Nhiều doanh nghiệp UPCoM quyết lên sàn niêm yết

(ĐTCK) Hàng loạt gương mặt nổi bật trên sàn UPCoM như NTC, BSR, PVM, MIG, HHV hay VBB đang rục rịch kế hoạch chuyển sang sàn niêm yết.
Nhiều doanh nghiệp UPCoM quyết lên sàn niêm yết

Theo tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 được CTCP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) công bố, Hội đồng quản trị dự kiến sẽ trình cổ đông phương án hủy giao dịch cổ phiếu tại UPCoM và chuyển sang niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE). Thời gian nộp hồ sơ dự kiến là tháng 4/2021 và niêm yết vào tháng 6/2021.

HHV hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, là chủ đầu tư của nhiều dự án BOT như Bắc Giang Lạng Sơn, Đèo Cả, Phước Tượng - Phú Gia. Năm 2019, Công ty đạt doanh thu 477 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất đạt 155 tỷ đồng trên vốn điều lệ là 2.270 tỷ đồng. Với kết quả này, Hội đồng quản trị trình cổ đông không chia cổ tức năm 2019.

Năm 2020, trên cơ sở phương án tài chính các dự án BOT tại các doanh nghiệp dự án - công ty con, Ban lãnh đạo HHV lên kế hoạch doanh thu đạt 1.716 tỷ đồng và lãi sau thuế 185 tỷ đồng, lần lượt tăng 260% và 19% so thực hiện năm trước.

HHV dự kiến chi trả cổ tức tỷ lệ 10% vốn điều lệ.  Trong năm, Công ty có kế hoạch đầu tư trực tiếp 562,7 tỷ đồng vào Công ty Đầu tư Đèo Cả - doanh nghiệp dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả và 168 tỷ đồng vào Công ty BOT Bắc Giang Lạng Sơn - doanh nghiệp dự án Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. Tổng nhu cầu vốn tham gia vào hai dự án trên là 730 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp UPCoM quyết lên sàn niêm yết ảnh 1

Trước đó, tờ trình của Hội đồng quản trị CTCP Máy và thiết bị dầu khí (PVM) về chủ trương chuyển sàn từ UPCoM sang HOSE khi doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện nhanh chóng được 100% cổ đông thông qua.

Tương tự, Đại hội đồng cổ đông CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC) cũng thông qua tờ trình chuyển sàn sang HOSE trong năm 2020.

Theo Ban lãnh đạo NTC, việc chuyển sàn sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao hình ảnh, quảng bá thương hiệu, nâng tính thanh khoản, đem lại lợi ích tối đa cho cổ đông.

Dù đang thua lỗ lớn do ảnh hưởng của “bão kép” nhu cầu thị trường suy giảm bởi dịch bệnh và giá dầu giảm mạnh, nhưng CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) vẫn trình cổ đông thông qua kế hoạch đưa cổ phiếu lên niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Mới đây, HNX thông báo đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu của BSR.

Ban lãnh đạo Công ty kỳ vọng, việc niêm yết trên sàn chứng khoán lớn sẽ giúp cổ phiếu BSR có cơ hội giao dịch sôi động trên thị trường, đồng thời thực hiện việc thoái vốn nhà nước theo kế hoạch.

Kết thúc quý I/2020, BSR báo lỗ ròng kỷ lục 2.348 tỷ đồng. Năm 2020, Công ty dự kiến sản lượng đạt 5,56 triệu tấn, doanh thu 80.685 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 1.185 tỷ đồng, giảm gần 60% so với thực hiện năm 2019.

Tuy nhiên, đây là kịch bản kinh doanh với giả định giá dầu ở mức 60 USD/thùng. Hội đồng quản trị đã trình và được cổ đông thông qua ủy quyền xem xét điều chỉnh kế hoạch khi có đủ thông tin về ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 và giá dầu giảm.

Trên sàn UPCoM, vẫn còn một số nhà băng theo đuổi kế hoạch chuyển sàn qua HOSE như VietBank, LienVietPostBank, KienLongBank…

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra mới đây, Hội đồng quản trị VietBank cho biết, Ngân hàng đã đủ điều kiện để niêm yết trên HOSE và trình giao cho Hội đồng quản trị quyết định thời điểm niêm yết cụ thể khi thời cơ và điều kiện thị trường cho phép.

UPCoM là sàn giao dịch "trung chuyển", được thiết lập với mục đích khuyến khích các công ty chưa niêm yết tham gia vào thị trường chứng khoán.

Đây cũng là nơi “đón nhận” các cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc. Do các quy chuẩn về công bố thông tin và lợi nhuận của doanh nghiệp trên sàn này thấp hơn so với hai sàn niêm yết, nên nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài ít quan tâm đến cổ phiếu trên sàn này.

Do vậy, thanh khoản của hầu hết các cổ phiếu rất thấp, chẳng hạn, khối lượng giao dịch bình quân 10 phiên gần nhất của cổ phiếu HHV chỉ đạt… 45 đơn vị, còn tại PVM là 384 đơn vị.

Thanh khoản thấp nên thị giá cổ phiếu không phản ánh đúng giá trị doanh nghiệp và gây khó khăn cho các kế hoạch gọi vốn mới.

Việc các doanh nghiệp quyết tâm chuyển cổ phiếu từ UPCoM lên sàn niêm yết không chỉ là một bước nâng mình lên những chuẩn mực minh bạch cao hơn, để từ đó cải thiện thanh khoản cổ phiếu, mà còn là cơ hội tốt cho các cổ đông, nhà đầu tư.

Bởi thực tế cho thấy, hầu hết các cổ phiếu chuyển từ UPCoM lên sàn niêm yết đều kèm theo những "sóng giá".

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ