Sàn vàng cạnh tranh hút khách

(ĐTCK-online) Trên phạm vi cả nước hiện có khoảng 20 sàn vàng đang hoạt động, cạnh tranh nhau khốc liệt. Những sàn vàng có mục tiêu và chiến lược phát triển lâu dài đều đưa ra các dịch vụ tiện ích nhằm thu hút và giữ chân NĐT.
Để tồn tại và phát triển, các sàn vàng phải liên tục đưa ra những dịch vụ cạnh tranh. Để tồn tại và phát triển, các sàn vàng phải liên tục đưa ra những dịch vụ cạnh tranh.

Hỗ trợ thiết thức

"Chiến lược giao dịch vàng của ông Huỳnh Thanh Sang ngày hôm nay (10/8) như sau: mua: 954 - 951 USD/ounce, cắt lỗ: 949 USD/ounce, chốt lời: 964 USD/ounce. NĐT tham khảo chiến lược của ông Huỳnh Thanh Sang cần lưu ý: các mức giá trong chiến lược là giá hiện lên màn hình. Do đó, khi cài stoploss (cắt lỗ) hay takeprofit (chốt lời), phải cộng trừ độ lệch (nếu có) của sàn đang giao dịch. Chiến lược của ông Huỳnh Thanh Sang có giá trị đến 6h sáng hôm sau hoặc đến khi cập nhật thông tin mới". Trên đây là một đoạn trong phần "Tin nóng" trên website của CTCP Tài chính vàng Thế giới (VTG), được giới thiệu nhằm hỗ trợ NĐT khi tham gia giao dịch vàng tại VTG. Mỗi ngày có khoảng 4 chuyên gia đưa ra nhận định của mình để hỗ trợ NĐT.

Đi vào hoạt động từ đầu tháng 8/2009, sàn vàng thuộc VTG liên tục xuất hiện trên các banner quảng cáo nổi bật của nhiều website có tiếng về kinh tế - tài chính. Ra đời sau, khó cạnh tranh với các sàn vàng đã hoạt động từ vài năm nay, bên cạnh việc đẩy mạnh truyền thông, VTG còn tìm nhiều cách tiếp cận khách hàng. Khởi đầu là việc tổ chức cuộc thi giao dịch vàng ảo, lĩnh tiền thật nhằm giới thiệu về cách thức giao dịch vàng cho NĐT. Cùng với đó là tổ chức mỗi tuần một cuộc hội thảo về chiến lược giao dịch vàng.

Tiếp theo việc triển khai giao dịch trực tuyến, CTCP Đầu tư Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) đã tăng thời gian giao dịch vàng lên đến 21 giờ trong ngày (từ 7h sáng hôm trước đến 4h sáng hôm sau) nhằm phục vụ NĐT tốt hơn. Đây là một trong những sàn vàng tích cực đổi mới dịch vụ nhằm hỗ trợ NĐT. Với việc giao dịch trực tuyến, NĐT có thể nhập thẳng lệnh từ máy tính cá nhân vào trung tâm giao dịch của VGB. Bên cạnh đó, kết hợp với hệ thống Home Banking của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam, NĐT có thể đặt lệnh, kiểm tra tư vấn số dư ngay tại nhà. Việc gia tăng thời gian giao dịch đến 21h/ngày giúp NĐT có thêm cơ hội đầu tư cũng như giảm thiểu rủi ro.

Thêm một điểm nổi trội, VGB là sàn vàng đầu tiên tại Việt Nam có dòng sản phẩm giao dịch vàng tương lai (future). Với sản phẩm này, NĐT có thể mua bán vàng vật chất theo hình thức giao ngay trong ngày (T+0) hoặc giao trong thời gian 7 ngày (từ T+0 đến T+7). VGB cũng kết hợp với một số doanh nghiệp kinh doanh vàng trên cả nước như: SJC, Kim Linh, Ngọc Tú, Doji…, nên đảm bảo tính thanh khoản rất cao đối với dòng sản phẩm future và đảm bảo phương châm mua có vàng, bán có tiền.

Ngay sau khi VGB tăng thời gian giao dịch vàng thì ngày 10/8, Trung tâm giao dịch vàng Ngân hàng Eximbank cũng tổ chức nhận lệnh của NĐT đến 1h sáng hôm sau. Trước đó, sàn này chỉ giao dịch từ 7h30 đến 11h cùng ngày.

Cũng nhằm gia tăng tiện tích cho NĐT, Trung tâm giao dịch vàng SBJ (Sacombank-SBJ) đã đưa ra biên độ giá là +/-1% so với giá tham chiếu đầu ngày (khi mở cửa) hoặc so với giá khớp lệnh gần nhất trong phiên giao dịch, do vậy trong trường hợp NĐT đặt nhầm giá và/hoặc nhân viên nhập sai giá mà giá này vượt biên độ cho phép +/-1%, lập tức hệ thống phần mềm giao dịch vàng sẽ cảnh báo ngay. Cùng với đó là sàn này đưa ra mức xử lý thấp (3%), giảm thiểu việc sàn vàng phải tất toán tài khoản NĐT.

Nhìn chung, tùy thuộc vào khả năng công nghệ, mỗi sàn vàng đều có "chiêu" hút khách của riêng mình.

Chờ một quy chế chuẩn cho sàn vàng

Trước đây, việc giao dịch vàng qua sàn chỉ do một vài doanh nghiệp đứng ra tổ chức, nên xảy ra tình trạng "một mình một chợ" và NĐT phải chịu nhiều thiệt thòi. Dù bị xử ép, nhưng NĐT vẫn phải chấp nhận tham gia, do không có lựa chọn nào khác. Đến nay, tình hình đã khác khi thị trường xuất hiện gần 20 trung tâm giao dịch vàng, phần lớn thuộc các ngân hàng. Mặt khác, ở thời điểm hiện tại, khi TTCK trong nước hồi phục, dòng tiền ít nhiều chuyển hướng, nên sàn vàng không còn sức hấp dẫn như trước. Bên cạnh đó, kinh tế thế giới phục hồi khiến giá vàng không còn "tung tăng", biên độ dao động giá không lớn nên khó hấp dẫn NĐT. Do đó, để tồn tại và phát triển, các sàn vàng phải liên tục đưa ra những dịch vụ cạnh tranh như: giá vàng bám sát giá thế giới, nhận lệnh với khối lượng giao dịch thấp, giảm phí, gia tăng thời gian giao dịch…

Tuy nhiên, không ít NĐT cho biết, điều quan trọng là các sàn cần tạo ra một cơ chế khớp lệnh minh bạch để đảm bảo rằng, cơ hội khi tham gia đầu tư trên sàn vàng của các NĐT là như nhau. Và việc đưa ra các dịch vụ tiện ích cho NĐT là tốt, nhưng vẫn cần theo một quy định chung.

Từ thực tế trên đặt ra yêu cầu cần có những tiêu chí để quản lý sàn vàng cụ thể, rõ ràng. Đến thời điểm này, theo tìm hiểu của ĐTCK, quy chế kể trên đang được Ngân hàng Nhà nước dự thảo. Do đặc thù vừa là tiền tệ, vừa là hàng hóa nên hiện tồn tại những tranh luận nên để Ngân hàng Nhà nước quản lý sàn giao dịch vàng hay "nhường" công việc này cho Bộ Công Thương. Cho dù thế nào thì sàn vàng đang tồn tại là một thực tế do nhu cầu của NĐT khá lớn, nên cơ quan quản lý cần sớm ban hành quy chế cho loại hình kinh doanh này.

Hiền Linh
Hiền Linh

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ