Phiên sáng 17/9: Nhà đầu tư thận trọng, VN-Index "mắc kẹt" ở ngưỡng 990 điểm

(ĐTCK) Nhà đầu tư thận trọng khiến thị trường giằng co nhẹ trong phiên sáng nay, VN-Index chưa thế bứt ra khỏi ngưỡng 990 điểm.
Phiên sáng 17/9: Nhà đầu tư thận trọng, VN-Index "mắc kẹt" ở ngưỡng 990 điểm

Sau những phiên điều chỉnh đầu tháng 9, thị trường đã hồi phục và liên tiếp ghi điểm trong 6 phiên, giúp chỉ số VN-Index vượt thành công mốc 990 điểm.

Bên cạnh chỉ số chung khởi sắc, thị trường còn có những diễn biến tích cực như thị trường tài chính quốc tế đang ổn định trở lại khi đồng USD tiếp tục suy yếu, các thị trường chứng khoán hồi phục và đặc biệt là giao dịch nhà đầu tư nước ngoài đã trở lại trạng thái mua ròng, sẽ hỗ trợ tác động tốt tới tâm lý chung của thị trường.

Cụ thể, sau khi xác lập tháng bán ròng kỷ lục hơn 2.696 tỷ đồng trong tháng 7, khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 1.613 tỷ đồng trong tháng 8 và kéo dài sang những phiên đầu tiên của tháng 9. Tuy nhiên, trong tuần giao dịch vừa qua, khối này đã quay ra mua ròng khá mạnh với tổng giá trị đạt gần 900 tỷ đồng.

Theo bà Nguyễn Ngọc Lan, Giám đốc Môi giới CTCK Agriseco, thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục tiến tới vùng 1.000 điểm trong ngắn hạn, nhưng nhà đầu tư cũng cần chú ý tới các hoạt động cơ cấu ETF trong thời gian tới, điều này tạm thời có thể gây cản trở cho thị trường trong ngắn hạn.

Bước vào phiên giao dịch sáng đầu tuần 17/9, dòng tiền giao dịch thận trọng khiến thị trường khá ảm đạm. Áp lực bán ở nhóm cổ phiếu bluechip khiến nhiều mã quay đầu giảm, đã tác động thiếu tích cực lên chỉ số chung của thị trường.

Chỉ số VN-Index mở cửa trong sắc đỏ và dần lùi về dưới mốc 990 điểm do gánh nặng chính đến từ nhóm VN30. Tuy nhiên, ngay khi chạm ngưỡng kháng cự trên, thị trường đã bật ngược và hồi phục nhờ lực cầu hấp thụ gia tăng.

Dù sắc xanh đã quay trở lại nhưng áp lực bán vẫn chiếm áp đảo, trong đó nhóm cổ phiếu VN30 vẫn tiếp tục tạo sức ép lên thị trường khiến đà tăng không mấy bền vững, chỉ số VN-Index chỉ lình xình trên mốc tham chiếu.

Sau hơn 1 giờ giao dịch, trong nhóm VN30 có tới 20 mã giảm và chỉ 8 mã tăng. Trong đó, các cổ phiếu lớn trong nhóm ngân hàng như VCB, CTG, MBB; cổ phiếu bất động sản VIC, VRE, CTD hay các mã lớn khác như MSN, VJC đều giao dịch trong sắc đó.

Trái lại, trụ cột VNM tiếp tục đón nhận lực cầu nội và ngoại khá tốt, đã tăng 1,7% lên mức 135.300 đồng/CP, là điểm tựa hỗ trợ giúp thị trường có những nhịp hồi.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu dầu khí cũng là những điểm sáng trong phiên sáng đầu tuần khi các mã như GAS, PLX, PVD, PXS đều khởi sắc.

Sau khoảng hơn 1 giờ giao dịch, thị trường một lần nữa bị nhấn chìm trong sắc đỏ, chỉ số VN-Index rơi xuống dưới mốc 990 điểm. Tuy nhiên, cặp đôi lớn VNM và GAS đã làm tốt vai trò nâng đỡ, giúp thị trường chốt phiên trong sắc xanh nhạt.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 103 mã tăng và 164 mã giảm, VN-Index tăng nhẹ 0,79 điểm (+0,08%), lên 992,13 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 90,35 triệu đơn vị, giá trị 1.992,5 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,11% về lượng và 7,49% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 8,2 triệu đơn vị, giá trị 218,84 tỷ đồng. Trong đó, riêng ROS thỏa thuận 2 triệu đơn vị, giá trị 82 tỷ đồng; VND thỏa thuận 2 triệu đơn vị, giá trị 43 tỷ đồng.

Tương tự, áp lực bán cũng gia tăng khiến sàn HNX chìm trong sắc đỏ. Chốt phiên, sàn HNX có 53 mã tăng và 58 mã giảm, HNX-Index giảm 0,22 điểm (+0,8%), lên 113,57 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 28,32 triệu đơn vị, giá trị 368,25 tỷ đồng, tăng 19% về lượng và tăng nhẹ hơn 1% về giá trị so với phiên xuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,35 triệu đơn vị, giá trị 6,88 tỷ đồng.

Trước áp lực bán gia tăng mạnh khiến sắc đỏ bao trùm trên diện rộng, hàng trăm mã lớn bé quay đầu giảm sâu thì “ông lớn” VNM lại đi ngược thị trường khi tiếp tục nới rộng biên độ tăng về cuối phiên. Với mức tăng 2,2%, cổ phiếu VNM chốt phiên tại mức giá cao nhất 135.900 đồng/CP và đã chuyển nhượng hơn 0,7 triệu đơn vị, đóng góp chính giúp chỉ số chung của thị trường hồi phục.

Bên cạnh đó, GAS cũng duy trì đà tăng tích cực với biên độ tăng 1,3% lên 109.400 đồng/CP, còn “người anh em” PLX đã hạ độ cao khi chỉ còn tăng nhẹ 0,6% lên 71.000 đồng/CP.

Một số mã khác trong nhóm VN30 cũng có được sắc xanh khi chốt phiên như SAB tăng 0,5% lên 224.000 đồng/CP, HSG tăng 2,3% lên 11.350 đồng/CP, VPB tăng 1% lên 24.600 đồng/CP, ROS nhích nhẹ 5 đồng lên 40.050 đồng/CP, BMP tăng 0,2% lên 58.400 đồng/Cp, DHG tăng 1% lên 93.400 đồng/CP.

Ngoại trừ 9 mã tăng ở trên, trong nhóm VN30 có tới 19 mã giảm. Trong đó, dòng bank tạo gánh nặng cho thị trường như VCB giảm 0,6% xuống 63.600 đồng/CP, CTG giảm 0,6% xuống 26.800 đồng/CP, BID giảm 0,1% xuống 34.800 đồng/CP, STB giảm 0,4% xuống 11.950 đồng/CP, MBB giảm 1,3% xuống 22.300 đồng/CP. Tuy nhiên, cổ phiếu nằm trong top 10 vốn hóa lớn trên sàn là TCB lại tăng khá tốt 4,2% lên 26.300 đồng/CP.

Thêm vào đó, VIC giảm 0,9% xuống 100.100 đồng/CP, MSN giảm 1,2% xuống 90.500 đồng/CP; VJC giảm 1% xuống 147.500 đồng/CP…

Sau khi bị quỹ VNM ETF loại khỏi rổ tính chỉ số, cổ phiếu KDC đã quay đầu giảm sau 4 phiên tăng nhẹ, với mức giảm 1,5% xuống 30.300 đồng/CP. Trong khi đó, “thành viên” thay thế là VHM chỉ nhích nhẹ 0,1% lên 105.600 đồng/CP.

Trái với giao dịch thiếu tích cực ở nhóm cổ phiếu lớn, dòng tiền hỗ trợ tích cực giúp nhiều mã vừa và nhỏ giao dịch khởi sắc. Trong đó, IDI tăng mạnh 3,63% lên 12.850 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất sàn đạt hơn 5 triệu đơn vị.

Các mã khác cũng có được đà tăng tốt như ASM, DXG, DLG, OGC, KBC, NLG…

Trên sàn HNX, cặp đôi lớn nhóm ngân hàng ACB và SHB cũng chốt phiên trong sắc đỏ với mức giảm tương ứng 0,6% xuống 33.500 đồng/CP và giảm 1,2% xuống 8.400 đồng/CP.

Cũng giống trên sàn HOSE, nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn là điểm sáng với những mã tăng khá tốt như PVS tăng 1,3% lên 22.900 đồng/CP, PVI tăng 0,3% lên 31.300 đồng/CP, PLC tăng 8,8% lên 18.600 đồng/CP… Trong đó, PVS có khối lượng khớp lệnh 4,16 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX.

Trên sàn UPCoM, giao dịch giằng co cũng diễn ra trong phiên sáng và áp lực đã đẩy chỉ số chung của thị trường lùi về dưới mốc tham chiếu khi chốt phiên.

Cụ thể, UpCoM-Index giảm 0,04 điểm (-0,07%), xuống 51,91 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 8,18 triệu đơn vị, giá trị 126,65 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4508.008 đơn vị, giá trị 9,23 tỷ đồng.

BSR vẫn là cổ phiếu giao dịch mạnh nhất sàn với khối lượng giao dịch hơn 2 triệu đơn vị và chốt phiên tại mức giá 17.800 đồng/CP, giảm 1,11%.

Đứng ở vị trí tiếp theo, POW tăng hơn 2% lên 15.100 đồng/CP và có khối lượng giao dịch 1,68 triệu đơn vị.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,177.4 -12.82 -1.09% 174,889 tỷ
HNX 222.63 -2.67 -1.2% 1,395 tỷ
UPCOM 87.51 -0.51 -0.59% 436 tỷ