Quản lý sàn vàng: Thu hẹp hay mở rộng?

(ĐTCK-online) Số lượng sàn vàng tham gia thị trường ngày một tăng, nhưng không được quản lý chặt chẽ sẽ gây bất lợi cho nhà đầu tư.

Dự thảo Thông tư quy định về việc kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước chỉ cho ngân hàng thương mại cung ứng dịch vụ này và không được phép thành lập công ty con, công ty liên kết hoặc góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp khác để cung ứng dịch vụ mua - bán vàng trên tài khoản trong nước đã gây ra nhiều tranh cãi trong thời gian qua. Nếu Thông tư được ban hành, hoạt động của các sàn vàng sẽ thu hẹp so với số lượng trên 20 sàn hiện nay.

Theo đánh giá của ông Bùi Việt Cường, Giám đốc tư vấn và phân tích, CTCP Đầu tư Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) thì đây là việc làm đúng, đặc biệt là đối với những sàn giao dịch vàng sử dụng tài khoản tổng (một hình thức chiếm dụng vốn của nhà đầu tư) và không ai biết họ sử dụng vào mục đích gì? Có đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư một khi họ thắng và sàn vàng (nhà cái) thua?

Ông Cường cho rằng, việc sử dụng tài khoản tổng và không tự tính lãi cho vay (dù dưới bất kỳ hình thức nào) sẽ làm méo mó hoạt động kinh doanh vàng, khi chi phí vốn không phản ánh đúng thực chất cung - cầu tiền tệ. Tuy nhiên, ông Cường thừa nhận, bên cạnh đó cũng có một số tiêu cực nhất định nếu chỉ cho phép ngân hàng thương mại cung ứng dịch vụ kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước. Điều đó đưa tới sự độc quyền và chèn ép nhà đầu tư, bởi chưa có thông lệ nào để ngân hàng thanh khoản (clearing banks) cho sàn vàng.

Đồng thời, ngân hàng thương mại cũng là người đặt ra chế tài các thành viên khác tham gia giao dịch với dịch vụ cung ứng độc quyền. Do đó, theo VGB, Ngân hàng Nhà nước phải có định khung chuẩn về trung tâm thanh toán ở bất kỳ sàn giao dịch vàng, hàng hóa nào. Bởi qua trung tâm thanh toán thì mọi khuyết tật hiện nay của sàn vàng (mở tài khoản tổng, chiếm dụng vốn của nhà đầu tư, rủi ro thanh toán rất cao một khi nhà cái thua lỗ…) chắc chắn sẽ được hạn chế. Vì vậy, VGB cho rằng, cần có một trung tâm thanh toán theo Nghị định 158/2006/NĐ-CP về sở giao dịch hàng hóa cho phép Ngân hàng Nhà nước chế tài được các hành vi vi phạm nêu trên, mà không cần có thêm văn bản hướng dẫn.

Trao đổi với ĐTCK, bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) rằng, thị trường có nhiều sàn giao dịch vàng sẽ đem lại tiện ích cho nhà đầu tư cũng như gia tăng cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. Tuy nhiên, theo bà Cúc, số lượng trung tâm giao dịch vàng đang hoạt động trên thị trường hiện nay là quá nhiều. Mặt khác, số lượng sàn vàng tham gia thị trường ngày một gia tăng, nhưng không được quản lý chặt chẽ sẽ gây bất lợi cho nhà đầu tư trong kinh doanh vàng.

Theo nhận định của một cán bộ cấp cao trong ngành vàng, dự thảo Thông tư trên còn khá nhiều quy định chưa phù hợp, can thiệp quá sâu và quá chi tiết vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông này thừa nhận, việc đưa ra các quy định nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống tín dụng, hạn chế rủi ro với nhà đầu tư và tăng tính minh bạch của hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản trong nước là cần thiết.

Nhiều nội dung trong dự thảo Thông tư còn bất cập và nếu được thông qua sẽ tác động không tích cực đến kênh đầu tư vàng, đang được coi là hấp dẫn nhà đầu tư. Trong nội dung công văn góp ý dự thảo Thông tư quản lý sàn vàng của Bộ Tư pháp cũng cho rằng, quy định chỉ có ngân hàng thương mại mới được cung ứng dịch vụ kinh doanh vàng vi phạm quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp vì Điều 7, Luật Doanh nghiệp quy định, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có quyền kinh doanh ngành nghề mà pháp luật không cấm và vàng không thuộc vào hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh hoặc hạn chế kinh doanh.

Vân Linh
Vân Linh

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ