Nhận diện xu hướng thị trường OTC cuối năm 2007

(ĐTCK-online) Bài viết này được chuẩn bị sau 3 tháng gián đoạn của chuyên mục thị trường OTC 48 giờ. Nhiều việc đã thay đổi khi nhìn nhận cơ hội đầu tư trên thị trường OTC lẫn thị trường chính thức trong quãng thời gian nghỉ dưỡng sức 3 tháng qua của nhà đầu tư. Và khi thông tin về đợt bán đấu giá của Vietcombank, sự kiện được chờ đợi nhất hiện nay, được tiết lộ, thị trường OTC bắt đầu lộ ra một gương mặt mới đáng yêu hơn.
Nhận diện xu hướng thị trường OTC cuối năm 2007

Điểm rơi

Thanh khoản là thuộc tính quan trọng để xác định giá trị của một chứng khoán được đánh giá như thế nào. Ba tháng điều chỉnh vừa qua khiến đa số cổ phiếu OTC gần như mất hẳn tính thanh khoản. Đặc biệt, nhóm cổ phiếu gây “xót ruột” nhất đối với các nhà đầu tư OTC là nhóm ngân hàng vẫn bị cái “vía” quá nặng của Vietcombank che khuất, do thời điểm đấu giá bị trì hoãn nhiều lần. Trong quá trình thu thập thông tin, người viết bài này không quá ngạc nhiên khi nhận ra rằng, đến hơn 60% giá trị các khoản đầu tư (của các nhà đầu tư ưa thích cổ phiếu OTC hơn thị trường chính thức) thuộc về nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Đồng thời, điểm rơi của nhóm cổ phiếu ngân hàng, giảm xấp xỉ 50% trong vòng 6 tháng, là thấp nhất nếu so với các nhóm ngành khác. Điều đáng mừng là trong giai đoạn thị trường chính thức tiếp tục điều chỉnh giảm trong nửa cuối tháng 11, nhóm cổ phiếu ngân hàng trên thị trường OTC đã có tín hiệu hồi phục đồng loạt. Đặc biệt trong những ngày đầu tháng 12, nhóm cổ phiếu ngân hàng được ghi nhận là nhóm tăng giá khả quan nhất từ việc dư luận đánh giá rằng, mức giá bình quân của Vietcombank, sẽ biết rõ vào ngày 26/12 tới, khó dưới 150.000 đồng/CP (giá khởi điểm 100.000 đồng/CP).

Với kịch bản trên, người viết bài này tin rằng, điểm rơi thấp nhất của thị trường OTC trong năm 2007 là khoảng trung tuần tháng 11 vừa qua và có thể đặt kỳ vọng nhiều vào xu hướng tăng trưởng được bắt đầu ngay khi giá khởi điểm của Vietcombank được công bố. Từ nhóm cổ phiếu hạt nhân của thị trường OTC (nhóm ngân hàng) có thể kết luận rằng, thị trường OTC đang bước vào chu kỳ tăng trưởng mới từ một mặt bằng giá xuất phát khá thấp, thấp hơn trung bình 30% - 50% so với nửa năm về trước.

 

Giá trị, giá trị và giá trị

Trong 3 tháng mất mùa vừa qua, nhóm cổ phiếu ngành bất động sản nổi lên như một điển hình cho thấy, nhà đầu tư vẫn chấp nhận trả giá cao hơn cho các khoản đầu tư mới nếu giá trị cổ phiếu đó được kỳ vọng. Cụ thể, các cổ phiếu Licogi 16, BCCI, Intresco, Hoàng Anh Gia Lai, Quốc Cường Gia Lai… đều đạt mức tăng trưởng 70 - 100% trong vòng 3 tháng qua và được các nhà phân tích đánh giá là “hợp lý” do thị trường bất động sản cuối năm 2007 khởi sắc sớm và mạnh mẽ hơn dự báo trước đó.

Ở góc nhìn khác, bức tranh chung ảm đạm của thị trường OTC không làm nhà đầu tư mất hẳn sự quan tâm đối với các cổ phiếu được đánh giá cao về tiêu chí giá trị như Bóng đèn Điện Quang, Dược Cửu Long, Vosco, Sonadezi Long Thành, Tôn Hoa Sen... Nhận định từ các CTCK cho thấy, nhóm những cổ phiếu OTC có thành tích tốt trong 3 tháng qua hội đủ những tiêu chí cơ bản như: mức sinh lời hợp lý tính trên thị giá (chỉ tiêu EPS, P/E), tình hình quản trị và văn hóa công ty tốt, chiến lược kinh doanh và kế hoạch cụ thể... Những đặc điểm này hoàn toàn trùng khớp với các yếu tố để ra quyết định của các nhà đầu tư theo trường phái cơ bản, là hướng đầu tư ra quyết định trên các yếu tố kinh doanh nền tảng của DN.

Điểm sáng trên cho thấy, ngay cả trong những thời điểm bất lợi, cơ hội tốt trên thị trường OTC cũng không dễ bị bỏ qua nếu giá trị của chứng khoán được xem là hợp lý để đầu tư. Xét về giá trị, đa số cổ phiếu OTC hiện có mức giá bằng 1/2 mức giá của 6 tháng trước; nghĩa là hợp lý hơn nhiều nếu xét phương án bắt đầu đầu tư. Mặt khác, đầu tư theo giá trị là xu hướng đầu tư chủ đạo được chọn lựa vào thời điểm hiện nay.

 

Tập trung, tập trung và tập trung

Vietcombank là một DN lớn, tuy nhiên có thể không quá “khủng long” như nhiều nhà đầu tư vẫn bị ám ảnh. Gần đây, khi giá trị DN và vốn điều lệ dự kiến của Vietcombank được công bố, nhiều chuyên gia phân tích đã có một hình ảnh so sánh cho thấy Vietcombank tương đương với 3 ngân hàng ACB. Khoảng cách giữa ngân hàng to nhất trong khối quốc doanh và ngân hàng to nhất trong khối ngân hàng TMCP như vậy là không quá lớn; chỉ một lượng 6,5% cổ phần có giá trị chưa đến 10.000 tỷ đồng tính theo giá khởi điểm sẽ được đấu giá và lưu hành ngoài thị trường. Xét cho cùng, lượng hàng hóa có giá trị bằng 10 phiên giao dịch bình thường của sàn HOSE không phải là lớn. Nói cách khác, Vietcombank sẽ ảnh hưởng đến phần tâm lý nhiều hơn, thay vì phần “bao tử” của thị trường.

Nhìn rộng hơn, riêng trong khối ngân hàng có thể chỉ hàng loạt DN tốt nếu so sánh về các tiêu chí đầu tư về giá trị như Eximbank, Ngân hàng TMCP Quân đội, Sacombank... Vậy phải chọn cái tốt nào?

Theo ghi nhận của phóng viên ĐTCK trong nhiều năm theo dõi thị trường OTC thì những nhà đầu tư bản lĩnh nhất và thành công nhất là những người không đầu tư quá 10 DN và không đầu tư quá 2 DN trong một ngành. Một nhà đầu tư thành công có tuổi đời dưới 35 có tài sản bằng cổ phiếu ước tính 50 triệu USD chỉ nắm 7 loại cổ phiếu, trong đó hầu hết các khoản đầu tư đều trên 5% cổ phần của DN. Một nhà đầu tư tại CTCK Sài Gòn ở tuổi 32 hiện sở hữu 1% cổ phần của SSI, tương đương giá trị 20 tỷ đồng, bằng cách kiên trì mua vào từng ít một trong 3 năm qua.

Người viết bài này tin rằng, thị trường OTC trong thời gian tới vẫn có 2 đặc tính cơ bản là lợi nhuận lớn đi kèm với rủi ro lớn. Và cho dù có đầu tư bảo thủ theo giá trị DN hay coi trọng tính thời điểm theo thị hiếu thị trường, đầu tư tập trung là chiến lược dễ áp dụng và hạn chế được nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư OTC.

Phúc Lân
Phúc Lân

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ