Ngẫm ngợi ở sàn vàng!

(ĐTCK) Dù là dân ngoại đạo, tôi có cơ duyên được tiếp xúc nhiều với giới đầu tư vàng, với vàng và cả với những gì… bạc nhất trên sàn vàng. Nhiều lúc cứ bần thần tự hỏi: vàng là gì mà khiến người ta phải sung sướng, khổ đau, có khi tán gia bại sản? Ở đời, những gì quý giá nhất đều được… quy ra vàng: bàn thắng vàng, giờ vàng, cơ hội vàng, cúp vàng, thậm chí cả… bàn tay vàng!
Từ lâu, vàng được coi là của để dành, nhưng thời buổi hội nhập, người Việt Nam đã có thể đầu tư vàng qua sàn. Từ lâu, vàng được coi là của để dành, nhưng thời buổi hội nhập, người Việt Nam đã có thể đầu tư vàng qua sàn.

Nói gì thì nói, đầu tư vàng vẫn là kênh đầu tư "lội ngược dòng" trong năm khủng hoảng vừa qua. Và đương nhiên, chuyện ở sàn vàng cũng đủ các thái cực hỉ, nộ, ái, ố như đời sống vậy!

Sàn vàng "lên hương"

Từ lâu, vàng được coi là của để dành, nhưng thời buổi hội nhập, người Việt Nam đã có thể đầu tư vàng qua sàn, còn gọi là kinh doanh vàng trên tài khoản.

Nếu năm 2007 có duy nhất sàn vàng của ACB hoạt động thì năm 2008 có gần 10 sàn vàng xuất hiện. Với sự tham gia của các ngân hàng, CTCK, công ty vàng bạc đá quý, các sàn vàng cạnh tranh khốc liệt. Còn nhớ hồi giữa năm 2007, khi ACB lặng lẽ sang Thượng Hải học mô hình về mở sàn giao dịch vàng, không mấy người quan tâm do vẫn chưa thoát khỏi cơn say chứng khoán. Sang năm 2008, khi lạm phát lên cao, NĐT đổ xô sang vàng như một kênh đầu tư an toàn khiến cho sàn ACB trở nên quá tải. Doanh số tại sàn này có ngày lên xấp xỉ gần chục ngàn tỷ đồng với hàng trăm ngàn lượng vàng được trao tay, "nhà cái" cũng thu tiền tỷ lợi nhuận mỗi ngày.

Cuối năm 2008, sàn vàng trở nên hấp dẫn hơn với nhiều tiện ích phong phú. Từ lúc chỉ có sản phẩm mua bán giao ngay đã xuất hiện hình thức mua - bán tương lai/giao sau (sản phẩm của Trung tâm giao dịch vàng VGB) rất mới mẻ; từ chỗ quá tải về công nghệ, độc quyền về dịch vụ đến chỗ cạnh tranh, câu khách, NĐT trên sàn vàng có được 1 năm thực sự nếm trải cảm giác trở thành thượng đế, hệt như những trải nghiệm trên sàn chứng khoán hồi cuối năm 2006, đầu năm 2007.

Sàn hay "xới"?

Nói gì thì nói, hiện giờ vẫn không ít người thiếu thiện cảm với sàn vàng. Những thông tin trên báo chí, đại loại như chuyện hai cán bộ ngân hàng tự tử vì thua lỗ hàng chục tỷ đồng khi đầu tư vàng hồi giữa năm 2008, hay lời đồn đại về việc các sàn vàng vừa là trọng tài vừa là cầu thủ. Hãy nhớ lại chuyện lãnh đạo một hiệp hội đầu tư đề nghị cấm sàn vàng, như một phương cách để kích cầu chứng khoán thì rõ. Nhưng rõ ràng, thực tế thị trường, với giá trị giao dịch nhiều ngàn tỷ đồng mỗi phiên trên sàn vàng, vẫn có những lý lẽ riêng của nó.

Nguyên cớ đầu tiên khiến người ta thích nằm ở đòn bẩy tài chính rất mạnh của các sàn vàng. Sàn giao dịch vàng cho phép NĐT ký quỹ 7%, được hỗ trợ vay vốn đến 93%. Nôm na là, có 1 đồng người ta có thể đầu tư đến 14 đồng. Thứ hai là sàn vàng không có biên độ giá, nếu đoán trúng xu hướng giá thì khả năng thu lợi nhuận lớn là rất cao. Đương nhiên, chẳng có "kiểu" đầu tư nào mà lợi nhuận cao không đi kèm rủi ro lớn.

Ngược lại, hãy xem đâu là những cái bẫy ngọt ngào trên sàn vàng. Do không có biên độ dao động giá, giá vàng có thể tăng giảm hàng triệu đồng/lượng chỉ trong một đêm. Riêng năm 2008, giá vàng đã có 3 đợt tăng giảm kỷ lục. Đợt 1, từ ngày 17/3 đến ngày 28/3, vàng rớt giá từ 1.023,50 USD/ounce xuống 944,50 USD/ounce; đợt 2, từ ngày 15/9 đến ngày 26/9, khi giá vàng tăng từ 779,25 USD/ounce lên 869,00 USD/ounce; đợt 3, từ ngày 18/11 đến ngày 26/11, khi giá vàng tăng từ 736,50 USD/ounce lên 813,50 USD/ounce. Những con sóng lừng đó có thể khiến nhiều người mua nhà, tậu xe; nhưng cũng khiến khối kẻ "bạc mặt vì vàng".

Ngoài rủi ro về giá, một rủi ro nữa đến từ các sàn vàng do nhân viên nhập lệnh, nhân viên môi giới gây ra, thậm chí cả các hoạt động không minh bạch như: ép lệnh, chèn lệnh, hủy lệnh của NĐT...

Những người tâm huyết với sàn vàng cũng không thiếu lý do để cho rằng, tâm lý coi sàn vàng như xới bạc là một suy nghĩ thiển cận. Hiện nay, với giao dịch vàng tương lai, NĐT có thể đặt mua giá vàng trong tương lai (1 tuần hoặc lâu hơn) ở thời điểm hiện tại với mức giá xác định. Chẳng hạn, một NĐT có nhu cầu mua 100 lượng vàng để thanh toán tiền mua nhà sau đó 7 ngày, có thể đặt một mức giá và 7 ngày sau cho dù thị trường vàng biến động thế nào, sàn vàng vẫn giao đủ 100 lượng vàng đó.

Thêm một lý do nữa, hệ thống giao dịch điện tử tự động tại một số sàn vàng hiện cho phép lệnh của NĐT được xử lý một cách công khai, giảm thiểu rủi ro do tác nghiệp chủ quan của nhân viên giao dịch. Để hạn chế những sai sót, nhầm lẫn về giá của NĐT trong lúc đặt lệnh, có sàn vàng như tại CTCP Đầu tư vàng Việt Nam đặt phần mềm chặn tất cả các lệnh có biên độ giá cao/thấp hơn 5% so với giá khớp lệnh gần nhất…

Vài nét chấm phá chắc chưa đủ để vẽ nên diện mạo sàn vàng năm qua. Và đầu tư vàng qua sàn có phải là đánh bạc hay không có lẽ còn gây nhiều tranh cãi…

Nhân năm mới Trâu vàng, xin được gửi đến NĐT vàng hai câu đồng dao chế tác lại: "Khi mê vàng chỉ là vàng. Ngộ rồi mới biết, trong vàng có tâm".

Nguyên Thành
Nguyên Thành

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ