Phiên chiều 5/9: Sức cầu yếu, VN-Index giảm điểm cuối phiên

(ĐTCK) Sắc xanh đã xuất hiện từ đầu phiên và duy trì trong phần lớn thời gian giao dịch. Tuy nhiên, VN-Index đã đảo chiều giảm điểm trong đợt khớp lệnh ATC, cũng là phiên giảm thứ 3 liên tục. Một trong những nguyên nhân khiến chỉ số giảm là do sức cầu yếu.
Phiên chiều 5/9: Sức cầu yếu, VN-Index giảm điểm cuối phiên

Không khó để nhận thấy, nhà đầu tư liên tục duy trì tâm lý thận trọng trong những phiên gần đây. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng chủ yếu vẫn do tác động từ các yếu tố bên ngoài như thương chiến Mỹ - Trung, động thái điều chỉnh lãi suất USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ... Sự dè dặt của bên nắm giữ tiền đã tác động tiêu cực đến sức cầu, cũng như động lực tăng của thị trường.

Phiên giao dịch hôm nay 9/5 cũng không ngoại lệ. Ngay khi mở cửa, VN-Index đã bật tăng. Tuy nhiên, lực cầu tỏ ra quá thận trọng nên VN-Index không thể bứt lên, mà lình xình trong suốt thời gian sau đó.

Trong bối cảnh sức cầu yếu, việc sức ép gia tăng tại đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa ATC dù không mạnh, nhưng cũng đủ để khiến VN-Index quay đầu giảm điểm, đi kèm với đó là sự sụt giảm mạnh của thanh khoản. Đây cũng là phiên giảm thứ 3 liên tiếp của chỉ số này.

Đóng cửa, với 130 mã tăng và 172 mã giảm, VN-Index giảm 0,84 điểm (-0,09%) về 976,79 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 159,54 triệu đơn vị, giá trị 3.136,9 tỷ đồng, nhích nhẹ 1% về khối lượng, nhưng giảm 17% về giá trị so với phiên 4/9. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp lớn với 45,7 triệu đơn vị, giá trị hơn 904 tỷ đồng, riêng ROS được thỏa thuận 18,5 triệu đơn vị, giá trị 462,5 tỷ đồng.

Nhìn chung, độ rộng thị trường phiên này khá cân bằng khi số mã giảm không áp đảo so với số mã giảm. Trong rổ VN30, khá nhiều mã giao dịch tích cực. Đơn cử, TCB thanh khoản tăng đột biến, đạt hơn 4,4 triệu đơn vị - mức cao nhất trong gần 6 tháng qua, tăng 2,3% lên 23.300 đồng.

ROS quay đầu tăng lên mức cao nhất ngày 27.100 đồng (+3%), khớp lệnh 12,61 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn. Bên cạnh giao dịch khớp lệnh, mã này liên tục được mua bán thỏa thuận mạnh những phiên gần đây. Hôm nay cũng là ngày bắt đầu giao dịch đăng ký bán 70 triệu cổ phiếu ROS của ông Trịnh Văn Quyết theo phương thức thỏa thuận.

Ở chiều ngược lại, các mã VNM, MWG, PNJ đồng loạt giảm trên 1%, là những mã gây sức ép nhiều nhất lên chỉ số.

Tại nhóm cổ phiếu thị trường, sự phân hóa mạnh cũng diễn ra, trong đó nhóm bất động sản, khu công nghiệp ghi nhận sự hồi phục sau 2 phiên liên tiếp giảm mạnh. Đơn cử, ITA khi tăng 1% lên 3.250 đồng và khớp xấp xi 7 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản trên HOSE. Đáng chú ý còn có một số mã đơn lẻ như YEG, FRT, TIP…

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index đã bất ngờ đảo chiều tăng điểm vào cuối phiên khi nhiều mã lớn kịp hồi phục hoặc thu hẹp đà giảm. Dẫu vậy, thanh khoản trên HNX cũng ghi nhận sự sụt giảm mạnh.

Đóng cửa, với 65 mã tăng và 52 mã giảm, HNX-Index tăng 0,02 điểm (+0,02%) lên 100,96 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 16,76 triệu đơn vị, giá trị 229 tỷ đồng, giảm 49% về khối lượng và 55% về giá trị so với phiên 4/9. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng hạn chế với 1,2 triệu đơn vị, giá trị 20,5 tỷ đồng.

Nhiều mã bluechips đã về được tham chiếu như ACB, PHP, DGC, VNR, NVB, SHS, TNG…, trong khi VCG, PVC, PVI, CEO… vẫn duy trì đà tăng tích cực, bên cạnh PVS, SHB, VCS, VGS… hạn chế tối đa đà giảm, đã hỗ trợ HNX đảo chiều cuối phiên. Trong đó, PVS và SHB là 2 mã thanh khoản tốt nhất sàn khi cùng khớp trên 1 triệu đơn vị.

Nhiều mã ghi nhận mức tăng hết biên độ như C69, ART, PVX, SPI, SPP…

Đáng chú ý, SPP hiện đang làm việc với PHI Group của Mỹ về việc bán 51% cổ phần. Nếu thương vụ thành công, SPP dự kiến thu về khoảng 50 triệu USD. Số tiền này được SPP bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và trả nợ ngân hàng. Được biết, SPP đang có khoản nợ quá hạn 644 tỷ đồng, thị giá giao dịch quanh mức 2.000 đồng/CP.

Trên sàn UPCoM, chỉ số sàn này chìm trong sắc đỏ kể từ nửa cuối phiên giao dịch sáng với mức độ giảm tăng dần về cuối phiên. Và cũng giống như 2 sàn niêm yết, thanh khoản trên UPCoM cũng sụt giảm mạnh ở phiên này.

Đóng cửa, với 83 mã tăng và 76 mã giảm, UPCoM-Index giảm 0,3 điểm (-0,52%) về 56,8 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 9,3 triệu đơn vị, giá trị 216 tỷ đồng, giảm khoảng 56% cả về khối lượng và giá trị so với phiên 4/9. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,15 triệu đơn vị, giá trị hơn 45 tỷ đồng.

Trong số 30 mã có thanh khoản tốt nhất sàn, số mã lớn tăng khá hạn chế với một số mã như GVR, MPC, VRG, SSN…, trong khi lượng mã không tăng khá áp đảo với BSR, OIL, VGI, QNS, VEA, CTR, LTG…

BSR dân đầu thanh khoản với 1,14 triệu đơn vị khớp lệnh, cũng là mã duy nhất trên UPCoM đạt mức thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, đóng của đứng giá 9.200 đồng.

Trên thị trường chứng khoán phái sinh, trong số 4 mã hợp đồng tương lai VN30, có 2 mã tăng là VN30F1910 và VN30F2003, 2 mã giảm là VN30F1909 và VN30F1912. Trong đó, mã có thanh khoản tốt nhất là VN30F1909 với 47.696 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 21.280 hợp đồng.

Trong khi đó, cả 4 mã phái sinh trái phiếu chính phủ đều không có giao dịch.

Trên thị trường chứng quyền, trong số 16 mã đang niêm yết, chỉ duy nhất 1 mã tăng là CHPG1906, 2 mã không có giao dịch, 1 mã đứng giá, còn lại là giảm điểm. Trong đó,  CHPG1901 có thanh khoản tốt nhất với 272.890 đơn vị và nằm trong nhóm giảm điểm.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,243.56 0.0 0.0% 0 tỷ
HNX 237.64 0.96 0.4% 118 tỷ
UPCOM 90.45 0.21 0.23% 17 tỷ