“Nóng, lạnh” ngành nhiệt điện và thủy điện

(ĐTCK) Trong khi các doanh nghiệp nhiệt điện hoạt động với công suất cao, ghi nhận kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng đầu năm tăng trưởng, thì khối doanh nghiệp thủy điện gặp khó khăn do bị ảnh hưởng bởi hiện tượng El Nino.
“Nóng, lạnh” ngành nhiệt điện và thủy điện

Nhiệt điện “ăn nên làm ra”

Các nhà máy nhiệt điện, đặc biệt là điện than được huy động hết công suất trong 9 tháng đầu năm 2019. Nhiều công ty vận hành liên tục, phát tối đa công suất các tổ máy, đồng thời kiểm soát tốt các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật, đảm bảo hiệu quả sản xuất - kinh doanh, nên ghi nhận lợi nhuận quý III cũng như 9 tháng đầu năm tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Chẳng hạn, trong quý III/2019, Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng (HND) đạt doanh thu 2.326 tỷ đồng, tăng 32% so với quý III/2018, chủ yếu là do sản lượng điện thực phát tăng 447,6 triệu kWh so với cùng kỳ; lợi nhuận đạt 92,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 148 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, HND đạt 8.080 tỷ đồng doanh thu, tăng 1.030 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 607,4 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần cùng kỳ năm ngoái và vượt gần 80% kế hoạch.

Với Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (PPC), 9 tháng đầu năm 2019, Công ty đạt doanh thu gần 5.909 tỷ đồng, tăng 12% so cùng kỳ năm 2018; lãi sau thuế hơn 776 tỷ đồng, giảm gần 12% so với cùng kỳ, nhưng vượt 21% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Theo Bộ Công thương, trong 9 tháng đầu năm 2019, ngành điện sản xuất, cung ứng và phân phối điện theo kế hoạch, vận hành hệ thống điện an toàn, linh hoạt, kịp thời, tăng trưởng 10,7%, trong khi mục tiêu là 10,23%.

Lợi nhuận vượt kế hoạch một phần là do PPC được hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh và tổn thất đầu tư hơn 49 tỷ đồng, nên chi phí tài chính trong 9 tháng đầu năm chỉ hơn 29 tỷ đồng, trong khi khoản mục này cùng kỳ năm ngoái là gần 167 tỷ đồng.

Tính riêng trong quý III/2019, PPC đạt doanh thu gần 1.959 tỷ đồng, tăng hơn 55% so cùng kỳ; lãi sau thuế gần 193 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ.

Với diễn biến hiện tại, ông Lê Thế Sơn, Kế toán trưởng PPC chia sẻ, Công ty ước tính sẽ lãi 150 tỷ đồng lợi nhuận trong quý IV/2019.

Trong báo cáo phân tích về PPC, Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS) cho rằng, với ảnh hưởng kéo dài của hiện tượng El Nino, dự kiến PPC sẽ được ưu tiên huy động và đóng góp 6,329 triệu kWh (bao gồm điện tự dùng), tăng 8,6%.

Theo KIS, năm 2020, giá trần thị trường điện ước tăng trên 16%, do Nhiệt điện Cà Mau 1 & 2 có lộ trình tham gia trực tiếp vào thị trường điện. PPC có cơ hội chào giá cao hơn trên thị trường, từ đó cải thiện biên lợi nhuận hoạt động và biên lợi nhuận gộp, lần lượt là 16% và 17%.

Bên cạnh đó, PPC có lợi thế từ thành công trong việc ký hợp đồng than dài hạn với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin). Hợp đồng cung cấp than 10 năm với Vinacomin đã giúp PPC đảm bảo việc vận hành được trơn tru và cải thiện hiệu suất hoạt động của nhà máy.

Cùng với việc tăng trưởng sản lượng điện thương phẩm, giá bán điện trung bình tăng và giá nguyên liệu đầu vào ổn định, KIS dự phóng, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của PPC có thể đạt lần lượt khoảng 8.342 tỷ đồng và 1.209 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 8% và 30%.

Các doanh nghiệp ngành điện có tỷ lệ vay bằng ngoại tệ khá cao, đa dạng ở nhiều đồng ngoại tệ, nên kết quả kinh doanh bị ảnh hưởng không nhỏ bởi tỷ giá, nhưng có những thời điểm, chênh lệch tỷ giá vay của ngoại tệ trở thành “cứu cánh” cho doanh nghiệp.

Ông Huỳnh Lin, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nhiệt điện Bà Rịa (BTP) cho biết, tính đến hết tháng 9/2019, Công ty đạt lợi nhuận 55 tỷ đồng, trong đó quý III lãi gần 5 tỷ đồng (quý III năm ngoái lỗ hơn 19 tỷ đồng).

Lợi nhuận chủ yếu đến từ lãi chênh lệch tỷ giá, riêng quý III/2019, lãi chênh lệch tỷ giá đồng won tại BTP ghi nhận 14,23 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ tỷ giá 12,58 tỷ đồng

Ông Huỳnh Lin cho hay, hoạt động sản xuất điện tại miền Nam trong 9 tháng đầu năm 2019 không đủ để tự cung ứng nên khu vực này phụ thuộc vào lưới điện quốc gia, đưa điện từ miền Bắc vào. Lưới điện quốc gia đã hoạt động với công suất tối đa, nên Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam cần BTP bù đắp lại lượng điện mà thủy điện chưa cung cấp được.

Dù vậy, theo ông Lin, cách duy nhất để tăng lợi nhuận là tối đa hóa hệ số khả dụng (tức hiệu suất). BTP đang vận hành với hơn 90% công suất, nhưng kỳ vọng sẽ cải thiện hiệu quả hoạt động.

Bên cạnh đó, Công ty vẫn đang đàm phán về giá điện với Công ty Mua bán điện - Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam, nên quý III và 9 tháng đầu năm 2019, Công ty tính toán dựa trên hợp đồng đã ký từ năm 2018, với mức tạm tính là 18.720,77 đồng/kWh/tháng.

Thủy điện gặp khó do thời tiết bất lợi

Nhiều nhà máy thủy điện gặp khó khăn do lưu lượng nước về kém. Lãnh đạo Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn-Sông Hinh (VSH) chia sẻ, lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2019 ước tính giảm so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu là do tình hình thủy văn từ đầu năm đến nay không thuận lợi, hạn hán kéo dài đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất điện, dẫn đến sản lượng điện và hiệu quả kinh doanh suy giảm.

Ngoài ra, các khoản đầu tư tài chính giảm do Công ty sử dụng các hợp đồng tiền gửi để thanh toán khối lượng hoàn thành các hạng mục của dự án Thủy điện Thượng Kon Tum, dẫn đến doanh thu hoạt động tài chính giảm so với cùng kỳ. Hiện VSH đã thực hiện ký kết hợp đồng tín dụng ngắn hạn với Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) để đảm bảo nguồn tài chính thực hiện dự án.

Ðối với Công ty cổ phần Thủy điện Cần Ðơn (SJD), trong quý III/2019, doanh thu đạt hơn 171 tỷ đồng, giảm 14,5% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt gần 72 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo SJD, nguyên nhân chính là do sản xuất điện thương phẩm, doanh thu bán hàng và sản xuất điện, nguồn nhiên liệu chính phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước thiên nhiên, trong khi đó, sản lượng phát điện quý III giảm so với cùng kỳ.

Ngoài ra, năm 2019, Công ty đã hết thời gian được hưởng ưu đãi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10%, chuyển sang nộp 20%, nên lợi nhuận sau thuế thấp hơn cùng kỳ. Tính đến hết tháng 9/2019, SJD đạt 317 tỷ đồng doanh thu, giảm 23% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế 116 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tương tự, Công ty cổ phần Sông Ba (SBA) ghi nhận doanh thu trong quý III/2019 hơn 30 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ; lãi ròng hơn 5 tỷ đồng, giảm 77% so với cùng kỳ năm 2018. Nguyên nhân khiến lợi nhuận giảm mạnh là do thời tiết diễn biến bất thường, số ngày mưa trong quý III năm nay ít hơn, nên sản lượng điện phát giảm.

Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), hiện tượng thời tiết El Nino đã có tác động rõ rệt lên khu vực miền Trung và Tây Nguyên, làm cho lượng mưa ở các khu vực này thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm.

Thủy văn bất lợi đã khiến kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thủy điện 6 tháng đầu năm nay giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Thống kê cho thấy, có 15 trong tổng số 19 doanh nghiệp thủy điện ghi nhận doanh thu và lợi nhuận nửa đầu năm giảm so với cùng kỳ. BVSC dự báo, quý III/2019, nhiều doanh nghiệp thủy điện có thể tiếp tục ghi nhận sự sụt giảm về doanh thu và lợi nhuận.

Theo dự báo của Viện Nghiên cứu thời tiết quốc tế của Ðại học Columbia, xác suất xảy ra hiện tượng El Nino trong những tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020 đã giảm mạnh, chỉ còn khoảng 40%.

Tuy nhiên, lượng mưa thấp trong mùa mưa năm 2019 làm cho các hồ thủy điện không tích được nước, dẫn tới các doanh nghiệp thủy điện nhiều khả năng tiếp tục gặp khó khăn cho đến tháng 6/2020.

Hoàng Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ