Nhiều doanh nghiệp mất dần tính đại chúng

(ĐTCK) Nhiều doanh nghiệp đang có tình trạng cơ cấu cổ đông cô đặc và dần mất tính đại chúng, thanh khoản cổ phiếu thấp, thậm chí không có giao dịch trong nhiều tháng.
Tại Hapro, một cổ đông chiến lược và hai cổ đông lớn sở hữu tổng cộng gần 98% vốn điều lệ. Tại Hapro, một cổ đông chiến lược và hai cổ đông lớn sở hữu tổng cộng gần 98% vốn điều lệ.

Theo thống kê, từ đầu tháng 11 đến nay, trong tổng số 1.941 doanh nghiệp đang niêm yết trên hai sàn HOSE, HNX và đăng ký giao dịch trên UPCoM, có 515 cổ phiếu không giao dịch, 491 cổ phiếu giao dịch dưới 1.000 đơn vị/phiên và 428 cổ phiếu giao dịch dưới 10.000 đơn vị/phiên.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, tổng giám đốc một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng cho biết, sau hơn 5 năm niêm yết, từ chỗ có trên 300 cổ đông thì nay công ty chỉ còn vài chục cổ đông, trong đó hai quỹ đầu tư nắm giữ hơn 35% cổ phần, cổ đông sáng lập nắm hơn 60%, vài phần trăm thuộc sở hữu của các cá nhân khác. Điều đáng nói, cổ phiếu gần như “đóng băng” trong hơn một năm trở lại đây, mặc dù doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, trả cổ tức trên dưới 30% mỗi năm.

“Doanh nghiệp đang tính đến phương án xin hủy tư cách công ty đại chúng, sau đó hủy niêm yết tự nguyện, bởi việc niêm yết như hiện tại không mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp, trong khi vẫn phải thực hiện mọi nghĩa vụ công bố thông tin”, lãnh đạo doanh nghiệp trên chia sẻ.

Tổng công ty Thương mại Hà Nội - CTCP (Hapro) cũng đang có tình trạng cơ cấu cổ đông cô đặc khi một cổ đông chiến lược và hai cổ đông lớn đã nắm tổng cộng gần 98% vốn điều lệ, các cổ đông là cán bộ, công nhân viên và cổ đông bên ngoài chỉ sở hữu hơn 2%.

Hapro đăng ký giao dịch trên UPCoM với mã chứng khoán HTM, có hơn 180 triệu cổ phiếu đang lưu hành, nhưng từ đầu tháng 11 đến nay, bình quân chỉ có hơn 20.000 đơn vị được chuyển nhượng mỗi phiên.

Một công ty con của Hapro là Vang Thăng Long (VTL), trong gần một năm trở lại đây, cổ phiếu thường xuyên không có giao dịch, nguyên nhân chủ yếu là do một số lượng nhỏ cổ đông nắm giữ tỷ trọng lớn, cổ phiếu trôi nổi trên thị trường không nhiều.

Theo giám đốc môi giới một công ty chứng khoán, trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng lớn và các nhà đầu tư thường ưu tiên lựa chọn các cổ phiếu có biến động giá mạnh, nhiều tin tức đột biến, với mong muốn tìm kiếm cơ hội sinh lời cao trong ngắn hạn hơn là nắm giữ dài hạn.

Chính vì vậy, dù doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, nhưng nhìn vào thanh khoản thấp của cổ phiếu, nhà đầu tư không mặn mà mua vào. Trong khi đó, các cổ đông lớn không bán ra, mà chỉ mua vào, lâu dần khiến cơ cấu cổ đông trở nên cô đặc. Cổ phiếu thanh khoản kém sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong huy động vốn.

“Trên sàn niêm yết hiện này đang tồn tại một nghịch lý, đó là nhiều cổ phiếu của doanh nghiệp kinh doanh yếu kém vẫn thu hút nhà đầu tư giao dịch, thanh khoản lên tới hàng triệu đơn vị/phiên, trong khi một số doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, nhưng không có giao dịch”, anh Nam, một nhà đầu tư nói và cho biết, HNX đã ban hành quy chế về thành viên tạo lập thị trường với các cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch và chứng chỉ quỹ ETF niêm yết, nhưng các doanh nghiệp chưa tìm đến kênh hỗ trợ này để cải thiện thanh khoản cho cổ phiếu.

Hoàng Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ