Quy chế thành viên sở giao dịch chứng khoán: 3 vướng mắc

Theo tin từ ngành chứng khoán cho biết thời điểm chính thức công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển đổi Trung tâm Giao dịch Chứng khoán thành Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK) TPHCM là 8-8-2007. Đây là một sự kiện quan trọng của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam được đông đảo giới đầu tư quan tâm và cũng đặt ra một số vấn đề cần thiết.
Nhà đầu tư theo dõi giá cổ phiếu tại Công ty Chứng khoán Rồng Việt Nhà đầu tư theo dõi giá cổ phiếu tại Công ty Chứng khoán Rồng Việt

Có nên giới hạn số thành viên?

 

Một trong những điểm đáng chú ý là SGDCK TPHCM có quyền quy định số thành viên tối đa. Có quan chức SGDCK nêu lý do thông lệ quốc tế “SGDCK New York cũng chỉ công nhận tư cách thành viên cho 1.336 công ty chứng khoán (CTCK) trong số hàng chục ngàn CTCK tại Mỹ”.

 

Tuy nhiên, cũng phải tìm hiểu xem những CTCK không là thành viên của Sở New York thì họ giao dịch cho khách hàng như thế nào. Ở Mỹ,  để chống độc quyền, các chứng khoán có thể giao dịch cùng lúc ở nhiều sở khác nhau. Các CTCK có thể mở tài khoản ở các CTCK khác để thực hiện lệnh cho khách hàng của mình, hoặc bất cứ ai có nhu cầu  có thể mua ghế thành viên tạm thời của Sở New York thời hạn 1 năm để giao dịch trực tiếp.

 

Còn ở ta, chưa có quy chế cho các CTCK đặt lệnh thông qua CTCK khác.  SGDCK TPHCM theo hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn chỉ vừa mới được thành lập, trước vốn dĩ là một đơn vị sự nghiệp  trực thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Cho nên SGDCK còn thừa hưởng nhiều độc quyền. Cả nước chỉ có 2 nơi tổ chức giao dịch chứng khoán. Một chứng khoán đã niêm yết ở SGDCK thì không được giao dịch ở nơi khác.  Nay nếu SGDCK từ chối các CTCK đủ tiêu chuẩn thì sẽ gây ra tình trạng mâu thuẩn giữa các văn bản của SGDCK và của UBCKNN về quản lý CTCK.

 

Hiện số tài khoản của các nhà đâù tư đang tăng với mức dự kiến 100% mỗi năm, năm sau gấp đôi năm trước. Tất cả các thành phần của TTCK từ UBCKNN, các CTCK, đến các nơi đào tạo chứng khoán,… đều đang phải cố gắng hết mức để đáp ứng nhu cầu này của ngưòi dân. Không lẽ SGDCK TPHCM lại đứng ngoài cuộc, không đáp ứng được nhu cầu đó mà để cho chính mình trở thành cái nút cổ chai của sự phát triển?

 

Phải nhất thiết có nghiệp vụ tự doanh?

 

Một quy định làm thành viên nữa là ngoài nghiệp vụ môi giới, CTCK còn phải có nghiệp vụ tự doanh. Điều này thật là khó hiểu vì đây là hai hoạt động có thể gây xung đột lợi ích giữa CTCK và khách hàng. Các nhà đầu tư đang có ý kiến hạn chế nghiệp vụ tự doanh, một số nước từng có quy định CTCK làm môi giới thì không được làm tự doanh hoặc ngược lại. Trong “Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2010”,  UBCKNN cũng có mục tiêu phát triển các CTCK theo mô hình chuyên doanh, chỉ làm một nghiệp vụ.

 

Theo tìm hiểu của phóng viên thì có trả lời rằng cần nghiệp vụ này để sửa lỗi giao dịch. Nếu quả đúng như vậy thì  chỉ cần sửa đổi quy định cũ chứ không nên thêm quy định mới đi ngược lại xu hướng như thế.

 

Quy định pháp lý còn mâu thuẫn

 

Việc CTCK không làm thành viên của một SGDCK là chuyện thường và nhiều lúc đây là lựa chọn khôn ngoan. Ví dụ như Công ty chứng khoán Merrill Lynch muốn giao dịch mua cổ phiếu Việt Nam cho khách hàng của họ thì họ thông qua tài khoản tại một CTCK của nước ta là thành viên của SGDCK. Tuy nhiên các CTCK ở ta thì lại chưa có quy định để mở tài khoản ở lẫn nhau như thế.

 

Hơn nữa ngay cả khách hàng hiện nay cũng chỉ được phép mở tài khoản ở một CTCK. Do đó họ không thể mở 1 tài khoản ở một CTCK không là thành viên của SGDCK để giao dịch cổ phiếu ở sàn Hà Nội hay OTC  và mở 1 tài khoản ở CTCK khác để giao dịch chứng khoán ở sàn TPHCM được. Việc từ chối thành viên có khác gì làm khó cho khách hàng, còn việc đề nghị CTCK không là thành viên đóng hết tài khoản của khách hàng thì trái với quy định quản lý CTCK của UBCKNN.

 

Tóm lại, cần phải thận trọng trong quy định về thành viên SGDCK trong tình hình TTCK hiện nay. Việc hạn chế và từ chối các CTCK đủ tiêu chuẩn chưa nên làm nếu không có quy chế cho phép CTCK giao dịch thông qua thành viên khác. Việc xây dựng quy chế này cũng là điều cần thiết để hòa nhập với thế giới. SGDCK cũng nên tận dụng sự đóng góp của càng nhiều thành viên càng tốt để nâng cấp cơ sở vật chất. Xã hội sẵn sàng huy động hàng ngàn tỷ đồng để thành lập hơn 50 CTCK mới, thì SGDCK không thể kêu thiếu vài tỷ đồng để  không đáp ứng được nhu cầu cơ sở vật chất. Những điều kiện làm thành viên chỉ nên có hai loại chính là cơ sở vật chất phục vụ giao dịch và đóng góp tài chính dạng “cứng”  theo phí thành viên ban đầu và phí hàng năm, và có thể thêm một phần nhỏ phí “mềm” tính theo doanh số giao dịch. Như vậy các CTCK sẽ phải tự tính, chỉ  những CTCK nào có quy mô giao dịch lớn thì sẽ đăng ký làm thành viên, còn những công ty nào quy mô giao dịch còn nhỏ có thể tự nguyện chọn cách giao dịch thông qua thành viên khác để tiết kiệm chi phí.


SGGP

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ