Rủi ro trên sàn vàng

Phân tích kỹ thuật, dự báo xu hướng, đón đầu thông tin... có thể ảnh hưởng đến giá vàng thế giới là "nghiệp vụ" cơ bản của các nhà đầu tư (NĐT) vàng trong nước. Nhưng ngay cả khi “bắt mạch” chính xác tất cả các yếu tố này, NĐT vẫn có thể lỗ...
NĐT nên tự bảo vệ mình khi tham gia kinh doanh vàng tài khoản. NĐT nên tự bảo vệ mình khi tham gia kinh doanh vàng tài khoản.

 Tài khoản “cháy” oan

Thông thường, giá vàng trên sàn “nhìn” giá vàng thế giới để điều chỉnh. NĐT vàng thường nhìn vào biến động của giá thế giới để ra lệnh mua bán theo giá quy đổi trên sàn. Nhưng thỉnh thoảng  giá vàng tại các sàn “dở chứng”, không theo giá thế giới khiến không ít NĐT tưởng lời hóa thành lỗ nặng.

 

TIN LIÊN QUAN

* Trình hai phương án xử lý sàn vàng

* Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh ngay hoạt động các sàn vàng

* Có thể đóng cửa các sàn vàng

* Sàn vàng và chuyện quản lý

* Nhà đầu tư trên sàn vàng sẽ phải nộp thuế TNCN

Anh Phạm Khắc Duy, NĐT vàng tại TP.HCM kể, có phiên giao dịch giá thế giới tăng 2 USD/ounce (tức 44.500 đồng/lượng - PV) nhưng giá trên sàn tăng 100.000 đồng/lượng. Sau đó, giá vàng thế giới giảm lại 2 USD/ounce nhưng giá trên sàn đứng, thậm chí có khi vẫn tăng. Việc giá vàng ở sàn "bỗng dưng" không đi theo giá vàng thế giới khiến anh Duy thay vì lời lại phải cắt lỗ.

 

Biến động giá bất thường tại các sàn vàng khiến nhiều tài khoản bị “cháy” oan (sàn vàng xử lý tài khoản khi NĐT rơi vào tình trạng lỗ) đã không còn là chuyện hiếm. Giải thích vấn đề này, hầu hết các sàn đều cho rằng, thỉnh thoảng giá vàng trên sàn không đi theo giá thế giới là do bị giới đầu cơ làm giá, đặc biệt là các đại gia đang muốn “điều khiển” giá vàng theo mục đích của mình. Tuy nhiên, sự thực thế nào chỉ có các sàn vàng mới hiểu và vẫn chưa có một câu trả lời thỏa đáng cho hiện tượng bất thường này.

 

Một NĐT có thâm niên trong việc lướt sóng vàng khuyến cáo, khi thấy giá vàng trên sàn “dở chứng”, tốt nhất là nên nhanh chóng rút ra chờ đợi. Thực tế cho thấy, từ trước tới nay khi giá vàng “dở chứng” thì chỉ NĐT từ lãi trở thành lỗ chứ không bao giờ giúp họ đang lỗ chuyển thành lãi cả.

 

Ngừng giao dịch khi có dấu hiệu bất thường

 

Thị trường vàng có tính thanh khoản cao nhờ phía sau có một bộ phận điều giá. Khi lực mua bán trên thị trường mất cân đối, bộ phận điều giá sẽ đánh đối ứng ra nước ngoài. Chỉ cần giá tại sàn vàng và thế giới chênh lệch hơn 1 USD/ounce là bộ phận điều giá đã có lời. Thế nhưng theo tổng giám đốc một sàn vàng tại TP.HCM, không phải lúc nào bộ phận điều giá cũng có thể tham gia vào thị trường. Trong trường hợp đó, tình trạng mất cân đối giữa mua và bán sẽ xảy ra và kết quả là giá vàng tại các sàn sẽ nhảy múa lung tung.

 

Theo chị Ngọc - một NĐT vàng lâu năm - khi giá vàng trên sàn có sự chênh lệch với giá thế giới thì tốt nhất NĐT nên "án binh bất động", không đặt lệnh mua, bán bởi không thể biết được giá tại sàn vàng sẽ đi theo hướng nào.

 

Ông Huỳnh Trung Khánh - Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam - cho rằng, các sàn vàng hiện nay không đối ứng ra nước ngoài kịp thời, nếu sau này cơ quan chức năng cho thành lập sàn vàng thì làm sao phải cho đối ứng hoặc đưa vào một số lệnh để giá không biến động bất thường nhằm bảo vệ NĐT.

 

Ông Nguyễn Khắc Quý, một NĐT, thì chia sẻ kinh nghiệm: “Tôi không biết phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật nhiều nhưng tôi chạy theo thị trường thay vì cãi nó. Trên thực tế, tình trạng NĐT đánh 10 lệnh, lời 8 - 9 lệnh nhưng chỉ cần 1 lệnh lỗ có khi âm cả vào vốn. Nguyên nhân là do khi lời 20 - 30 giá (tức 20.000 - 30.000 đồng/lượng) NĐT chốt lời nhưng khi lỗ hơn mức này, hầu hết NĐT không chịu cắt lỗ với hy vọng giá sẽ trở lại nên thực hiện lệnh “nhồi” (tiếp tục mua để kéo giá). Kết quả là lỗ nặng. Đối với tôi, con sóng tăng hay giảm đều tốt khi nó đem lại lợi nhuận cho mình. Những NĐT thắng thường thực hiện việc cắt lỗ tốt. Tôi thường nhìn nến (chỉ sự biến động giá vàng) để thực hiện chiến lược đầu tư. Tuy nhiên tùy theo trình độ của mỗi NĐT mà có mức đầu tư phù hợp, giống như đi ô tô vậy” - ông Quý nói.

 

Như vậy có thể thấy biện pháp phòng vệ an toàn nhất của NĐT trong các trường hợp bất thường chỉ là không tham gia giao dịch. Một cơ chế quản lý sàn vàng minh bạch, rõ ràng và hiệu quả là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

 

Không khuyến khích hoạt động sàn vàng

 

Ngày 11/12, website của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN VN) trích trả lời của ông Nguyễn Quang Huy - Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, NHNN VN về hướng xử lý đối với các sàn vàng trong thời gian tới.

 

Theo ông Nguyễn Quang Huy, NHNN VN đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về hoạt động kinh doanh vàng tài khoản trong nước đang được tiến hành trên các sàn vàng. Theo đó, chủ trương của NHNN là không khuyến khích hoạt động này. NHNN đã trình Chính phủ 2 phương án: chấm dứt hoạt động của các sàn vàng; hay tiếp tục cho phép kinh doanh vàng trên tài khoản trong nước một cách chặt chẽ trong đó mức ký quỹ dự kiến có thể lên đến 100%.

 

Hiện nay, ngoài các tổ chức tín dụng, còn có các tổ chức khác cũng đang thực hiện cung ứng dịch vụ kinh doanh vàng trên tài khoản cho các NĐT. Do đó, để thống nhất hướng xử lý đối với hoạt động kinh doanh này, cần có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

 

Theo ông Huy, trong trường hợp cho phép tiếp tục hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản trong nước của cá nhân, cần phải quản lý rất chặt chẽ, như tỷ lệ ký quỹ, thuế suất, quy mô giao dịch... Ngoài ra, chỉ có các NHTM mới được phép cung ứng dịch vụ này vì đây mới là các tổ chức có khả năng cung ứng đầy đủ các dịch vụ cho các NĐT như mở tài khoản, thanh toán và quan trọng hơn là có khả năng quản lý các rủi ro liên quan đến hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản của NĐT.


TN

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,284.09 -6.09 -0.47% 232,038 tỷ
HNX 242.58 -1.33 -0.55% 1,769 tỷ
UPCOM 91.57 0.09 0.09% 657 tỷ