“Nếu Thủ tướng yêu cầu, chúng tôi sẽ nộp 1.000 tỷ đồng”

Sau khi Bộ Tài chính kiến nghị thu điều tiết 50% lợi nhuận (tương đương 1.044 tỷ đồng) của Nhà máy Đạm Phú Mỹ, trao đổi với báo giới, bà Phan Thị Hòa, Ủy viên Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam), đơn vị nắm 60% cổ phần Nhà máy Đạm Phú Mỹ khẳng định, nếu Thủ tướng yêu cầu, đơn vị này sẽ nộp lại hơn 1.000 tỷ đồng do chính sách ưu đãi của Nhà nước mà có.

Chính phủ đã có chính sách ưu tiên cho Phú Mỹ mua khí khô với giá rất thấp để tạo điều kiện cho nhà máy hoạt động ổn định, bình ổn thị trường, nhưng Phú Mỹ vẫn bán phân đạm với giá rất cao cho nông dân để tạo lợi nhuận hàng ngàn tỷ đồng?

Theo dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Đạm Phú Mỹ thì giá thành đạm urea dự kiến từ 180-220 USD/tấn. Giá bán đạm dự kiến là 180 USD/tấn. Giá mua khí khô của Phú Mỹ được thực hiện theo Quyết định số 166/2001 của Thủ tướng, theo đó, quy định giá bán khí khô cho Nhà máy Đạm Phú Mỹ là 1,3 USD/triệu BTU cho 10 năm đầu và 1,7 USD/triệu BTU cho 10 năm tiếp theo.

Từ khi đi vào hoạt động, Đạm Phú Mỹ đã tích cực tham gia bình ổn thị trường. Chúng tôi quy định giá bán đạm urea của đơn vị này thấp hơn 5% so với giá thành urea của các đơn vị nhập khẩu khác về bán ở Việt Nam . Đạm Phú Mỹ đã chiếm 35% trong số hơn 2 triệu tấn urea tiêu thụ mỗi năm ở Việt Nam .

Chúng tôi có thể giảm giá bán hơn nữa nhưng điều đó sẽ gây khó khăn cho các đơn vị nhập khẩu. Không có lãi, họ không nhập khẩu về bán, nông dân sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp.

 

Việc Chính phủ cho mua khí với giá ưu đãi 1,3 USD/triệu BTU là thực hiện theo phương án giá thành sản xuất, bán phân đạm dao động ở mức khoảng 200 USD/tấn. Nhưng thực tế giá bán đạm của Phú Mỹ lên tới 250-300 USD/tấn. Tại sao PetroVietnam không điều chỉnh lại để bảo đảm công bằng với các khách hàng đang phải mua theo giá thị trường là 3-3,3 USD/triệu BTU?

Mỏ Bạch Hổ và Rạng Đông cung cấp khí cho Phú Mỹ có đặc thù là chúng ta được chủ động sử dụng quyết định giá bán. Còn các mỏ khác như Nam Côn Sơn, giá bán trên cơ sở thỏa thuận với các đối tác nước ngoài, không thể giảm được.

 

Nhưng, nay Đạm Phú Mỹ đã là công ty cổ phần. Chính phủ càng ưu đãi, lợi nhuận sẽ càng chảy vào túi tư nhân...

Chính vì vậy, Bộ Tài chính mới kiến nghị thu điều tiết hơn 1.000 tỷ đồng lợi nhuận do ưu đãi mà có. Chỉ có ở doanh nghiệp nhà nước thì mới có chuyện kiến nghị như vậy. Còn nay, Đạm Phú Mỹ hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, không thể thu điều tiết lợi nhuận của họ.

 

Nói như vậy thì ngay cả khi Thủ tướng chấp thuận kiến nghị của Bộ Tài chính thì Đạm Phú Mỹ cũng sẽ không phải nộp lại hơn 1.000 tỷ đồng tiền lãi?

Đúng vậy. Đơn vị phải chịu trách nhiệm nộp lại (nếu Thủ tướng yêu cầu) là PetroVietnam chứ không phải Đạm Phú Mỹ. 2.089 tỷ đồng lợi nhuận từ 2004 đến 2006 đã được phân bổ vào quỹ đầu tư phát triển, quỹ dự phòng tài chính, quỹ phúc lợi, khen thưởng...

Lợi nhuận và một phần vốn của Đạm Phú Mỹ trước khi cổ phần hóa đã nộp về tập đoàn trên 1.500 tỷ đồng. Nếu phải nộp, chúng tôi sẽ trích từ số tiền này. Các nhà đầu tư và cổ đông của Phú Mỹ sẽ không bị ảnh hưởng quyền lợi.

 

Nhưng trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ Công nghiệp mới đây, ông Trần Ngọc Cảnh, Tổng giám đốc PetroVietnam đã kiến nghị vẫn duy trì quỹ bù giá khí cho Phú Mỹ, vẫn giữ mức giá bán khí thấp như hiện nay và không thu lại 50% lợi nhuận?

Hơn 1.000 tỷ đồng với một tập đoàn có vốn chủ sở hữu 5 tỷ USD như chúng tôi chỉ là chuyện nhỏ.

Chỉ có điều, chúng tôi đang thực hiện hàng loạt dự án quan trọng, đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Ngay cả Bộ Tài chính cũng được giao nhiệm vụ tham gia tạo điều kiện về vốn cho chúng tôi, nên đề nghị không thu nộp là để lại số tiền ấy phục vụ đầu tư kinh doanh. Việc duy trì quỹ bù giá thì không riêng gì Phú Mỹ; tới đây cần phải có quỹ này cho các hộ tiêu thụ điện, đạm...

Riêng giá bán khí cho Đạm Phú Mỹ, thực tế sau khi cổ phần hóa thì theo quyết định của Bộ Công nghiệp ngày 15/2/2007, giá bán khí cho Phú Mỹ là 2,2 USD/triệu BTU cố định đến 2010 và theo giá thị trường là 3,66 USD/triệu BTU từ năm 2013.

 

Thưa bà, Đạm Phú Mỹ lãi lớn nhưng giá cổ phiếu chỉ khoảng 54.000 đồng/cổ phiếu. Có phải do có nhiều cán bộ tham gia mua cổ phiếu nên đã ghìm giá, gây thiệt hại cho Nhà nước (vì bán cổ phiếu rẻ). Cũng có dư luận cho rằng, vì có cán bộ, quan chức có cổ phần nên Đạm Phú Mỹ được ưu ái...

Do giá khí Phú Mỹ mua thấp nên đã tác động, góp phần làm giá cổ phiếu cũng thấp. Đạm Phú Mỹ được phê duyệt đấu giá cổ phiếu đúng vào thời điểm giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tụt dốc rất mạnh nên đã tác động đến kết quả đấu giá.

Cũng vì lý do này, Chủ tịch Hội đồng Quản trị PetroVietnam từng kiến nghị để cho doanh nghiệp được quyết định thời điểm phát hành, đấu giá cổ phiếu. Giá được coi là thấp như vậy nhưng nhiều cán bộ của tập đoàn không mua cổ phiếu của Phú Mỹ. Mức giá đó không phải là cao so với giá trị thực của Phú Mỹ...

PV
PV

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,284.09 -6.09 -0.47% 232,038 tỷ
HNX 242.58 -1.33 -0.55% 1,769 tỷ
UPCOM 91.57 0.09 0.09% 657 tỷ