Nước ngoài cũng thích CP có P/E cao

Nước ngoài đang nắm giữ vốn lớn trong gần 30 công ty có hệ số P/E cao nhất trên thị trường.
Các nhà đầu tư tại sàn giao dịch Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (TPHCM). Các nhà đầu tư tại sàn giao dịch Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (TPHCM).

Trong khi một số chuyên gia tài chính nước ngoài lên tiếng “cảnh báo” rằng, giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam (VN-Index – sàn TPHCM) cao hơn nhiều nước trong khu vực, thì nhiều tổ chức nước ngoài lại đang tận dụng cơ hội để mua vào (?).

Họ thường lấy “cái thước” P/E (thị giá trên thu nhập) để làm trò “cảnh báo” giá cổ phiếu, mà không hề nhắc đến nhiều yếu tố rất quan trọng khác nằm trong giá như quan hệ cung - cầu, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, doanh số, quy mô phát triển của doanh nghiệp...

Giữ cổ phiếu những công ty có P/E tốp cao

Cho đến phiên giao dịch cuối tuần qua, trong tất cả cổ phiếu niêm yết trên sàn TP.HCM (HoSTC) khối nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đều đã tham gia mua. Trong đó, có trên 40 loại cổ phiếu nhà ĐTNN đang giữ với tỉ lệ từ 20% cho đến hết room (tỉ lệ tối đa cho phép nước ngoài sở hữu vốn trong doanh nghiệp Việt Nam, đối với ngân hàng là 30%, còn các ngành khác là 49%). Đặc biệt, trong số đó nước ngoài đang nắm giữ vốn với tỉ trọng lớn trong gần 30 công ty có hệ số P/E cao nhất, tức từ 20 - 120,72 (ở các nước trong khu vực hệ số P/E trung bình vào khoảng 17 - 18). Nhiều doanh nghiệp như: SAM, TDH, REE, GMD, STB, BMP... có hệ số P/E nằm tốp cao trên thị trường, nhưng nước ngoài đã nắm giữ hết room từ lâu, đến giờ vẫn chưa bán ra. Đây là những doanh nghiệp thuộc hàng blue-chips, có tỉ lệ lợi nhuận và tốc độ tăng trưởng hằng năm rất cao. Nhà ĐTNN tham gia sở hữu vốn trong những doanh nghiệp này hầu hết là những tổ chức tài chính lớn, có nhiều kinh nghiệm và trình độ đầu tư thâm sâu nên biết rõ phải đầu tư như thế nào để kiếm siêu lợi nhuận. Vì thế họ “bỏ ngoài tai” những trò “cảnh báo” để tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu này lâu dài.

Tạo cơ hội “vàng” cho nhà ĐTNN

Vì có nhiều kinh nghiệm nên nhà ĐTNN biết chờ đợi cơ hội để mua cổ phiếu với giá thấp nhất. Cơ hội thường đến mỗi khi có chính sách bất lợi cho nhà đầu tư nhỏ hoặc những cảnh báo vu vơ của ai đó làm cho một số nhà đầu tư mới hoang mang... Trong tuần qua, khi Chỉ thị 03 của Ngân hàng Nhà nước bắt đầu có hiệu lực, nhiều nhà đầu tư phải bán tháo cổ phiếu để lấy tiền trả nợ. Đó cũng là thời điểm Ngân hàng HSBC cảnh báo, VN-Index có thể sẽ xuống 900 điểm vào cuối năm (?). Bị o ép từ nhiều phía, hàng trăm nhà đầu tư nhỏ, lẻ, mới tham gia hoang mang, vội bán tháo cổ phiếu, làm cho hai ngày đầu tuần VN-Index giảm 47,38 điểm, tạo cơ hội “vàng” cho nhà ĐTNN mua cổ phiếu với giá rẻ.

Từ đầu tháng 7 đến nay, trong mỗi phiên giao dịch khớp lệnh khối ĐTNN mua vào thường chiếm hơn 34% giá trị toàn thị trường. Đặc biệt, ngày 5/7 thị trường giao dịch khớp lệnh đạt 589 tỉ đồng, trong đó nước ngoài chiếm gần 55%. Đó là chưa kể giao dịch thỏa thuận với giá trị rất lớn. Trong ngày 6/7, sau khi đã mua 155/380 tỉ đồng trong các đợt khớp lệnh (chiếm 40,8% thị trường), nước ngoài còn mua thỏa thuận thêm cổ phiếu FPT (có hệ số P/E lên tới 46,77) với giá trị 370 tỉ đồng.

Những cổ phiếu có hệ số P/E rất cao như: DHG, SJS, PVD (P/E tương ứng là: 41,55; 75,27 và 120,72) hiện đang được nhà ĐTNN săn lùng ráo riết. Do làm ăn hằng năm đạt siêu lợi nhuận, hoạt động trên những lĩnh vực “thời thượng”, nên mặc dù giá cổ phiếu trên thị trường có hệ số P/E khá cao, nhưng trước tiềm năng phát triển lớn của doanh nghiệp nên nhiều nhà ĐTNN vẫn ưa thích mua những loại cổ phiếu này. Ông William J. O’Neil, nhà nghiên cứu và đầu tư chứng khoán nổi tiếng ở Mỹ, nói: “Tỉ lệ gia tăng lợi nhuận trên mỗi đầu cổ phiếu quan trọng hơn nhiều so với hệ số P/E. Các loại cổ phiếu có tỉ lệ tăng lợi nhuận cao nhất thì hệ số P/E cũng tăng lên theo”.

 

Lợi nhuận tăng cao, nếu chậm tăng vốn thì P/E sẽ giảm nhanh

Nhiều doanh nghiệp như STB, PVD, DHG... năm nay sẽ đạt lợi nhuận tăng tối thiểu từ 70% - 200% so với năm ngoái. Khi thu nhập tăng lên gấp đôi mà vốn điều lệ vẫn giữ nguyên như năm cũ thì hệ số thu nhập trên mỗi cổ phiếu cũng tăng lên tương ứng. Điều đó có nghĩa là nếu nắm giữ cổ phiếu trung, dài hạn thì cứ sau một năm hệ số P/E sẽ giảm một nửa. Giả sử bây giờ mua cổ phiếu A với giá 200.000 đồng, P/E là 40, với tốc độ tăng lợi nhuận 100%/năm, nếu doanh nghiệp vẫn giữ nguyên mức vốn điều lệ thì sau một năm do thu nhập tăng lên gấp đôi nên P/E chỉ còn 20 và năm tiếp theo chỉ còn 10... Vì doanh nghiệp blue-chips thường có tốc độ tăng trưởng cực nhanh nên lúc này tuy mua giá cao nhưng trong 1 – 2 năm nữa nó sẽ trở nên quá rẻ. Nhà ĐTNN biết rõ điều đó nên dù thấy P/E của những doanh nghiệp blue-chips hiện tại khá cao nhưng họ cũng thích mua và nắm giữ lâu dài.


NLĐ

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,250.46 1.83 0.15% 233,085 tỷ
HNX 234.52 1.56 0.66% 2,523 tỷ
UPCOM 91.57 0.47 0.51% 880 tỷ