Phía sau việc bán cổ phần lô lớn - Kỳ 2: Mở đến đâu để không bị lạm dụng?

(ĐTCK) Xung quanh dự thảo Thông tư hướng dẫn bán cổ phần trọn lô mà Bộ Tài chính vừa công khai lấy ý kiến, có nhiều ý kiến đóng góp, trong đó, tập trung vào việc làm thế nào để cơ chế này không bị lạm dụng, phục vụ lợi ích nhóm và bán rẻ tài sản Nhà nước.
Nếu quy định tỷ lệ sở hữu cổ phần của DN quá cao mới được đấu giá trọn lô sẽ hạn chế nhiều NĐT tham gia Nếu quy định tỷ lệ sở hữu cổ phần của DN quá cao mới được đấu giá trọn lô sẽ hạn chế nhiều NĐT tham gia

Cần minh bạch

Đầu năm 2015, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) lên kế hoạch bán toàn bộ 51% cổ phần sở hữu tại CTCP Rau quả Tiền Giang.

Theo quy chế của Tổng công ty, người lao động, công đoàn Công ty (Ban lãnh đạo DN làm đại diện) được ưu tiên mua 70% số cổ phần trên với giá trúng thầu bình quân.

Để công bằng, 30% số cổ phần được bán đấu giá ra ngoài để xác định giá bán lô lớn cho Ban lãnh đạo DN. Trước khi tổ chức đấu giá, các NĐT đều phải nộp cọc 10%.

Sau khi xác định giá trị DN, giá khởi điểm cho đợt bán đấu giá cổ phần CTCP Rau quả Tiền Giang là xấp xỉ 20.000 đồng/cổ phần.

Phiên đấu giá có nhiều NĐT bên ngoài tham gia, kết quả giá trúng thầu bình quân gấp 6 lần giá khởi điểm. Thấy giá trúng thầu quá cao, Ban lãnh đạo CTCP Rau quả Tiền Giang đã có công văn đề nghị không mua số cổ phần đã đăng ký mua trước đó, đồng thời SCIC xem xét để họ không bị mất toàn bộ số tiền đặt cọc, tương đương với khoảng 600 triệu đồng.

Tuy nhiên, quy chế bán cổ phần đã được ban hành, không thể có những trường hợp ngoại lệ. Bởi vậy, SCIC đã ra công văn từ chối đề nghị nói trên của Ban lãnh đạo CTCP Rau quả Tiền Giang, đồng nghĩa với việc Ban lãnh đạo DN này mất số tiền cọc. Số cổ phần sau đó được chào bán cho các NĐT bên ngoài.

Câu chuyện trên cho thấy, dù bán cổ phần Nhà nước theo hình thức nào, việc đảm bảo tính công bằng và đem lại hiệu quả cao nhất luôn là vấn đề quan trọng. Như đã đề cập trong bài trước, bán cổ phần trọn lô đang được SCIC thực hiện theo hai phương thức: thỏa thuận và đấu giá.

Với các DN chưa niêm yết, phương thức thỏa thuận sẽ được Tổng công ty báo cáo trực tiếp, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ quyết định. Tuy nhiên thực tế, Tổng công ty hầu như không sử dụng phương thức này bởi một phần lo ngại khó có thể đảm bảo tính minh bạch.

Việc đấu giá công khai hoặc chào giá cạnh tranh giữa các NĐT cam kết mua cổ phiếu trọn lô là cách làm nhận được sự đồng thuận cao. Vấn đề đang có nhiều ý kiến trái chiều là quy mô đợt thoái vốn từ bao nhiêu có thể áp dụng phương thức bán cổ phần trọn lô, cơ quan nào được quyền quyết định áp dụng phương thức này và có nên ra điều kiện với các NĐT tham gia mua cổ phần trọn lô như yêu cầu về năng lực tài chính, khả năng trợ giúp kỹ thuật, quản trị DN họ sẽ bỏ vốn vào hay thời gian nắm giữ cổ phiếu tối thiểu…?

Và công bằng

Tổng giám đốc một CTCK đã có kinh nghiệm tổ chức bán cổ phần trọn lô cho một số công ty đại chúng cho biết, trước đây, trong lần soạn thảo đầu tiên, dự thảo của Bộ Tài chính đưa ra mức thoái vốn rất cao, từ 50% sở hữu cổ phần của DN mới áp dụng hình thức bán trọn lô. Theo vị tổng giám đốc này, để tỷ lệ quá cao như vậy sẽ hạn chế nhiều NĐT. Tỷ lệ nên áp dụng là từ 5% trở lên (mức được coi là cổ đông lớn của DN).

Tuy nhiên, ý kiến của lãnh đạo một DN niêm yết lại cho rằng, cần có tư duy thật thông thoáng và cho phép bán cổ phần trọn lô với cả những DN mà tỷ lệ thoái vốn của Nhà nước dưới 5%. Bởi tỷ lệ bán càng nhỏ, đấu giá xé lẻ càng khó bán.

Về cơ quan được quyền quyết định áp dụng hay không phương thức bán cổ phần trọn lô, các ý kiến trong cuộc đều cho rằng, nên trao cho đơn vị quản lý vốn Nhà nước tại DN. Cũng giống như bán một món hàng, chủ sở hữu mới biết được hàng của họ được quan tâm đến đâu và bán cách nào để đạt hiệu quả cao nhất.

Để đảm bảo yếu tố công bằng, cách bán được khuyến nghị nhiều nhất hiện nay là, với DN đang niêm yết, cho phép chủ sở hữu cổ phần bán thỏa thuận. Theo đó, nếu chỉ một NĐT tham gia đặt mua, đương nhiên họ được chấp thuận. Nếu có từ 2 NĐT trở  lên, sẽ áp dụng phương thức chào giá cạnh tranh, người được mua là người trả giá cao nhất.

Với trường hợp DN chưa niêm yết, nhất thiết cần tổ chức đấu giá giữa các NĐT. Nếu bán không ai mua, hay bán không hết thì mới tính đến phương thức bán thỏa thuận.

Liệu có nên áp dụng các điều kiện kỹ thuật kèm theo với NĐT tham gia mua cổ phần trọn lô? “Những DNNN xác định thoái vốn đa phần là DN Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối. Do đó cũng không nên hạn chế thời gian nắm giữ cổ phần cũng như đặt ra các điều kiện về tài chính hoặc hỗ trợ kỹ thuật với các NĐT.

Đây đơn giản là việc mua bán theo cơ chế thị trường, nhằm đạt được hiệu quả cao nhất cho Nhà nước trong việc thoái vốn. Nếu đặt ra nhiều điều kiện, sẽ khó thu hút nhiều NĐT tham gia”, vị tổng giám đốc CTCK trên góp ý.

Anh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,284.09 -6.09 -0.47% 232,038 tỷ
HNX 242.58 -1.33 -0.55% 1,769 tỷ
UPCOM 91.57 0.09 0.09% 657 tỷ