Phiên sáng 18/9: Sóng dầu khí qua nhanh, VN-Index chưa thể cán mốc 1.000 điểm

(ĐTCK) Cùng với việc giá dầu thô thế giới quay đầu giảm mạnh, nhóm cổ phiếu dầu khí cũng đã đảo chiều giảm theo trong phiên giao dịch sáng nay (18/9).
Ảnh Shuttestock Ảnh Shuttestock

Các vụ tấn công vào nhà máy sản xuất dầu của Ả Rập Xê út cuối tuần qua đã khiến thị trường dầu thô chao đảo. Giá dầu thô tăng vọt gần 20% khi mở cửa phiên giao dịch đầu tuần mới, dù sau đó hạ nhiệt, nhưng vẫn có mức tăng hơn 12% khi đóng cửa phiên, mức tăng mạnh nhất lịch sử.

Việc giá dầu thô tăng vọt đã kéo nhóm cổ phiếu năng lượng toàn cầu, trong đó có nhóm cổ phiếu dầu khí trên thị trường chứng khoán Việt Nam tăng theo.

Tuy nhiên, đà tăng này nhanh chóng bị chặn lại khi giá dầu thô trong phiên thứ Ba (17/9) đã quay đầu giảm hơn 6% sau khi Ả Rập Xê út cho biết, sẽ khôi phục lại hoạt động sản xuất vào cuối tháng 9 này, thay vì phải mất vài tháng như dự đoán của giới phân tích.

Việc giá dầu thô đảo chiều giảm mạnh đã kéo nhóm cổ phiếu năng lượng trên thị trường chứng khoán quốc tế quay đầu giảm theo và nhóm dầu khí trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.

Áp lực chốt lời nhanh tại nhóm dầu khí đã nhen nhóm trong phiên hôm qua, khiến một số đã quay đầu điều chỉnh sớm và càng gia tăng hơn trong phiên giao dịch sáng nay, khiến các mã dầu khí lớn như GAS, PLX, PVD chìm trong sắc đỏ.

Đà giảm của nhóm cổ phiếu dầu khí khiến thị trường gặp chút áp lực khi mở cửa phiên giao dịch sáng nay khi cả 2 chỉ số chính đều mở cửa trong sắc đỏ.

Tuy nhiên, các chỉ số nhanh chóng trở lại đà tăng khi còn nhiều mã trụ khác tăng giá, hỗ trợ thị trường, có thể kể đến nhóm ngân hàng, MSN, VRE, HPG… Dù vậy, VN-Index chưa thể bứt lên để chinh phục ngưỡng 1.000 điểm khi sự thận trọng vẫn đang được nhà đầu tư ưu tiên trong bối cảnh thị trường hiện nay.

VN-Index sau đó chỉ lình xình quanh tham chiếu trước khi đóng cửa giảm nhẹ, trong khi HNX-Index may mắn có được sắc xanh nhạt.

Cụ thể, chốt phiên sáng, VN-Index giảm 1 điểm (-0,10%), xuống 995,74 điểm với 132 mã tăng và 152 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 102,5 triệu đơn vị, giá trị 2.140,6 tỷ đồng, tương đương với phiên giao dịch sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 28,47 triệu đơn vị, giá trị 617 tỷ đồng.

HNX-Index lại tăng nhẹ 0,01 điểm (+0,01%), lên 102,24 điểm với 49 mã tăng và 48 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 14,84 triệu đơn vị, giá trị 195 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,87 triệu đơn vị, giá trị 50,36 tỷ đồng.

Như đã đề cập ở trên, nhóm cổ phiếu dầu khi hôm nay bị chốt nên đồng loạt quay đầu giảm khá mạnh. Trong đó, GAS giảm 2,06% xuống 104.700 đồng, PLX giảm 1,6% xuống 61.500 đồng, PVD giảm 1,08% xuống 18.300 đồng.

Thị trường lúc đầu còn nhận được sự hỗ trợ tốt của nhóm ngân hàng cùng VRE, MSN, HPG, nhưng đà tăng của nhóm ngân hàng cũng bị hãm lại, chỉ còn khiêm tốn, ngoại trừ CTG tăng 1,2% lên 21.000 đồng, MBB tăng 1,39% lên 21.900 đồng, VPB tăng 1,21% lên 20.850 đồng, còn lại dưới 0,5%, thậm chí HDB, TPB, EIB giảm giá.

Ngoài ra, VRE cũng quay đầu giảm giá, cùng với 2 “người anh” VIC và VHM gây sức ép cho VN-Index, dù mức giảm không lớn, chỉ dưới 0,5%. Còn MSN và HPG cũng hạ thấp độ cao, chỉ còn tăng dưới 0,5%.

Trong nhóm này, MBB có thanh khoản tốt nhất với 5,5 triệu đơn vị, tiếp đến là CTG với 3,77 triệu đơn vị, HPG với 2,5 triệu đơn vị, trong đó khối ngoại mua ròng gần 0,7 triệu đơn vị.

Cổ phiếu FTM sau khi nhận được lực cầu bắt đáy thử vận may của một số nhà đầu tư hôm qua đã không tạo được hiệu ứng để đảo ngược xu thế. Mã này tiếp tục có phiên giảm sàn thứ 23 liên tiếp và tiếp tục bị bán tháo mạnh trong phiên sáng nay.

Sau khi thử vận may phiên hôm qua, nhưng thấy lực cung bán tháo quá mạnh, nhà đầu tư đã rụt tay trong phiên hôm nay, chỉ còn một số lệch mua vào nhỏ giọt dường như để cân bằng giá. Hiện FTM giảm sàn xuống 4.270 đồng với chỉ 33.550 đơn vị được khớp và còn dư bán giá sàn tới hơn 7,5 triệu đơn vị.

Trong khi đó, các mã thị trường đáng chú ý là FLC, SCR, ASM, HAG, KBC… đều có sắc xanh, trong đó SCR thậm chí có lúc đã có sắc tím.

YEG cũng có sắc tím 64.300 đồng sau chuỗi phiên “trả lái” trước đó, nhưng thanh khoản thấp, chỉ 31.050 đơn vị được khớp.

Trên HNX, may mắn nhờ ACB có mức tăng tối thiểu 1 bước giá lên 22.400 đồng mới giúp HNX-Index giữ được sắc xanh với thanh khoản đạt hơn 1 triệu đơn vị - là một trong 3 mã trên HNX có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị của sàn HNX hôm nay. Trong khi PVS giống “họ hàng” của mình cũng quay đầu giảm 0,97% xuống 20.500 đồng với 1,17 triệu đơn vị được khớp, dẫn đầu sàn HNX.

Đứng giữ PVS và ACB về thanh khoản là CEO với 1,14 triệu đơn vị và đóng cửa ở mức tham chiếu 10.200 đồng.

Các mã đáng chú ý khác là VCS, PVI, NVB giảm giá, trong khi SHB, VCG đứng giá tham chiếu.

Trên UPCoM, chỉ số chính của sàn này lại có sắc xanh ngay khi mở cửa và duy trì đà tăng suốt phiên sáng.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,13 điểm (+0,22%), lên 56,53 điểm với 68 mã tăng và 50 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 20 triệu đơn vị, giá trị 393 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 11,35 triệu đơn vị, giá trị 273,64 tỷ đồng.

Phiên sáng nay BSR giao dịch bùng nổ khi khớp 5,54 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 8,6% lên 10.100 đồng, nhưng khối ngoại tranh thủ bán ròng khá lớn, hơn 1 triệu đơn vị.

Các mã khác có thanh khoản thấp, dưới 250.000 đơn vị, trong đó GVR, OIL, MSR, CTR, VEA, ACV, SDI, MCH, DVN có sắc xanh, còn VIB lại đóng cửa trong sắc đỏ, 2 cổ phiếu họ Viettel là VGI và VGT đứng giá tham chiếu cùng với VBB.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ