theo ông Phạm Linh, Tổng giám đốc CTCK VISecurites, hiện Công ty cần một khoản tiền mặt để cải thiện nâng cao tiện ích dịch vụ, sản phẩm phục vụ NĐT. Khi giá trị môi giới có phiên đạt hơn 70 tỷ đồng, thị trường khởi sắc và tăng tính thanh khoản, đầu tư cho hệ thống công nghệ để gia tăng năng lực phục vụ, bên cạnh chính sách nhân lực ổn định là ưu tiên hàng đầu của công ty này. Mảng tự doanh của DN vẫn được chú trọng nhưng mức độ đầu tư thấp hơn.

Một NĐT tổ chức khác - Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) đăng ký bán 1 triệu cổ phiếu DPM. Giao dịch sẽ được thực hiện từ ngày 7/5 đến ngày 1/7/2009. Sau khi giao dịch, PVFC còn nắm giữ 5.235.790 cổ phiếu DPM. Ông Tống Quốc Trường, Tổng giám đốc PVFC cho biết, phần lớn cổ phiếu DPM trong lô 1 triệu cổ phiếu đăng ký bán ra là khoản đầu tư tổ chức này “buộc phải ôm” do NĐT ủy thác DPM “bỏ của chạy lấy người”. Bán DPM trên giá 30.000 đồng/CP, Công ty đã có lãi. Tính đến phiên giao dịch 5/5, khoản hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính của PVFC đạt 351 tỷ đồng, trường hợp VN-Index lên 400 điểm khoản hoàn nhập dự phòng đạt khoảng 800 tỷ đồng. Trong định hướng hoạt động của DN này năm 2009, có hướng đi rất rõ ràng: Ở thời điểm thuận lợi, Công ty sẽ hiện thực hóa lợi nhuận các khoản đầu tư tài chính. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa PVFC chỉ bán mà không mua. DN này đã mạnh tay cải tổ lại toàn bộ nhân sự Ban đầu tư, sau đợt “thay máu”, hoạt động của bộ phận này đã có những bước tiến được đánh giá khá tốt.

Thị trường có sóng lớn, cũng là cơ hội tái cơ cấu với các tổ chức nước ngoài. Quý I/2009, Quỹ VOF đã tích cực cơ cấu lại danh mục, lượng bán ra lên tới 11 triệu cổ phiếu niêm yết, mua vào 4 triệu cổ phiếu, tiền mặt và tài sản tương tự của quỹ này được ghi nhận tăng (hiện đạt 89,6 triệu USD so với 59,2 triệu USD đầu kỳ). Giá chứng chỉ quỹ VOF đã tăng 28,8% trong quý I, tương tự như khoản đầu tư của họ vào PNJ từ thời IPO (tăng 24,8%). Danh mục Quỹ VEIL của Dragon Capital ghi nhận cổ phiếu ACB chiếm 19,9%, Khoáng sản VRICL (Tiberon) 17%, Sacombank 9%, Vinamilk 6,9%, REE 5,9%, DHL 3,3%, VPB 2,4%, trái phiếu ACB 3,5%, VPBank 2,4%, Vĩnh Sơn - Sông Hinh 2,3%, VF1 2,2%,

Giám đốc đầu tư của một quỹ nước ngoài cho biết, các quỹ gần đây đẩy mạnh tái cơ cấu danh mục vì thế động thái bán hay mua không thể hiện chiến lược của họ, số dư tiền tăng trên tài khoản không đồng nghĩa với việc họ rút khỏi thị trường, có thể họ bán đi cổ phiếu không còn ý định đầu tư lâu dài, cân đối lại danh mục khi một số cổ phiếu chiếm tỷ lệ quá lớn... Chiến lược với một tổ chức lớn nằm ở yếu tố nền tảng kinh tế Việt Nam đã tiến triển hay chưa?

Quan trọng là nền tảng

Tháng 5 năm ngoái, giá trị tài sản ròng (NAV) của VOF có mức sụt giảm mạnh nhất trong năm với 19,54%. Tháng 5 năm nay, dường như lịch sử khó lặp lại bởi tình hình đang được cải thiện: tháng 1 NAV giảm 1,26%; tháng 2 giảm 3,73%; tháng 3 tăng 1,68%. Tổng giám đốc VinaCapital (VOF là 1 trong 4 quỹ mà VinaCapital thành lập) Don Lam nhìn nhận: “Chúng tôi tin tưởng rằng, thời kỳ khó khăn của kinh tế Việt Nam đã qua. VinaCapital không chờ đợi một sự hồi phục nhanh chóng, nhưng nhìn thấy cơ hội đầu tư hứa hẹn cho các quỹ của chúng tôi ở môi trường hiện tại. Sự ổn định của Việt Nam trong thời kỳ khó khăn đáng được ghi nhận. Trong khi các ngành phụ thuộc xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng nề thì những hoạt động kinh tế khác vẫn không chậm lại”.

Theo đánh giá của VinaCapital, giá cổ phiếu trên thị trường Việt Nam hiện tương đồng với giá cổ phiếu trong khu vực, tương ứng với P/E và P/B lần lượt ở mức 12,6 và 1,6 lần (với giả định doanh thu và lợi nhuận của DN  niêm yết năm 2009 ở mức “bảo thủ”).

Báo cáo mới nhất của HSBC về kinh tế Việt Nam nhận định: “Thời kỳ tồi tệ nhất đã ở phía sau”. TTCK cho thấy một số dấu hiệu khác khá tích cực. Khối lượng giao dịch trung bình tăng trong thời gian gần đây và trung bình là 69 triệu USD/ngày trong tháng 4. Đây là con số cao nhất kể từ tháng 9 năm ngoái. Và nhờ giá trị cổ phiếu tăng, số lượng cổ phiểu đủ lớn cho NĐT nước ngoài mua đã tăng dần lên. Hiện nay có khoảng 8 cổ phiếu có vốn hóa thị trường vào khoảng 500 triệu USD hoặc hơn, so với con số 4 loại cổ phiếu vào cuối tháng 2 năm nay.

Trên cương vị một nhà môi giới cho nhiều tổ chức, Tổng giám đốc CTCK TP. HCM (HSC) Johan Nyvene cho biết: “Chúng tôi nhận thấy một số NĐT tổ chức đã nhận thức được tình hình thị trường Việt Nam với một đánh giá lạc quan tương đối trong thận trọng”. Có nghĩa là thị trường vẫn còn cần thời gian để đạt đến mức ổn định lâu dài, nhưng vào thời điểm này có thể tạm kết luận là tình hình kinh tế và tài chính của Việt Nam sẽ không suy giảm đến mức độ tồi tệ như mọi người lo sợ trước đây. Như 2 phiên vừa qua, khối lượng giao dịch kỷ lục có nghĩa là vào thời điểm này khi đang có nhiều người muốn bán ra để chốt lời thì vẫn có nhiều người mua vào với định hướng đầu tư lạc quan nêu trên.

Cũng theo HSC, năm 2009 là một trong những năm của “cơ hội” nhưng sẽ không đến thường xuyên. Nếu nhìn viễn cảnh thị trường vào thời điểm hiện tại thì quý I/2009 đã là một thời điểm của cơ hội. Giả thiết thị trường mà HSC đưa ra là VN-Index có khả năng dao động từ 220 điểm lên đến trên 400 điểm trong năm nay. Do đó, nếu tính từ điểm xuất phát của VN-Index vào thời điểm đầu năm nay thì nhiều thời điểm trong năm sẽ có thể là cơ hội. Điều khó khăn với nhiều NĐT là xác định thời điểm bán ra.

Việc chốt lãi là tùy theo mong đợi của mỗi NĐT khác nhau và tùy theo chiến lược đầu tư dài hay ngắn ngày, nhưng chúng tôi nghĩ xu hướng chung của thị trường gần đây là nếu đã đạt được khoảng 15% - 20% lợi nhuận, mọi người đã chốt lời”, Johan Nyvene nói.  

Anh Việt
Anh Việt

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,177.4 -12.82 -1.09% 174,889 tỷ
HNX 222.63 -2.67 -1.2% 1,395 tỷ
UPCOM 87.51 -0.51 -0.59% 436 tỷ