Repo, ký quỹ: Sắp có khung pháp lý

(ĐTCK) UBCK vừa hoàn tất dự thảo quy định về giao dịch ký quỹ (margin trading), dịch vụ cầm cố cổ phiếu (repo), dự kiến sẽ sớm triển khai trong thời gian tới. Theo lộ trình, ban đầu, các CTCK chỉ được áp dụng đối với trái phiếu, sau đó sẽ lựa chọn và áp dụng đối với một số mã cổ phiếu.

Các chuyên gia chứng khoán cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để các CTCK triển khai và đẩy mạnh trở lại nghiệp vụ repo, nghiệp vụ margin trading. Đặc biệt, vào thời điểm này, nhiều NĐT thấy thị trường đã khá hấp dẫn, giá nhiều cổ phiếu đã xuống mức thấp, nhưng không đủ tiền mua, nếu được hỗ trợ vốn sẽ khuyến khích một lượng cầu lớn.

Ông Phan Quốc Huỳnh, Giám đốc CTCK Ngân hàng Công thương (VietinbankSC) nhận định, đối với CTCK, nếu được triển khai công cụ mới, có chuẩn mực về pháp lý, thì thực sự rất tốt để cải thiện tính thanh khoản cho thị trường, một phần tạo công cụ linh hoạt cho NĐT, tạo nguồn thu cho CTCK, nhất là trong bối cảnh thị trường khó khăn như hiện nay.

Trên thực tế, trong thời gian qua, nhiều CTCK vẫn "âm thầm" thực hiện nghiệp vụ repo để hỗ trợ NĐT, đặc biệt đối với khối CTCK có sự "hậu thuẫn" của ngân hàng mẹ. Bà Lê Thị Mai Linh, Phó chủ tịch HĐQT CTCK Seabank cho biết, hiện tại Công ty vẫn đang áp dụng nghiệp vụ repo nhằm hỗ trợ NĐT, tuy nhiên chỉ dừng lại đối với một số mã chứng khoán nhất định và giá trị hợp đồng không quá lớn, tỷ lệ cầm cố thấp.

Đại diện CTCK Sacombank (SBS) cũng cho biết, SBS đang triển khai nghiệp vụ repo bình thường. Thực tế, dù chưa có khung pháp lý và thông báo cho phép các CTCK tái triển khai nghiệp vụ repo, nhưng UBCK cũng không có động thái phản đối trước sự chuẩn bị của các CTCK để triển khai nghiệp vụ này. Vấn đề là các CTCK phải xác định mức ký quỹ hợp lý cho từng đối tượng khách hàng, căn cứ vào các yếu tố như: uy tín, tình hình tài chính của khách hàng, loại cổ phiếu khách hàng dự định mua, tính thanh khoản của cổ phiếu, các yếu tố thị trường hiện tại…

Theo ông Trần Anh Khoa, NĐT tại CTCK Bảo Việt, hiện nay, các sản phẩm mà CTCK cung cấp cho NĐT chưa linh hoạt, nếu không muốn nói là quá nghèo nàn. "Đã xác định là đầu tư dài hạn, chúng tôi cần nhiều công cụ, đặc biệt là công cụ phái sinh để đảm bảo dòng vốn có thể quay vòng khi tham gia trên thị trường, đồng thời có thể đem lại lợi nhuận cao. Mua, bán chứng khoán không thể cứ mãi theo kiểu tiền trao - cháo múc, muốn thị trường phát triển thì cần tiến tới giao dịch quyền chọn cho NĐT", ông Khoa nói.

Thực tế trước đây, nhu cầu của khách hàng về loại sản phẩm này khá lớn, nhất là trong giai đoạn thị trường tăng trưởng. Tuy nhiên, thận trọng trước những rủi ro có thể xảy ra đối với các CTCK cũng như NĐT nên UBCK chưa cho phép áp dụng. Nhưng trong giai đoạn hiện nay, khi thị trường sụt giảm mạnh, giá cổ phiếu đang ở mức an toàn thì việc sớm ban hành khung pháp lý cho các CTCK triển khai nghiệp vụ này là thực sự cần thiết để cải thiện tính thanh khoản cho thị trường, phù hợp nguyện vọng của các thành viên tham gia.   

Hải Vân
Hải Vân

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ