Nhập siêu tăng “phi mã”: Cảnh báo tâm lý tiêu dùng “sính ngoại”

Từ đầu năm đến nay, nhập siêu đã tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2006, đạt tới 6,4 tỷ USD nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Bộ Công Thương.
Ông Đỗ Văn Chiến Ông Đỗ Văn Chiến

Tuy nhiên, nhiều mặt hàng như đồ gia dụng, điện – điện tử tiêu dùng, một số mặt hàng nông sản nhập khẩu từ ASEAN – Trung Quốc đang chiếm dần thị phần hàng sản xuất trong nước. Tâm lý tiêu dùng “sính ngoại” sẽ tác động trực tiếp làm gia tăng nhập khẩu nhóm hàng này. Ông Đỗ Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm Thông tin thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh như vậy trong cuộc trao đổi với PV chiều qua, 17-9.
 

Sau hơn 8 tháng gia nhập WTO, vì sao nhập siêu của Việt Nam lại tăng mạnh so với cùng kỳ những năm trước, thưa ông?

 

Việt Nam gia nhập WTO trong bối cảnh khác với nhiều nước. Chúng ta đã có một quá trình chuẩn bị và tham gia rất kỹ nhưng thực tế vẫn có những thay đổi, có nhiều vấn đề vượt ra ngoài những dự đoán trước đó. Ví dụ như dự đoán về vốn FDI vào Việt Nam chỉ xấp xỉ 16-18 tỷ USD nhưng khả năng trong năm 2007, FDI sẽ vượt khá xa con số này. Còn những “đột biến” về nhập khẩu và giá cả hàng hóa trong thời gian qua, tôi cho rằng đó là hiện tượng bình thường của thị trường thế giới trong nền kinh tế thị trường hiện đại (trong đó, có những biến động giá cả hàng hóa không tuân theo bất kỳ quy luật kinh tế nào như dầu thô, vàng, sắt thép…). Tất nhiên, nhập siêu tăng gồm có 2 nguyên nhân: thứ nhất là giá thế giới tăng (nhất là những mặt hàng nguyên liệu cơ bản); thứ 2 là lượng hàng hóa nhập khẩu cũng tăng, kể cả các doanh nghiệp FDI.

 

Việc nhập siêu tăng vọt, đặc biệt là nhập khẩu những mặt hàng tiêu dùng cao cấp có phải là hiện tượng bất bình thường của nền kinh tế, thưa ông?

 

Theo tôi, tốc độ tăng nhập siêu trong thời gian qua tuy có tăng (8 tháng tăng xấp xỉ 30% so với cùng kỳ năm trước) nhưng không phải là sự bất bình thường và nó vẫn nằm trong dự tính của Bộ Công Thương. Năm 2007, Bộ Công Thương dự đoán nhập siêu khoảng 18%-19% tổng kim ngạch xuất khẩu (tức là khống chế dưới 20%). Từ đầu năm đến nay, tỷ lệ này đã lên tới 20,5%. Con số này cũng có lý ở chỗ: theo dự tính, xuất khẩu năm nay sẽ tăng trưởng khoảng 20%; để đẩy mạnh xuất khẩu vào quý IV thì từ quý II và III, các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu đã phải nhập khẩu một lượng lớn nguyên vật liệu, dẫn tới kim ngạch nhập khẩu tăng lên đáng kể. Nhưng, từ quý IV, nhập khẩu sẽ chậm lại và tôi cho rằng, mục tiêu khống chế nhập siêu dưới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu có thể đạt được.

 

Nhưng, cũng có ý kiến cho rằng, nhâïp siêu tăng mạnh trong thời gian qua là hệ quả của chính sách bảo hộ sản xuất trong nước kéo dài; dẫn đến các doanh nghiệp trong nước giảm năng lực cạnh tranh và không “đứng nổi” khi mở cửa thị trường?

 

Hiện nay, đối chiếu những mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn trong 3 quý vừa rồi, chúng tôi không thấy xuất hiện nhiều những mặt hàng mang tính bảo hộ trong nước trước đây như ô tô, xe máy… Tuy nhiên, nhập siêu năm nay có tác động của việc nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô và ô tô nguyên chiếc. Việc nhập khẩu ô tô nguyên chiếc trong 3 quý vừa qua (tăng gấp 6 lần so với năm 2006) đã tạo ra một lượng kim ngạch khá lớn vì đơn giá 1 chiếc ô tô rất cao (có chiếc lên tới gần triệu USD). Nhưng tác động đến đông đảo tầng lớp dân cư không nhiều vì nó chỉ đáp ứng nhu cầu của số ít người có thu nhập cao.

 

Mặc dù vậy, mới đây, Bộ Công Thương cũng đưa ra cảnh báo, trong những tháng cuối năm cần hết sức lưu ý đến việc gia tăng nhập khẩu hàng tiêu dùng từ các nước ASEAN và Trung Quốc. Sau một thời gian gặp khó khăn trong cạnh tranh (chủ yếu liên quan đến chính sách thuế theo CEPT/AFTA), hiện các mặt hàng như đồ gia dụng, điện – điện tử tiêu dùng, một số mặt hàng nông sản nhập khẩu đang chiếm dần thị phần hàng sản xuất trong nước. Tâm lý tiêu dùng “sính ngoại” sẽ tác động trực tiếp làm gia tăng nhập khẩu nhóm hàng này.

 

Vừa qua, Chính phủ đã quyết định giảm thuế 18 nhóm mặt hàng nhằm bình ổn giá cả hàng hóa trong nước. Đây cũng sẽ là yếu tố làm tăng nhập khẩu từ nay đến cuối năm, thưa ông?

 

Quyết định giảm thuế 18 nhóm mặt hàng có tác dụng rất tốt đối với việc bình ổn giá cả hàng hóa, nếu không, nó còn tăng mạnh nữa. Việc mặt bằng giá nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu được điều tiết giảm xuống sẽ giúp cho nhập siêu không tăng quá cao như giai đoạn tháng 3-5 vừa qua.

 

Tất nhiên, việc giảm thuế nhập khẩu sẽ tác động đến nhập siêu nhưng tác động ít bởi những nhóm mặt hàng đó có đơn giá nhỏ. Còn việc gia tăng nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho các sản phẩm công nghiệp nhiều tiềm năng xuất khẩu trong những tháng cuối năm như dệt may, da giầy, gỗ và sản phẩm gỗ… về bản chất là hiện tượng nhập siêu lành mạnh, không ảnh hưởng nhiều đến cân đối vĩ mô của nền kinh tế.

 

Năm 2007: Nhập siêu sẽ lên đến 9 tỷ USD

Bộ Công Thương dự tính, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả năm 2007 sẽ đạt 48 tỷ USD và tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 57 tỷ USD, trong đó nhập siêu dự kiến cho cả năm sẽ lên đến 9 tỷ USD. Như vậy so với dự báo hồi giữa tháng 8 mức nhập siêu năm 2007 sẽ là 8 tỷ USD thì mức dự báo lần này đã tăng lên thêm 1 tỷ USD.

 


SGGP

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ