Sàn vàng: tìm lối đi mới

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thông tư hướng dẫn kinh doanh vàng trên tài khoản có thể được ban hành vào quý 4 năm nay. Với dự thảo thông tư này (là dự thảo lần thứ 10), sắp tới các công ty kinh doanh sàn vàng không trực thuộc ngân hàng sẽ phải tìm cho mình những hướng đi mới.
Nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch tại Trung tâm Giao dịch vàng Việt Nam. Nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch tại Trung tâm Giao dịch vàng Việt Nam.

Vì rủi ro lớn...

 

Dạo một vòng qua các sàn vàng trong đợt giá vàng tăng “nóng” tuần qua, người viết gặp được một số nhà đầu tư thắng lớn nhưng đa phần đều than lỗ nặng.

 

Anh Nam , nhà đầu tư vàng tại sàn Việt Á đã khá lâu, cho biết, đầu tư vàng “cũng kiếm được đồng ra đồng vào”, nhưng đó là trước kia, còn trong hơn tuần qua thì “ai mà chả lỗ”.

 

TIN LIÊN QUAN

* Hồi hộp chờ quy chế sàn giao dịch vàng

* Sắp có quy định về sàn giao dịch vàng

* Quản lý sàn vàng: vẫn đang chờ quy chế

* Sàn vàng về chứng khoán: Lợi thì có lợi…

* Lợi nhuận lớn, sàn vàng tăng tốc cạnh tranh

* HOSE sẽ quản lý sàn vàng?

* Sàn vàng cạnh tranh hút khách

* Chính thức trình Thủ tướng cơ chế quản lý sàn vàng

* Sàn giao dịch vàng tại CTCK: Cấm vẫn mở!

* Nên quản lý sàn vàng thế nào?

* Tạm ngưng mở thêm sàn vàng

Lý giải cụ thể hơn, anh Nam nói, khi giá vàng tăng lên khoảng 960 USD/ounce vào khoảng đầu tháng 9, ai cũng nghĩ giá sẽ xuống nên đã ký quỹ, vay vàng để bán ra rất nhiều, chờ giá xuống để mua trả lại ngân hàng. Nhưng không may là giá cứ tiếp tục tăng. Khi giá lên đến 965 USD,  vẫn không ai chịu mua vàng để thanh toán mà tiếp tục chờ, và vàng cứ đều đặn đi lên, kết quả là tài khoản bị xử lý... Vậy là lỗ.

 

Giám đốc một trung tâm kinh doanh vàng cho biết, trên sàn của ông, đợt vừa rồi số người lỗ hơn 1 tỷ đồng rất nhiều do khi giá lên không chịu cắt lỗ mà lại tiếp tục “nhồi”, tức là lại vay để bán tiếp, mong khi giá xuống thì bù được khoản lỗ cũ, nhưng giá vẫn lên nên lỗ gấp đôi.

 

Trong đầu tư vàng, người ta mong có “sóng”, nhưng phải là lúc lên, lúc xuống, còn sóng một chiều liên tục nhiều giờ, nhiều ngày đều là bi kịch, vị giám đốc này nói thêm. Ông cho biết, hiện nay đa phần nhà đầu tư đều chơi theo hình thức bán khống, tức là vay rồi bán, đến khi xuống thì mua trả lại, ăn chênh lệch. Bởi vậy, khi giá lên thẳng một chiều đến 1.000 USD/ounce như vừa qua, rất nhiều nhà đầu tư bị “đo ván” vì không cắt lỗ.

 

Trả lời câu hỏi đầu tư vàng có giống như tham gia một sòng bạc không? Ông Bùi Việt Cường, Trưởng phòng Tư vấn, phân tích Công ty Đầu tư Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB), trả lời, là đầu tư vàng tài khoản khó hơn việc đánh bài trên một sòng bạc rất nhiều. Vì muốn đầu tư vàng tài khoản hiệu quả thì thời gian và công sức bỏ ra để học tập, rèn luyện các kỹ năng phân tích xu hướng về cơ bản, về kỹ thuật rất nhiều, cũng như phải có kinh nghiệm. Rõ ràng là không dễ dàng thu lợi trên sàn vàng nếu không có những nghiên cứu sâu. Ông Cường cũng cho biết, trong đợt biến động vừa qua, người thắng thì ít mà kẻ thua thì nhiều...

 

Chưa hết, giá vàng Việt Nam phụ thuộc giá thế giới nên những gì xảy ra bên “trời Tây” mỗi phút, mỗi giây đều là chuyện sống còn của nhà đầu tư. Từ tình hình chính trị, kinh tế thế giới, sự lên xuống của đồng đô la Mỹ, chứng khoán, giá dầu đều là nhân tố chính tác động đến giá vàng. Rồi như đợt tăng giá vừa rồi là do các quỹ đầu cơ đẩy giá lên. Bao nhiêu rủi ro chực chờ mà nhà đầu tư trong nước khó lường trước được...

 

Vậy nhưng ngày càng có nhiều người đến với sàn vàng hơn. Và số sàn vàng cũng tăng lên thấy rõ, từ Trung tâm Giao dịch vàng Sài Gòn của Ngân hàng Á Châu ra đời năm 2007, đến năm 2009 đã có gần 20 sàn giao dịch vàng do ngân hàng, công ty lập ra. Số lượng đại lý nhận lệnh cũng tăng lên đáng kể tại rất nhiều tỉnh thành khác nhau.

 

...nên không khuyến khích

 

Trước sự vươn rộng của các sàn vàng cũng như những rủi ro quá lớn trong việc đầu tư vàng, Bộ Tài chính, NHNN, Văn phòng Chính phủ, Hiệp hội Kinh doanh vàng, Bộ Công Thương đã soạn thảo thông tư hướng dẫn kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước. Dự thảo đã được sửa đến lần thứ 10 và đang được lấy ý kiến để trình Thủ tướng Chính phủ.

 

Đại diện Vụ Quản lý ngoại hối của NHNN, nơi trực tiếp soạn thảo, cho biết, NHNN không khuyến khích hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản vì nó mang lại nhiều rủi ro cho những người đầu tư.

 

Theo dự thảo, NHNN chỉ giao cho các ngân hàng thương mại được cung ứng dịch vụ trên để tránh rủi ro về thanh toán cho nhà đầu tư và NHNN cũng tiện việc quản lý.

 

Lý giải cụ thể hơn, vị đại diện Vụ Quản lý ngoại hối cho rằng, ngân hàng là nơi có những quy định kiểm soát tín dụng rất nghiêm ngặt, nằm dưới quyền điều hành của NHNN, nên rủi ro trong thanh toán là khó xảy ra. Và điều chắc chắn là nguồn vốn để xử lý các phát sinh thì các công ty mở sàn vàng không thể bằng các ngân hàng được.

 

Khi doanh nghiệp không bị chi phối bởi các quy định của NHNN thì trong trường hợp một công ty kinh doanh vàng thua lỗ, phải tuyên bố phá sản, chắc chắn quyền lợi của nhà đầu tư bị ảnh hưởng nặng nề.

 

Vụ Quản lý ngoại hối cũng cho biết, trong dự thảo mới nhất, tỷ lệ ký quỹ của nhà đầu tư là 15% thay vì 7% như nhiều sàn đang áp dụng hiện nay sẽ giúp nhà đầu tư không bị thua lỗ quá nặng nề do lượng tiền vay sẽ thấp hơn.

 

Về thắc mắc, nếu ngân hàng cung ứng dịch vụ kinh doanh vàng tài khoản nhưng đồng thời cũng có tự doanh, đại diện NHNN cho biết, trong dự thảo đã có quy định rõ về nguyên tắc khớp lệnh, các ngân hàng phải tuân theo. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp thì dựa trên hợp đồng kinh tế được ký giữa nhà đầu tư và người cung ứng dịch vụ mà xử lý theo Bộ luật Dân sự và các luật có liên quan.

 

Nếu được Chính phủ thông qua thì đây là quy chế để quản lý sàn vàng chính thức và dự kiến là quý 4 năm nay sẽ có hiệu lực.

 

Vị đại diện Vụ Quản lý ngoại hối cũng khẳng định, các công ty chỉ có một hướng đi dễ dàng nhất đó là làm đại lý nhận lệnh cho sàn vàng của các ngân hàng thương mại, NHNN sẽ không xem xét thay đổi đối tượng như trong dự thảo đã quy định. Ngoài ra, các công ty dù có sự góp vốn của các ngân hàng nhưng không trực thuộc ngân hàng thì vẫn không hợp lệ nên cũng sẽ không được phép hoạt động.

 

Và như vậy, trong khoảng 20 sàn hiện tại sẽ chỉ còn 5-6 sàn vàng do các ngân hàng lập ra là được phép hoạt động.

 

Tính chuyện tìm hướng đi khác

 

Dự thảo là vậy, song nhiều công ty vàng cho rằng, NHNN nên tiếp tục điều chỉnh dự thảo để vừa bảo vệ nhà đầu tư, vừa không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của các công ty vàng hiện đã có mạng lưới rộng khắp.

 

Ông Lưu Trọng Thủy, Phó giám đốc Công ty Đầu tư Kinh doanh vàng Toàn Cầu (GGB), đề xuất, Nhà nước nên đưa ra các quy chế để quản lý chung hơn là bó gọn các hoạt động của sàn vàng dưới sự quản lý của các ngân hàng. Với nhiều công ty vàng, thị trường có sự cạnh tranh mạnh mẽ và nhà đầu tư được tiếp cận với nhiều tiện ích hơn.

 

Trong trường hợp dự thảo được thông qua mà không có sự thay đổi nào nữa thì, theo ông Thủy, NHNN nên kéo dài lộ trình thực hiện để các công ty kịp thời tìm được đối tác vì việc thay đổi này ảnh hưởng đến cổ đông, nhà đầu tư và người lao động đang làm việc tại các đại lý nhận lệnh của nhiều công ty vàng hiện nay. “Nếu quý 4 này dự thảo có hiệu lực thì quá gấp, không kịp cho các công ty chuẩn bị”, ông Thủy nhấn mạnh.

 

Hiện nay, các công ty có mở sàn vàng đang tìm cách về với ngân hàng. Ông Huỳnh Trọng Thưa, Giám đốc Trung tâm Giao dịch vàng 24k (do Công ty cổ phần Hai Mươi Bốn và Công ty Vàng bạc Đá quý SJC Chợ Lớn thành lập hồi tháng 4 năm nay), cho biết, trung tâm sẽ phải về với một ngân hàng để tồn tại. Trong khi đó, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư và Kinh doanh vàng Thế Giới, ông Lâm Minh Chánh, cũng nói là công ty sẽ tìm một ngân hàng có đủ điều kiện như trong quy chế để xin sáp nhập (mà công ty này chỉ vừa ra đời được hơn một tháng).


TBKTSG

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,284.09 -6.09 -0.47% 232,038 tỷ
HNX 242.58 -1.33 -0.55% 1,769 tỷ
UPCOM 91.57 0.09 0.09% 657 tỷ