Phiên chiều 2/10: Cổ phiếu vốn hóa lớn gánh thị trường

(ĐTCK) Áp lực chốt lời ở vùng giá cao khiến VN-Index chịu sức ép lớn. Tuy nhiên, với sự hào hứng của dòng tiền, đặc biệt là sự "đồng tâm nhất trí" của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, VN-Index vẫn duy trì khá vững vàng sắc xanh với mức tăng gần 6 điểm.
Phiên chiều 2/10: Cổ phiếu vốn hóa lớn gánh thị trường

Trong phiên giao dịch sáng, VN-Index tăng ngay khi mở cửa nhờ lực đỡ của nhóm dầu khí sau thông tin giá dầu thế giới tiếp tục tăng cao. Tuy nhiên, đà tăng này nhanh chóng gặp thử thách trước áp lực bán ở vùng giá cao và có thời điểm VN-Index đã về sát tham chiếu. Lúc này, đến lượt nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vào cuộc. Nhóm cổ phiếu Vingroup và ngân hàng đồng loạt tăng mạnh, nhấc VN-Index leo thẳng lên vùng 1.020 điểm khi kết thúc phiên sáng.

Bước vào phiên chiều, việc thị trường tăng nóng trong phiên sáng, cộng thêm áp lực mạnh tại ngưỡng cản 1.020 điểm khiến VN-Index chịu sức ép lớn. Trước sức ép chốt lời trên diện rộng, sắc đỏ dần chiếm ưu thế trên bảng điện tử, thậm chí có thời điểm số mã giảm cao gấp đôi số mã tăng, trong đó hàng loạt mã bluechips giảm điểm. Dù vậy, với sự hào hứng của dòng tiền, đặc biệt là sự "đồng tâm nhất trí" của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, VN-Index vẫn duy trì khá vững vàng sắc xanh với mức gần 6 điểm.

Đóng cửa phiên 2/10, với 119 mã tăng và 180 mã giảm, VN-Index tăng 5,91 điểm (+0,58%) lên 1.018,79 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 358,39 triệu đơn vị, giá trị 17.315,25 tỷ đồng, tăng gần 45% về khối lượng và gần 3 lần về giá trị so với phiên 1/10.

Thanh khoản trên HOSE phiên này tăng đột biến chủ yếu do giao dịch thỏa thuận của gần 110 triệu cổ phiếu MSN giá trị hơn 10.000 tỷ đồng. Nếu loại trừ giao dịch này, thanh khoản của HOSE phiên này vẫn cao hơn so với phiên trước đó cả về số lượng và giá trị giao dịch. Điều này cho thấy, dòng tiền đang nhập cuộc rất mạnh mẽ.

Nhóm vốn hóa lớn là một trong những nhóm cổ phiếu hút mạnh dòng tiền phiên này. TOP 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất đều tăng, trong đó đóng góp tích cực nhất phải kể đến mã vốn hóa cao nhất thị trường VIC khi tăng 3,6% lên 102.000 đồng. VHM tăng 1% lên 104.000 đồng.

Ở nhóm ngân hàng, các mã BID, VCB, CTG, TCB, STB đều tăng, song BID "cầm cờ" với mức tăng 4,2% lên 36.200 đồng. Ở nhóm dầu khí, GAS tăng 1,6% lên 121.500 đồng. Hiện tại, GAS đang trên đường trở lại mức giá cao nhất kể từ khi niêm yết là cùng 130.000 đồng thiết lập hồi đầu tháng 4 năm nay.

Sự đồng thuận của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã giúp VN-Index giữ được đà tăng, trong bối cảnh đa phần các nhóm cổ phiếu khác giảm điểm.

Tại nhóm VN30, có tới 20 mã giảm so với 9 mã tăng, khiến VN30-Index quay đầu giảm điểm. Trong đó có nhiều mã đầu ngành như HPG (-2,6%), PVD (-3,2%), VJC (-2,4%), FPT (-1,5%), REE (-1,1%), PLX (-0,8%), PNJ (-0,5%), SSI (-0,5%)... Các mã MBB, VPB, HDB, NVL, KDC, GMD... cũng đều giảm điểm.

Về thanh khoản, HPG dẫn đầu sàn HOSE với 10,6 triệu đơn vị. STB khớp 9,28 triệu đơn vị. PVD và CTG cùng khớp trên 7 triệu đơn vị. BID khớp 5,1 triệu đơn vị. MSN ngoài thỏa thuận khủng còn khớp lệnh 2,3 triệu đơn vị.

Tại nhóm cổ phiếu thị trường, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế với DXG, FLC, HAG, LDG, HQC, ASM, SCR... Một vài mã tăng có QGC, GTN, OGC, HBC, HVG, DRH, TDH... Trong đó, DXG khớp 8,55 triệu đơn vị, QCG khớp 5,2 triệu đơn vị...

Trên HNX, sắc xanh có được trong phiên sáng đã không giữ được ở phiên chiều trước sức ép bán mạnh, thanh khoản tiếp tục cải thiện.

Đóng cửa, với 79 mã tăng và 76 mã giảm, HNX-Index giảm 0,52 điểm (-0,45%) về 115 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 58,88 triệu đơn vị, giá trị 874 tỷ đồng, tăng 4% về lượng và 15% về giá trị so với phiên 1/10. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp khiêm tốn với gần 8 tỷ đồng.

Sự phân hóa mạnh ở nhóm cổ phiếu dẫn dắt là một trong những nguyên nhân khiến HNX-Index không duy trì được đà tăng.

Trong khi PVC, PVS, PLC, PVI, VCG... tăng điểm, thì SHB, ACB, VGC, NDN, HUT... giảm điểm. PVS tăng 3% lên 24.000 đồng và khớp 11,39 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn. VCG tăng 0,5% lên 18.700 đồng và khớp 1,86 triệu đơn vị.

SHB giảm 1,1% về 8.900 đồng và khớp 10,14 triệu đơn vị. ACB giảm 1,2% về 33.300 đồng và khớp 5,2 triệu đơn vị. NVB cũng giảm 1,1% về 9.100 đồng và khớp 1,55 triệu đơn vị.

Một loạt mã thị giá nhỏ từ 1.000-3.500 đồng như PVX, VIG, DCS, SPI, HVA, SDD... tăng trần, trong đó PVX khớp 1,07  triệu đơn vị.

Trên sàn UPCoM, đà tăng gặp khá nhiều thử thách trước sự giằng co mạnh, nhưng kết phiên vẫn giữ được sắc xanh. Thanh khoản cũng ghi nhận sự đột biến nhờ giao dịch thỏa thuận.

Đóng cửa, với 75 mã tăng và 77 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,07 điểm (+0,13%) lên 54,21 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 73,62 triệu đơn vị, giá trị 1.332 tỷ đồng, cùng tăng hơn 3 lần so với phiên 1/10. Có sự đột biến này là nhờ thỏa thuận của 50,56 triệu cổ phiếu OIL, giá trị hơn 906 tỷ đồng.

Trong 6 mã khớp lệnh cao nhất sàn, tất cả đều không tăng. BSR khớp 5,26 triệu đơn vị, đứng giá 20.300 đồng. Tương tự là OIL giữ nguyên mức giá 17.200 đồng, khớp lệnh 1,5 triệu đơn vị.

POW, LPB và HVN cùng giảm điểm. POW -0,6% về 16.600 đồng, khớp lệnh 4,3 triệu đơn vị. LPB -1,9% về 10.600 đồng, khớp lệnh 1,88 triệu đơn vị. HVN -3,9% về 39.900 đồng, khớp lệnh 1,546 triệu đơn vị.

Nhiều mã lớn khác như VIB, VGI, VEA, DVN, KLB... cũng giảm điểm.

N.Tùng

Tin cùng chuyên mục