Nhà tạo lập thị trường

Trong bối cảnh TTCK thường xuyên có tình trạng cung - cầu mất cân đối như ở Việt Nam hiện nay, người ta đã bắt đầu bàn đến sự cần thiết của các nhà tạo lập thị trường. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, TTCK Việt Nam chưa đủ điều kiện để triển khai nghiệp vụ này. Do năng lực của các tổ chức tài chính Việt Nam còn yếu, công nghệ và dự báo còn hạn chế, thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu... Vậy nhà tạo lập thị trường là gì và cần có những điều kiện cơ bản nào để trở thành nhà tạo lập thị trường?

Khái niệm

Nhà tạo lập thị trường là các trung gian tài chính (thường là các công ty chứng khoán) yết giá mua, giá bán và số lượng chứng khoán trên thị trường. Họ sẵn sàng thực hiện giao dịch mua và bán chứng khoán với các mức giá và số lượng đã yết. Các trung gian tài chính thực hiện công việc tạo lập thị trường với 2 mục tiêu chủ yếu: đảm bảo tính thanh khoản của thị trường và tìm kiếm lợi nhuận.

Nhà tạo lập thị trường thường thực hiện 2 công việc để đáp ứng các lệnh từ phía nhà đầu tư.

Thứ nhất, nhà tạo lập thị trường có thể đóng vai trò đối tác trong giao dịch, có nghĩa là nếu lệnh đặt đến là lệnh mua, nhà tạo lập thị trường sẽ bán các chứng khoán tương ứng có "trong kho" của mình. Còn nếu lệnh đặt đến là lệnh bán, nhà tạo lập thị trường sẽ tiến hành mua. Lệnh mua hay bán mà nhà tạo lập thị trường nhận được chính là lệnh đáp lại các chào mua, chào bán mà nhà tạo lập thị trường đã yết ra trên thị trường. Trong các chào mua, chào bán của nhà tạo lập thị trường, giá yết ra do yêu cầu cạnh tranh nên thường phải bám sát với tình hình thị trường, khối lượng yết ra tuỳ theo phân tích của mình, còn phải chịu thêm tác động của luật định về khối lượng nhỏ nhất phải đảm bảo giao dịch đối với mỗi lệnh yết ra. Thông thường, để có thể chuyển sang yết mức giá khác hay tham gia với một loại chứng khoán khác, nhà tạo lập thị trường phải thực hiện một giao dịch với số lượng tối thiểu theo quy định, điều này đảm bảo tính thanh khoản mà mỗi giao dịch tạo ra.

Thứ hai, trường hợp lệnh đặt mua đến nhưng nhà tạo lập thị trường không có đủ số chứng khoán đặt mua, hoặc lệnh đặt bán đến nhưng nhà tạo lập thị trường không đủ khả năng để mua toàn bộ thì để đảm bảo giao dịch, nhà tạo lập thị trường sẽ phải tìm một lệnh đối ứng khác thoả mãn toàn bộ hoặc một phần khối lượng của khách hàng đặt ra. Để tìm lệnh đối ứng, nhà tạo lập thị trường này sẽ phải tìm đến một nhà tạo lập thị trường khác. Nhà tạo lập thị trường kia có thể trực tiếp mua hoặc bán, hoặc cũng có thể chuyển tiếp một lệnh mua hoặc bán của một nhà đầu tư khác mà họ nhận được sang để đối ứng.

 

Lợi ích đối với nhà tạo lập thị trường

- Lợi ích thu được trực tiếp từ các giao dịch: lợi ích này phản ánh rõ ràng ở doanh thu mà nhà tạo lập thị trường nhận được. Như đã trình bày ở phần trên, nhà tạo lập thị trường sẽ tiến hành giao dịch với khách hàng, đóng vai trò đối ứng hoặc tìm một lệnh đối ứng. Khi trực tiếp giao dịch, khoản lợi mà một nhà tạo lập thị trường nhận được chính là khoảng chênh lệch giữa mức giá chào mua và chào bán.

Khi tìm lệnh đối ứng cho giao dịch, nhà tạo lập thị trường sẽ đóng vai trò môi giới và nhận phí môi giới từ giao dịch. Số lượng giao dịch mà nhà tạo lập thị trường thực hiện càng lớn, khả năng tạo chênh lệch càng cao thì lợi nhuận của nhà tạo lập thị trường sẽ càng lớn.

- Lợi ích từ những ưu đãi và hỗ trợ của nhà nước: năng lực về vốn của các tổ chức khi tham gia với vai trò tạo lập thị trường luôn là một hạn chế, đặc biệt đối với thị trường trái phiếu. Các nhà tạo lập thị trường luôn có nhu cầu huy động vốn để đáp ứng cho các giao dịch, nhu cầu vốn thường tuỳ thuộc vào khối lượng giao dịch trung bình thị trường, trong khi thời gian là ngắn hạn do bản chất giao dịch thường xuyên. Đây là những tiêu chí rất khó đối với một tổ chức thông thường. Tuy nhiên, nhà nước thường có ưu đãi về nguồn huy động, về lãi suất với nhà tạo lập thị trường. Đây là một lợi thế rất lớn đối với các nhà tạo lập thị trường.

- Lợi ích từ việc tiếp cận thông tin: thông thường, nhà tạo lập thị trường có quyền truy cập vào những hệ thống tin riêng hạn chế trong phạm vi nhất định, mà không phải bất kỳ thành viên nào tham gia trên thị trường cũng có thể tiếp cận được. Những nguồn thông tin này cho phép nhà tạo lập thị trường có thể dự báo tốt nhất tình hình thị trường, từ đó có những phương án điều chỉnh giá, khối lượng các chào mua, chào bán, điều chỉnh lượng chứng khoán "trong kho", ước lượng vốn cần thiết… Có được thông tin, mỗi nhà tạo lập thị trường sẽ biết cách sử dụng tốt nhất để tối đa hoá lợi ích của mình.

Điều kiện cơ bản để trở thành nhà tạo lập thị trường

Khả năng nắm bắt thông tin thị trường, khả năng phân tích nhu cầu thị trường: Những khả năng này là cơ sở đảm bảo cho một nhà tạo lập thị trường thành công. Nắm bắt và phân tích tốt tình hình thị trường, mô hình hóa bài toán “lưu kho”, ước lượng nhu cầu tài chính cần thiết theo đặc tính thị trường là bài toán mà CTCK buộc phải giải quyết trước khi muốn thực hiện hoạt động tạo lập thị trường. Nếu như nhà tạo lập thị trường không giải quyết tốt bài toán “lưu kho”, không ước lượng và dự báo tốt nhu cầu thị trường thì khả năng không thể thực hiện các giao dịch cần thiết để cân bằng cán cân tài chính là rất cao và rủi ro vỡ nợ là khó tránh khỏi.

Nhân sự thực hiện và khả năng tiến hành: Đây là vấn đề liên quan đến kỹ thuật hoạt động. Để tiến hành chức năng tạo lập thị trường bao gồm nhiều hoạt động khác nhau như đã phân tích ở trên, CTCK khi thực hiện chức năng tạo lập thị trường sẽ phải đảm bảo nguồn nhân lực được đào tạo đạt trình độ nhất định. Mặt khác, cần có sự phối hợp các hoạt động hiện có tại công ty. Để có thể tham gia vào giao dịch với vai trò đối tác của nhà đầu tư, công ty cần phát huy các bộ phận phân tích, đưa vào hoạt động tự doanh, quản lý danh mục đầu tư. Để có thể mở rộng phạm vi khách hàng, công ty cần phối hợp tốt các bộ phận môi giới và tư vấn. Kỹ thuật hoạt động tốt không chỉ thể hiện ở việc thực hiện tốt các hoạt động hiện có tại công ty, mà còn thể hiện ở các công cụ phòng vệ. Các công cụ này có chức năng giúp nhà tạo lập thị trường phòng ngừa những rủi ro có thể xảy ra, nó bao gồm cả các dạng hợp đồng phái sinh, sản phẩm tài chính, kỹ thuật ứng dụng trong kinh doanh chứng khoán... Việc áp dụng các công cụ này nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu khách hàng thông qua việc tăng tính thanh khoản và phòng ngừa rủi ro đối với chứng khoán.

Trong bối cảnh TTCK thường xuyên có tình trạng cung - cầu mất cân đối như ở Việt Nam hiện nay, người ta đã bắt đầu bàn đến sự cần thiết của các nhà tạo lập thị trường. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, TTCK Việt Nam chưa đủ điều kiện để triển khai nghiệp vụ này. Do năng lực của các tổ chức tài chính Việt Nam còn yếu, công nghệ và dự báo còn hạn chế, thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu...

Thêm vào đó, việc thiếu các công cụ phái sinh trên thị trường như quyền lựa chọn, hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai…, cũng là những yếu tố khiến cho Việt Nam chưa thể có nhà tạo lập thị trường theo đúng nghĩa. Chính vì thế, đôi khi, các nhà đầu tư nhỏ lẻ ồ ạt bán ra thì bộ phận tự doanh của các CTCK cũng bán ra, thậm chí còn bán nhanh hơn và nhiều hơn. Tất nhiên, các CTCK hoàn toàn có thể làm như vậy, bởi họ không phải nhà tạo lập thị trường. Họ không có trách nhiệm phải bảo đảm tính thanh khoản cũng như sự ổn định của các chứng khoán trên thị trường.

Khả năng tài chính: Đây là yếu tố hàng đầu khi một CTCK muốn trở thành nhà tạo lập thị trường. Mỗi thị trường có tồn tại hình thức nhà tạo lập thị trường đều có những quy định rất rõ ràng về yêu cầu tài chính đối với CTCK khi muốn đăng ký làm nhà tạo lập thị trường. Việc đáp ứng các điều kiện ban đầu mới chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là công ty khi đã được chấp nhận là một nhà tạo lập thị trường thì phải luôn đảm bảo những tiêu chí nhất định được quy định trong luật pháp. Điều này rất quan trọng bởi để thực hiện tốt chức năng tạo lập thị trường, CTCK thường phải có một lượng vốn lớn cần thiết để sẵn sàng mua chứng khoán khi nhà đầu tư có yêu cầu, cũng như nắm giữ một khối lượng chứng khoán nhất định để bán lại cho nhà đầu tư. Khả năng tài chính mạnh sẽ tạo cho công ty một cơ sở chắc chắn để tham gia tạo lập thị trường.

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,204.97 -0.64 -0.05% 141,739 tỷ
HNX 227.57 -0.3 -0.13% 1,224 tỷ
UPCOM 88.33 -0.04 -0.04% 488 tỷ