Repo ngóng hướng dẫn

(ĐTCK-online) Thiếu quy định pháp lý về hợp đồng mua - bán lại chứng khoán (repo) là nguyên nhân dẫn tới tình trạng mạnh CTCK nào công ty nấy thực hiện trong cung cấp dịch vụ repo đang diễn ra trên TTCK. Hệ quả là khi xảy ra tranh chấp, NĐT thường bị "thua thiệt". Trong khi công cụ mà NĐT đang trông chờ là Thông tư hướng dẫn giao dịch mua - bán lại chứng khoán của CTCK vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.
Dịch vụ repo được các CTCK triển khai mạnh. Dịch vụ repo được các CTCK triển khai mạnh.

Dịch vụ repo đang được các CTCK triển khai mạnh, song do chưa có hướng dẫn từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) nên CTCK tự soạn sẵn hợp đồng với những điều khoản có lợi cho mình.

NĐT Nguyễn Gia Cương bức xúc, ngày 10/9/2008 anh ký 2 hợp đồng repo với CTCK AP. Hợp đồng thứ nhất, anh repo 15.000 cổ phiếu EMC do CTCP Cơ điện Hà Giang phát hành, với giá tại ngày ký hợp đồng là 10.000 đồng/CP. Anh Cương còn ký hợp đồng repo 42.000 cổ phiếu DVSC do CTCP Chứng khoán Đại Việt phát hành, với giá 5.000 đồng/CP, trong khi thị giá tại ngày ký hợp đồng là 12.000 đồng/CP. Ngày 29/10/2008, anh Cương ký tiếp với AP hợp đồng repo 20.000 cổ phiếu EMC với giá 5.000 đồng/CP, bằng 1/3 thị giá. Thời hạn của 3 hợp đồng trên đều là 2 tháng. Trong quá trình giao dịch, AP đã cho anh Cương quá thời hạn các hợp đồng tới 5 tháng với điều kiện anh phải nộp tiền chứng khoán bị giảm giá, phí vay quá hạn với lãi suất 0,1% tổng giá trị hợp đồng/ngày. Theo anh Cương, dù đã tuân thủ các quy định này và phía Công ty cũng không có thoả thuận gì khác với anh, nhưng không hiểu sao AP tự ý bán toàn bộ chứng khoán repo của anh với giá thấp so với mặt bằng giá thị trường, gây thiệt hại cho anh gần 1 tỷ đồng.

Hợp đồng mua - bán lại chứng khoán (repo) là thỏa thuận giữa CTCK và khách hàng, theo đó CTCK thỏa thuận mua chứng khoán của khách hàng và cam kết bán lại cho khách hàng vào thời điểm trong tương lai với mức giá xác định, đồng thời khách hàng thỏa thuận bán chứng khoán cho CTCK và cam kết mua lại chứng khoán tại một thời điểm trong tương lai với mức giá xác định.

Một NĐT khác ở Hà Nội cho biết, anh vừa bị CTCK P tự ý bán 30.000 cổ phiếu FPTS mà anh repo. Sắp hết thời hạn thanh lý hợp đồng, CTCK P cho nhân viên gọi điện báo anh lên làm thủ tục mua lại chứng khoán repo. Vì gia đình có đám hiếu, nên NĐT này để quá hạn hợp đồng 5 ngày. Sau đó, anh lên thanh lý hợp đồng mới hay CTCK đã bán toàn bộ số cổ phiếu repo của anh với lý do quá hạn hợp đồng. Không chấp nhận cách hành xử này, anh đưa hợp đồng repo đã ký với Công ty ra, thì có hẳn một điều khoản quy định mọi thông báo từ phía Công ty phải được gửi bằng văn bản đến NĐT. Sau nhiều lần cam kết sẽ đền bù thiệt hại, NĐT vẫn… chờ đợi.

Nhìn vào các hợp đồng repo đang được sử dụng hiện nay có thể thấy, NĐT bị "trói" trách nhiệm rất nặng nề như: trả phí thu xếp tài chính khi ký hợp đồng, lãi suất repo, lãi suất phí vay quá hạn, mua lại chứng khoán khi giảm giá mạnh…

Do thường thua thiệt khi xảy ra tranh chấp hợp đồng repo, nên NĐT, nhất là NĐT nhỏ lẻ đang mong đợi Thông tư hướng dẫn giao dịch mua - bán lại chứng khoán của CTCK được ban hành càng sớm càng tốt. Theo NĐT Nguyễn Gia Cương, anh cũng như nhiều NĐT khác trông chờ văn bản pháp lý này, bởi với các quy định trong dự thảo lần 2 của Thông tư đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi có khá nhiều quy định mang tính định lượng ràng buộc trách nhiệm của CTCK. Chẳng hạn, tổng giá trị mua chứng khoán của CTCK trong các giao dịch repo đối với một khách hàng cá nhân không được vượt quá 1% vốn chủ sở hữu CTCK và không quá 5 tỷ đồng; đối với khách hàng là tổ chức không vượt quá 3% và 20 tỷ đồng. Đặc biệt, nếu CTCK không thực hiện nghĩa vụ bán lại chứng khoán cho khách hàng theo đúng thời hạn hợp đồng, CTCK phải đền bù toàn bộ thiệt hại cho khách hàng theo yêu cầu của khách hàng đã được thỏa thuận trong hợp đồng. Ngoài việc phải báo cáo UBCK về giao dịch repo định kỳ hàng tháng, CTCK còn phải báo cáo theo yêu cầu của UBCK...

Tuy nhiên, theo NĐT Nguyễn Ngọc Tân, trong dự thảo Thông tư không có quy định về mức phí thu xếp tài chính khi ký hợp đồng, lãi suất repo, lãi suất phí vay quá hạn…, trong khi trên thực tế đây là những vấn đề CTCK thường "xử ép" NĐT. Bởi vậy, Thông tư cần bổ sung quy định về các nội dung này để tránh tình trạng mỗi CTCK làm một kiểu như hiện nay.

Trao đổi với ĐTCK, Phó chủ tịch UBCK Nguyễn Đoan Hùng cho biết, việc xây dựng Thông tư là nhằm xử lý những tranh chấp phức tạp xảy ra trong giao dịch repo trên TTCK hiện nay; phòng ngừa, giảm thiểu các rủi ro phát sinh trong giao dịch. Để Thông tư sớm được ban hành, UBCK đang chuẩn bị bản dự thảo mới nhất, trình Bộ Tài chính xem xét, thông qua.

Hữu Hòe
Hữu Hòe

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,205.61 28.21 2.34% 198,469 tỷ
HNX 227.87 5.24 2.3% 1,609 tỷ
UPCOM 88.37 0.86 0.98% 414 tỷ