Sàn vàng tung “chiêu” hút khách

(ĐTCK-online) Đã gần 12h trưa, hết giờ giao dịch, Sàn giao dịch vàng SJC Hà Nội (số 6, Đào Duy Anh, Hà Nội) vẫn đông NĐT đến tìm hiểu cách thức giao dịch vàng và làm thủ tục mở tài khoản. Chứng khoán đang là nỗi ám ảnh của không ít NĐT thì ở sàn giao dịch này lại trở thành một lợi thế cạnh tranh không nhỏ thu hút NĐT đến giao dịch vàng. Các sàn giao dịch vàng khác cũng đưa ra nhiều “chiêu” hút khách.
Nhiều NĐT đã tìm đến vàng như một cứu cánh. Nhiều NĐT đã tìm đến vàng như một cứu cánh.

Giảm khối lượng, tăng thời gian giao dịch

Mặc dù không có chức năng kinh doanh vàng nhưng CTCK Hà Thành đã nhanh nhạy kết hợp với CTCP Vàng bạc đá quý SJC để thành lập sàn giao dịch vàng. Nhờ tận dụng hệ thống công nghệ và đội ngũ môi giới từ CTCK, sàn giao dịch này đang hút khá đông NĐT. Mặt bằng rộng rãi, cách phục vụ chuyên nghiệp cũng là lợi thế cạnh tranh không nhỏ của sàn này.

Gần đây, không ít NĐT thua lỗ trên TTCK đã tìm đến sàn vàng để mong gỡ gạc phần nào khoản đầu tư bị mất. Một NĐT tên Long cho biết: “Tôi đang mở tài khoản tại CTCK An Bình, tiền còn vài trăm triệu đồng và vài mã cổ phiếu. Có lẽ tôi sẽ chuyển về đây giao dịch cho tiện”. Ông Long được nhân viên môi giới gợi ý, trong lúc TTCK ảm đạm, sẽ không mấy khó khăn để chuyển tài khoản chứng khoán về đây. Lúc này thì đầu tư vàng, khi TTCK lên, chuyển sang chứng khoán tại cùng một địa điểm sẽ không bị mất cơ hội. Theo tìm hiểu của ĐTCK, gần đây nhiều CTCK trong tình cảnh ế ẩm cũng có ý định hợp tác với ngân hàng và công ty kinh doanh vàng bạc để lập sàn giao dịch vàng. Tuy nhiên, do lo ngại về pháp lý nên mối “lương duyên” đến nay cũng chưa nhiều.

Không chỉ có lợi thế 2 trong 1 (sàn vàng và chứng khoán cùng một địa điểm), Sàn giao dịch vàng SJC Hà Nội còn cạnh tranh cả về giờ giao dịch. Theo tờ rơi của Công ty, khách hành có thể mua bán đến 19h. Hiện tại, các sàn khác như ACB, Phú Quý đều chỉ giao dịch đến 4h. Theo nhiều NĐT thì đây là một lợi thế rất lớn vì họ có cơ hội gia tăng lợi nhuận cũng như cắt lỗ.

Một “chiêu” khác được các sàn vàng tung ra là giao dịch lô nhỏ. Hiện nay, nhiều sàn giao dịch vàng đang áp dụng lệnh mua bán tối thiểu là 10 lượng/giao dịch. Điều này rất có lợi với những NĐT mới đặt chân vào đầu tư vàng. “Quy định tối thiểu 50 lượng cho mỗi lần giao dịch như ACB là khá rủi ro. Vì chỉ một lần giá vàng xuống, với khối lượng đầu tư như trên cũng khiến NĐT thua lỗ đến hàng chục triệu đồng. Hơn nữa, chi phí lãi vay của 93% khoản đầu tư cũng rất đáng kể”, một NĐT tại sàn Phú Quý nói. Theo ông này, với 10 lượng, NĐT có thể phân tán rủi ro theo cách mua lô lớn nhưng chia thành nhiều lệnh nhỏ thì có thể mua/bán ở những mức giá khác nhau để tối ưu lợi nhuận và giảm thiểu thua lỗ. Cứ đà cạnh tranh như hiện nay, chắc không lâu nữa, NĐT sẽ được đặt lệnh mua/bán với khối lượng thấp hơn.

Tại Sàn giao dịch vàng Phú Quý, NĐT có thể đặt lệnh qua điện thoại. Công ty này cũng thông báo kết quả giao dịch cũng như thông tin cần thiết qua SMS để NĐT chủ động đưa ra quyết định đầu tư.

 

Mạnh ai người nấy làm

Trong những số báo trước, ĐTCK đã đề cập đến vấn đề pháp lý của việc thành lập sàn giao dịch vàng. Là loại hàng hóa đặc biệt liên quan đến chính sách tiền tệ, giao dịch vàng cần có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước nhưng đến nay, quy định của cơ quan này cũng chưa thực sự rõ ràng.

Hiện nay, do cạnh tranh nên các sàn giao dịch vàng đưa ra nhiều dịch vụ, thoạt nghe có lợi cho khách hàng nhưng cũng không hẳn như vậy. Chẳng hạn, tại phiếu đăng ký giao dịch vàng qua mạng và điện thoại của Sàn giao dịch vàng SJC Hà Nội có điều khoản dành cho NĐT: “Tôi hoàn toàn ý thức được những rủi ro có thể phát sinh từ việc giao dịch qua các hình thức trên và đồng ý chịu mọi rủi ro liên quan đến dịch vụ này”. Tuy nhiên, trong tờ phiếu này không nêu rõ, đó là những rủi ro gì. Rủi ro nào là từ phía Công ty mà khi xảy ra phải chia sẻ thiệt hại với khách hàng và rủi ro nào là khách quan và NĐT phải chịu…

Việc cho phép mua bán với khối lượng nhỏ sẽ thu hút nhiều NĐT tham gia vào giao dịch. Điều này khiến hệ thống mạng của các công ty có thể bị nghẽn bất cứ lúc nào. NĐT không đặt lệnh mua - bán được, thua thiệt trước tiên thuộc về họ. Ngoài ra, nhiều NĐT lo ngại là các sàn giao dịch vàng “té nước theo mưa”, cố tình tạo ra sự cố để trục lợi do họ có thể tham gia tự doanh. Mới đây, không ít NĐT đã tỏ ra bức xúc khi sàn giao dịch vàng của ACB - Chi nhánh Hà Nội bị sập mạng vào đầu giờ sáng. Khi sự cố được khắc phục thì giá vàng đã tụt mất 100.000 đồng/lượng, thua thiệt thuộc về những NĐT không bán được từ trước.

Liên quan đến phí cũng mỗi nơi thu một kiểu. Tại Sàn giao dịch vàng ACB, mỗi giao dịch chịu phí là 2.000 đồng/lượng. Tại Sàn giao dịch vàng SJC Hà Nội, nếu giao dịch từ 50 lượng trở lên phí là 2.000 đồng/lượng, từ 30 lượng đến 50 lượng là 100.000 đồng/giao dịch, dưới 30 lượng phí là 80.000 đồng/giao dịch. Lãi suất cho vay (hỗ trợ 93% vốn đầu tư cho NĐT), các sàn quy định cũng khác nhau.

Trong khi “khủng hoảng” kênh đầu tư, nhiều NĐT đã tìm đến vàng như một cứu cánh. Tuy nhiên, để thu lợi nhuận thì không hề đơn giản. Theo ghi nhận của ĐTCK, đã có không ít NĐT thua lỗ khi tham gia vào thị trường này. “Giá vàng biến động liên quan đến nhiều yếu tố, đôi khi không theo quy luật nào. Nếu không nhanh tay đặt lệnh thì thua lỗ là chuyện bình thường. Một ngày NĐT có thể đặt lệnh mua/bán đến hàng chục lần. Do đó, những chi phí như phí giao dịch, lãi vay ngân hàng cũng làm NĐT bị lỗ, nếu giá vàng lên không nhiều”, NĐT tên Thành tại Sàn giao dịch vàng SJC Hà Nội cho biết.      

Nguyên Thành
Nguyên Thành

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ