Sàn vàng biến tướng

Trong khi nhiều sàn vàng đóng cửa đúng thời hạn cuối tháng 3-2010 thì sàn vàng do các công ty tổ chức vẫn hoạt động công khai. Các chủ sàn vàng này còn táo tợn hơn khi cho cá nhân kinh doanh vàng trực tiếp ở nước ngoài, điều mà pháp luật về ngoại hối chưa cho phép.
Sàn vàng biến tướng

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nói cả người tham gia lẫn người tổ chức đã vi phạm pháp luật về quản lý ngoại hối.

 

Ký lại hợp đồng

 

Cuối tháng 3, hàng loạt sàn vàng tư nhân đồng loạt thông báo chấm dứt hợp đồng kinh doanh vàng tài khoản. Sàn OIIC của Công ty CP đầu tư thông tin Đại Dương thông báo sau ngày 30-3, tất cả hợp đồng kinh doanh vàng mà khách hàng đã ký với OIIC không còn hiệu lực. Tương tự, Công ty Hồng Hối cũng thông báo sẽ chấm dứt hoạt động kinh doanh vàng tài khoản từ 30-3 đến khi nào được sự cho phép từ Chính phủ, thay vào đó công ty này sẽ giao dịch các sản phẩm hàng hóa khác. Tuy nhiên sự thật không phải như vậy.

 

Môi giới tên T. (Công ty OIIC) cho biết thực tế khách hàng chỉ phải ký lại hợp đồng nguyên tắc kinh doanh hàng hóa thay thế cho hợp đồng kinh doanh vàng tài khoản trước đây. Anh này giải thích đó chỉ là cách chơi chữ vì vàng thực tế cũng là một loại hàng hóa, hơn nữa gọi như vậy sẽ không bị cơ quan chức năng bắt lỗi kinh doanh vàng tài khoản.

 

(*) Hoạt động này là bất hợp pháp vì từ sau tháng 3-2010 không còn đơn vị nào được kinh doanh vàng tài khoản tại nước ngoài  

Tương tự, chị K. - đang giao dịch tại Hồng Hối - đem thắc mắc này đến hỏi thì được nhân viên tư vấn cho biết hoạt động kinh doanh vẫn bình thường như trước, chỉ khác là khách hàng sẽ thanh lý hợp đồng đã ký trước đây với Hồng Hối để tránh vấn đề pháp lý. Thay vào đó người kinh doanh sẽ ký trực tiếp với Công ty Ocean có trụ sở tại Hong Kong bản hợp đồng bằng tiếng Anh. Hồng Hối sẽ thay mặt Ocean tại VN để quản lý bản hợp đồng này. Một số khách hàng giao dịch tại đây cho biết gọi là ký hợp đồng với Ocean nhưng thực tế mọi giao dịch nộp, rút tiền đều được thực hiện với Hồng Hối, không có gì thay đổi.

 

Tương tự, nhiều sàn khác như 24k, IGI... đều yêu cầu khách hàng ký lại hợp đồng giao dịch vàng vật chất (cách gọi của giới kinh doanh vàng để phân biệt vàng miếng - vàng vật chất - với vàng tài khoản, còn gọi là vàng “ảo”) thay cho hợp đồng kinh doanh vàng cũ. Phương thức giao dịch không thay đổi với tỉ lệ ký quỹ rất thấp từ 1-5%/năm, tùy sàn.

 

Lại núp bóng

 

Chuyện các chủ sàn vàng tổ chức kinh doanh vàng tài khoản nhưng treo bảng kinh doanh vàng vật chất đã diễn ra cả tháng qua sau khi Chính phủ có chủ trương đóng cửa sàn vàng (Tuổi Trẻ đã có phản ánh).

 

Để trấn an người kinh doanh, Công ty CP Đầu tư và kinh doanh vàng quốc tế (IGI) đưa ra thông báo trên trang web khẳng định hoạt động kinh doanh vàng của IGI là vàng vật chất và hoàn toàn hợp pháp. Tuy nhiên trên thực tế dù là mua vàng vật chất nhưng người kinh doanh chỉ phải ký quỹ 2,5%.

 

Thực chất, hình thức ký quỹ là cách để kinh doanh vàng tài khoản đã được áp dụng phổ biến trên thế giới. Đó cũng là sự khác nhau giữa kinh doanh vàng tài khoản với vàng vật chất. Nếu là mua bán vàng vật chất thì phải “tiền trao đủ cháo mới múc”. Không công ty vàng nào chấp nhận bán vàng chỉ nhận tiền cọc có 5%.

 

Đến nay, pháp luật VN không cho phép cá nhân được trực tiếp kinh doanh vàng tài khoản với nước ngoài. Do vậy, ngay trước đây khi tổ chức sàn vàng, các chủ sàn vàng cũng đã phải “chế” ra quy trình để cá nhân có thể kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài bằng cách núp bóng hình thức kinh doanh vàng SJC, sau đó mua/bán thông qua các công ty và ngân hàng có chức năng kinh doanh vàng tài khoản.

 

Để đáp ứng đúng quy định là vàng vật chất, họ buộc người kinh doanh phải chung đủ tiền. Nhưng họ cũng mở đường cho người kinh doanh có tiền chung bằng cách chỉ cần phải ký quỹ 5-7%, còn lại ngân hàng sẽ cho vay. Nhưng chẳng ai lấy ra được miếng vàng nào vì thực chất đó là vàng tài khoản. Với việc cho vay 93-95% số tiền mua vàng, các cơ quan chức năng không thể bắt giò ngân hàng và chủ sàn vàng vì họ nói người mua đã trả đủ 100% tiền mua vàng, gồm tiền ký quỹ và tiền vay.

 

Còn hiện nay các sàn vàng đã đi xa hơn, đó là cho phép cá nhân kinh doanh trực tiếp vàng tài khoản ở nước ngoài. Vì vậy cá nhân chỉ cần ký quỹ vài phần trăm, không cần phải vay của các ngân hàng như trước. Các sàn đang có nhiều chiêu để lách luật. Môi giới một sàn vàng cho biết đang lên kế hoạch ký hợp đồng nhận cung ứng với một số công ty vàng bạc, để phòng trường hợp cơ quan chức năng “sờ gáy” sẽ trưng ra bản hợp đồng này nhằm chứng minh giao dịch trên sàn là vàng vật chất chứ không phải vàng “ảo”.

 

Còn khoản tiền chênh lệch giữa giá quy đổi và giá thực tế thị trường được núp dưới tên gọi khác nhau. Tại sàn vàng 24k gọi là “tiền chế tác” nữ trang, thông thường trên 1 triệu đồng/lượng và dao động tùy thời điểm. Do khẳng định không kinh doanh vàng tài khoản nên các sàn tránh đưa ra tỉ giá quy đổi.

 

Một lãnh đạo Công ty SJC chi nhánh Hà Nội cho biết vừa qua nhận được nhiều đề nghị ký hợp đồng cung ứng vàng miếng cho các sàn vàng vật chất. Tuy nhiên, lãnh đạo này cho biết thực tế các đơn vị này không mua/bán vàng mà chỉ sử dụng bản hợp đồng như một căn cứ pháp lý nhằm tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng, do đó Công ty SJC đã từ chối ký hợp đồng.

 

Chảy máu ngoại tệ

 

Nhiều sàn vàng cho biết đứng ra mua bán trực tiếp, không phải thông qua đối tác thứ ba. Tuy nhiên trên thực tế các sàn giao dịch vàng trong nước đều phải liên thông với thế giới. Hình thức phổ biến là các sàn trong nước làm đại lý cho một sàn vàng nào đó tại nước ngoài. Khi các lệnh mua/bán ở sàn vàng trong nước chênh nhau thì chủ sàn phải đặt lệnh mua/bán vàng ở nước ngoài để cân bằng cung - cầu, đồng thời phải chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để ký quỹ số vàng sẽ mua.

 

Số ngoại tệ được chuyển ra nước ngoài bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó một phần được chuyển thông qua ngân hàng. Trong trường hợp người kinh doanh đoán sai xu hướng giá vàng, bị thua lỗ, ngoại tệ “đội nón ra đi”.

 

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh - phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, chỉ đạo của Chính phủ ngày 30-3 là hạn chót các sàn vàng phải đóng cửa. Sau thời gian này các sàn vàng còn hoạt động là bất hợp pháp. Người kinh doanh trên các sàn vàng không chính thức sẽ chịu rủi ro do không có cơ quan nào đứng ra làm trọng tài trong trường hợp xảy ra tranh chấp pháp lý giữa người kinh doanh với chủ sàn. Trường hợp người kinh doanh tự đứng ra ký hợp đồng với sàn vàng tại nước ngoài nếu bị phát hiện sẽ bị xử phạt, do cá nhân lẫn tổ chức đều không được phép đầu tư vàng tài khoản tại nước ngoài.

 

Những biến tướng sau khi sàn vàng đóng cửa được Ngân hàng Nhà nước TP.HCM ghi nhận và lập báo cáo đề xuất hướng xử lý gửi Vụ Quản lý ngoại hối Ngân hàng Nhà nước.

 

Nhiều hoạt động vi phạm pháp luật

 

Ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, cho biết việc cho cá nhân kinh doanh vàng tài khoản trực tiếp ở nước ngoài bị pháp luật nghiêm cấm. Ngay cả tổ chức như ngân hàng và công ty vàng bạc cũng không còn được cấp chức năng này. Để ký quỹ các sàn vàng phải chuyển ngoại tệ ra nước ngoài và đó là việc làm bất hợp pháp do không tuân thủ quy định về quản lý ngoại hối.

 

* Án binh trước giờ G

 

Cận ngày phải đóng cửa theo quy định, ghi nhận tại các sàn giao dịch vàng cho thấy phần lớn đều ém quân để tránh bị dòm ngó. Môi giới sàn giao dịch vàng 24k cho biết sau ngày 1-4 sẽ tung ra nhiều sản phẩm mới. Còn thời điểm này khá nhạy cảm nên sàn hạn chế quảng bá vì sợ bị kiểm tra.

 

Tương tự, tại sàn OIIC, với khách hàng quen sẽ được tư vấn tận tình, song với khách hàng mới vẫn khá dè dặt.

 

* Vì sao phải đóng cửa sàn vàng

 

Hoạt động kinh doanh vàng tài khoản và sàn vàng ra đời năm 2007 đã góp phần tạo ra những đợt sốt nóng lạnh giá vàng và USD.

 

Tháng 1-2010, Chính phủ chỉ đạo đóng cửa sàn vàng và chấm dứt kinh doanh vàng tài khoản tại nước ngoài trước 30-3-2010. Mới đây, Chính phủ cho phép ngân hàng có thêm ba tháng để dọn dẹp tài khoản vàng ở nước ngoài. Riêng sàn vàng phải đóng cửa đúng thời hạn 30-3.

 

 

 


TT

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ