Sẽ cưỡng chế để nâng chất quản trị công ty

(ĐTCK) Chia sẻ tại hội thảo về quản trị công ty được tổ chức mới đây, các chuyên gia cho rằng, để nâng cao chất lượng quản trị công ty cần có chế tài cưỡng chế, trong bối cảnh ý thức tuân thủ của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế.
Sẽ cưỡng chế để nâng chất quản trị công ty

Nhức nhối tụt hậu

Tuy mặt bằng về quản trị công ty ở Việt Nam gần đây có cải thiện, nhưng so với nền tảng cao hơn và mức độ cải thiện mạnh hơn của các nước nước trong khu vực, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhìn nhận, chất lượng quản trị công ty ở Việt Nam đang tụt hậu xa so với nhiều nước.

“2 tháng trước đây, tham gia một khóa đào tạo ở  Singapore, tôi chứng kiến mức độ chuyển biến lớn về quản trị công ty tại nước này, khi họ đề cập đến chính sách chống tham nhũng ở các công ty, chứ không dừng lại ở khối cơ quan quản lý nhà nước. Trên sàn chứng khoán, doanh nghiệp niêm yết phải công bố chính sách chống tham nhũng trong công ty để cổ đông, nhà quản lý nắm bắt…”, ông Hiếu nói.

Nhìn nhận cải thiện chất lượng quản trị công ty thành công có vai trò quan trọng trong nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán, ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Ủy ban Chứng khoán) nhìn nhận, tại Việt Nam, nói về quản trị công ty thì dễ, nhưng mức độ doanh nghiệp tích cực, chủ động áp dụng trên thực tế và mang lại những hiệu quả thực sự thì chưa có nhiều cải thiện. Chất lượng quản trị công ty có sự chênh lệch đáng kể giữa công ty quy mô lớn và nhỏ.

Sẽ cưỡng chế để nâng chất quản trị công ty ảnh 1

 Ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán phát biểu tại hội thảo

Nguyên nhân khiến chất lượng quản trị công ty ở Việt Nam nói riêng, ở nhiều thị trường trên thế giới nói chung chậm, qua thực tiễn nghiên cứu các tình huống thực tế trên toàn cầu, GS.TS Mak Yuen Teen, Đại học Quốc gia Singapore chỉ rõ, đó là thành viên Hội đồng quản trị có năng lực và đạo đức yếu kém, xung đột lợi ích, không thực sự độc lập trong hoạt động; doanh nghiệp không nghiêm túc trong tuân thủ các quy định pháp lý về quản trị công ty…

“Tính độc lập ở đây không hàm ý thành viên Hội đồng quản trị độc lập là người lắm chuyện, luôn gây sự trong Hội đồng quản trị, cũng như trong hoạt động của doanh nghiệp, mà điều quan trọng là họ phải thực sự đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các cổ đông để nói lên tiếng nói khách quan, công tâm, cũng như thúc đẩy doanh nghiệp triển khai các giải pháp để nâng cao chất lượng quản trị…”, ông Mak Yuen Teen nói.

Không chỉ trông đợi vào “roi vọt”

Để nâng cao chất lượng quản trị công ty, ông Mak Yuen Teen khuyến nghị, ngoài việc cần tập trung nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của cải thiện chất lượng quản trị công ty trong ban lãnh đạo doanh nghiệp, nhà quản lý cần đưa ra chế tài đủ mạnh để cưỡng chế thực thi, chứ không thể mãi trông đợi vào sự tự giác của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, phạm vi về quản trị công ty theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế rất rộng, trong đó có nhiều chuẩn mực cao so với mức độ phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, nếu không tính toán kỹ lưỡng mà đưa ra nhiều tiêu chuẩn cao và buộc doanh nghiệp phải áp dụng, nếu không tuân thủ sẽ bị xử phạt, thì sẽ khó khả thi. Bởi vậy, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để hài hòa giữa cơ chế mang tính cưỡng chế, với khuyến khích doanh nghiệp thực hiện các nội dung về quản trị công ty?

Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Phạm Hồng Sơn, cho biết, Dự thảo Nghị định về quản trị công ty sắp được ban hành có nhiều nội dung đột phá. Nghị định này được xây dựng trên cơ sở nâng cấp thông tư, thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong cải thiện chất lượng quản trị công ty đại chúng, doanh nghiệp niêm yết.

Ủy ban Chứng khoán cam kết tiếp tục hiện đại hóa hệ thống pháp lý, cũng như thúc đẩy doanh nghiệp tuân thủ các quy định về quản trị công ty theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, để nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán.

Theo đại diện Ủy ban Chứng khoán, việc xây dựng Nghị định về quản trị công ty theo hướng tương đối cân bằng giữa các giải pháp cưỡng chế thực thi với các giải pháp khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các chuẩn mực và thông lệ tốt về quản trị công ty, đồng thời có tính đến quy mô của doanh nghiệp để áp dụng các quy định cho phù hợp.

Các quy định cứng mà nếu doanh nghiệp không tuân thủ sẽ bị xử phạt nặng như xâm phạm quyền lợi hợp pháp của cổ đông, công bố thông tin không kịp thời, không minh bạch…, còn các nội dung khác sẽ khuyến khích doanh nghiệp tự giác áp dụng.

Nguyễn Hữu

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ