Ngành than và chiến lược phát triển

(ĐTCK-online) Hiện nay, than cũng như những khoáng sản quý hiếm khác đang khan hiếm. Theo dự báo, giá than thế giới sẽ tăng mạnh trong năm 2008 do những nước xuất khẩu than lớn như Inđônêxia, Australia… quyết định hạn chế xuất khẩu bởi sản lượng khai thác đang ngày một thấp dần trong khi nhu cầu tiêu thụ ngày một tăng cao. Trước sự hấp dẫn về giá than tăng mạnh nhưng do nhu cầu ưu tiên phát triển trong nước nên các nước xuất khẩu than đều hạn chế sản lượng xuất khẩu.
Cổ phiếu ngành than đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Cổ phiếu ngành than đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ở Việt Nam , ngành than đóng vai trò là ngành kinh tế trọng điểm, cung cấp nhiên liệu cho hoạt động của các ngành công nghiệp khác như: điện, giấy, xi măng…. Cùng với sự phát triển chung của nền kinh tế, nhu cầu về nguồn than đang tăng mạnh. Từ năm 2010 trở đi, hàng loạt nhà máy điện than như nhà máy điện Hà Tĩnh, Nghi Sơn, ĐBSCL đi vào hoạt động sẽ đẩy nhu cầu than tăng vọt.

Đánh giá được tầm quan trọng của ngành than trong sự phát triển kinh tế đất nước, Bộ Công thương đã xây dựng Chiến lược phát triển ngành, dựa trên 6 quan điểm phát triển:

Thứ nhất, khai thác, chế biến, sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm nguồn tài nguyên than trong nước; kết hợp với xuất nhập khẩu hợp lý trên cơ sở giảm dần và tiến đến không xuất khẩu than; đáp ứng tối đa nhu cầu than trong nước phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thứ hai, phát triển ngành than bền vững, hiệu quả theo hướng đồng bộ, cân đối với phát triển chung của các ngành kinh tế khác.

Thứ ba, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong thăm dò, khai thác, sàng tuyển, chế biến và sử dụng than.

Thứ tư, tích cực đầu tư thăm dò ra nước ngoài, khai thác nhanh nguồn tài nguyên than nước ngoài để bổ sung cho sự thiếu hụt từ khai thác trong nước.

Thứ năm, từng bước hình thành thị trường than cạnh tranh, hội nhập với khu vực và thế giới, đa dạng hoá phương thức đầu tư và kinh doanh trong ngành than.

Thứ sáu, phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái, gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, an ninh quốc phòng vùng than, đặc biệt là vùng than Quảng Ninh.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng đưa ra những mục tiêu hướng tới về các mặt khác liên quan đến ngành than như xuất khẩu, thị trường và bảo vệ môi trường.

Về xuất khẩu than:

Xuất nhập khẩu hợp lý trên cơ sở giảm dần và tiến đến không xuất khẩu than: đến năm 2010 giảm xuất khẩu xuống còn 12 triệu tấn, đến năm 2015 giảm còn 5 triệu tấn, sau năm 2015 giảm dần và tiến tới không xuất khẩu.

Về thị trường than:

Phấn đấu đến năm 2010 thiết lập được hệ thống cơ chế, chính sách hình thành thị trường than cạnh tranh, hội nhập với khu vực và thế giới, tạo sự công bằng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh than, không phân biệt thành phần kinh tế.

Về bảo vệ môi trường:

Phấn đấu đến năm 2020, các công trình khai thác, sàng tuyển, chế biến và sử dụng than phải đáp ứng tiêu chuẩn môi trường của ngành.

Về khai thác than:

Khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm nguồn tài nguyên than trong nước để sử dụng lâu dài, phấn đấu sản lượng than sạch đạt 40 - 43 triệu tấn vào năm 2010, 48 - 51 triệu tấn vào năm 2015, 55 - 58 triệu tấn vào năm 2020, 58 - 61 triệu tấn vào năm 2025, nâng sản lượng than sạch lên khoảng 200 triệu tấn vào năm 2050.

Ngành than đang áp dụng hai phương pháp khai thác chủ yếu là khai thác lộ thiên và khai thác hầm lò. Khai thác hầm lò có chi phí rất cao. Khai thác lộ thiên có chi phí thấp hơn, nhưng diện tích những vỉa than lộ thiên đang ngày càng thu hẹp. Dự báo, tỷ trọng khai thác lộ thiên sẽ giảm từ 32,5% hiện nay xuống 20 - 22% vào năm 2010, 12,7 - 15,4% vào năm 2015… Vì vậy, phải khai thác xuống sâu hơn và sử dụng công nghệ hầm lò là chủ yếu.

Các khoáng sản than Việt Nam được đánh giá là có điều kiện khai thác khó khăn. Với hơn 6 tỷ tấn than đã phát hiện thì khả năng khai thác chỉ khoảng 2,5 tỷ tấn (2,5 tỷ tấn trong 3,8 tỷ tấn của bể Quảng Ninh). Với tốc độ tăng sản lượng khai thác 12%/năm như hiện nay thì theo tính toán, 2,5 tỷ tấn than đó chỉ đủ cung cấp cho khoảng 37 năm nữa. Do đó, vấn đề đặt ra cho ngành than là phải tăng cường công tác thăm dò, tìm kiếm và khai thác có hiệu quả nguồn than. Tuy nhiên, lượng vốn cần có để thực hiện các công tác trên không phải là nhỏ.

Theo tính toán, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành than giai đoạn 2007 - 2015 là 84.000 tỷ đồng - số tiền quá lớn so với khả năng tự có của ngành than. Để huy động nguồn vốn đầu tư, một trong những cách thức hữu hiệu nhất là tiến hành cổ phần hoá các doanh nghiệp ngành than, phát hành cổ phiếu ra công chúng. Trong những năm vừa qua, việc chào bán cổ phiếu ngành than đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong đợt chào bán cổ phần của Than Núi Béo, nhà đầu tư nước ngoài đã giành quyền mua toàn bộ cổ phần chào bán. Ngoài ra, các đợt chào bán cổ phần của Than Cọc Sáu, Cao Sơn, Đèo Nai, Hà Tu… cũng thu hút được khá đông nhà đầu tư.

Ngành than cũng giống như ngành điện, là nhóm năng lượng và là ngành luôn được Chính phủ quan tâm đặc biệt; nhu cầu tiêu dùng than cũng như điện ngày một tăng cao cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế. Sau khi cổ phần hóa và trong xu hướng hội nhập hiện nay, các đơn vị ngành than sẽ có cơ hội phát triển hơn.

Bài viết được cung cấp bởi Phòng phân tích CTCK Thủ Đô và chỉ mang giá trị tham khảo
Bài viết được cung cấp bởi Phòng phân tích CTCK Thủ Đô và chỉ mang giá trị tham khảo

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ