Năm 2017, ngành quỹ dự báo khởi sắc hơn

(ĐTCK) Thực tế cho thấy, ngành quản lý quỹ Việt Nam đã có năm 2016 hoạt động khá khởi sắc, với sự tăng trưởng về quy mô, kết quả hoạt động cũng như số lượng quỹ ra đời. 
Ngành quản lý quỹ được dự báo tiếp tục  tăng trưởng cả về quy mô và chất lượng hoạt động trong năm tới 
Ngành quản lý quỹ được dự báo tiếp tục tăng trưởng cả về quy mô và chất lượng hoạt động trong năm tới

Các công ty quản lý quỹ đã dần lấy lại được niềm tin nơi khách hàng và đang chung tay góp sức để phổ biến hình thức đầu tư quỹ mở tới đông đảo nhà đầu tư. Nền tảng đã được xây dựng trong năm 2016 mở ra cơ hội năm 2017 cho nhiều quỹ đầu tư.

2016: Quỹ mở cổ phiếu, trái phiếu ghi dấu ấn…

Những diễn biết bất lợi của thị trường cổ phiếu trong 2 tháng cuối năm đã ảnh hưởng phần nào đến kết quả hoạt động của ngành quỹ, song nhiều quỹ mở cổ phiếu vẫn đạt mức tăng trưởng NAV/CCQ (giá trị tài sản ròng-NAV/chứng chỉ quỹ-CCQ) khả quan.

Dẫn đầu là Quỹ SSI-SSA của Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM) với mức tăng 20,78%, theo sau đó là các quỹ VCBF-BCF (17,19%), VFMVF4 (14,45%), VEOF (14,28%). Các quỹ cân bằng cũng cho thấy kết quả hoạt động tương đối đồng đều, dao động từ 11,75% (VCAMBF) đến 17,83% (VFMVF1).

Mặc dù vậy, tính đến 23/12/2016, một số quỹ mở cổ phiếu có tăng trưởng NAV/CCQ âm so với thời điểm 31/10/2016. Trong đó, Quỹ VCBF-BCF có mức sụt giảm cao nhất -4,61%. Quỹ VFMVFA dù đạt mức tăng trưởng là +6,21%, tuy nhiên, mức tăng trưởng này cũng không giúp quỹ này đạt được kết quả tốt trong cả năm, khi mức tăng trưởng từ đầu năm đến ngày 23/12/2016 vẫn là con số âm (-5,84%).

Xu hướng lãi suất thấp kéo dài và ít biến động, cùng với việc lãi suất VND hiện đang ở mức gần như thấp nhất trong 3 năm trở lại đây, đã ảnh hưởng phần nào tới hiệu quả đầu tư của các quỹ mở trái phiếu. Tuy nhiên, đây vẫn được đánh giá là kênh đầu tư tương đối ổn định, mang tính bền vững, lâu dài. Quỹ BVBF của Baoviet Fund dù mới đi vào hoạt động từ tháng 5/2016 đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng là 8,21%. Các quỹ trái phiếu khác cũng có mức tăng trưởng khá ổn định từ 7-8%. Quỹ MBBF có mức tăng trưởng thấp nhất, song cũng đạt 6,61%.

Trong năm 2016, chỉ có 2 quỹ mở mới ra đời là Quỹ đầu tư trái phiếu Bảo Việt (BVBF) và Quỹ đầu tư cổ phiếu triển vọng Bảo Việt (BVPF), đều được quản lý bởi Công ty Quản lý quỹ Bảo Việt (Baoviet Fund). Có thể thấy, đây là một trong những công ty quản lý quỹ có hoạt động phát triển sản phẩm tích cực nhất thị trường.

Hiện nay, toàn thị trường có 18 quỹ mở, trong đó có 5 quỹ đầu tư trái phiếu, 4 quỹ cân bằng và 10 quỹ đầu tư cổ phiếu (riêng Quỹ BVPF mới hoàn thành chào bán IPO). Tính đến 23/12/2016, tổng quy mô các quỹ mở đạt hơn 3.000 tỷ đồng, tăng 41% so với cuối năm 2015. Lý giải cho sự khởi sắc trong hoạt động huy động vốn đầu tư của các quỹ mở, có thể thấy những nguyên nhân nổi bật như là kết quả đầu tư tích cực của các quỹ, bên cạnh việc nhà đầu tư đã dần biết đến và tiếp nhận hình thức đầu tư mới mẻ này.

Ấn tượng nhất trong việc huy động vốn vào quỹ mở phải nói đến Quỹ TCBF của Techcombank Capital. Tổng tài sản quản lý của quỹ tính đến 23/12/2016 tăng trưởng đến 683% so với thời điểm cuối năm 2015. Riêng trong khoảng thời gian 2 tháng, từ cuối tháng 10/2016 đến tháng 12/2016, tài sản của quỹ đã tăng trưởng gấp đôi, từ 200 tỷ đồng lên 487 tỷ đồng. Theo sau là các quỹ VEOF, VCBF-BCF, VCBF-TBF với mức tăng trưởng AUM từ 60-90%.  Ngược lại, có một số quỹ mở vẫn phải đối mặt với tình trạng nhà đầu tư rút ròng như VFMVFA, SSI-SCA, MBBF.

… nhạt nhòa ETF

Gần 2 năm có mặt trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng dấu ấn mà các quỹ ETF nội (quỹ mô phỏng chỉ số, hoán đổi danh mục) để lại rất mờ nhạt. Dù kết hợp được cả đặc tính của 2 loại hình quỹ đóng và quỹ mở, tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn chưa thực sự mặn mà với 2 quỹ ETF nội hiện có là VFMVN30 và SSIAM HNX30.

So với các quỹ ETF ngoại thì ETF nội có nguồn vốn thấp hơn và đây cũng là một thiệt thòi đáng kể. Vốn ít, nên những giao dịch của ETF nội khó lòng “tạo sóng” hay “gây bão” trên thị trường, để từ đó tạo ra sự cuốn hút riêng. Bên cạnh đó, các chỉ số mô phỏng là VN30 và HNX30 lại tăng trưởng kém tích cực trong 2 năm gần đây, dẫn đến điểm kém hấp dẫn của ETF trong con mắt của nhà đầu tư. Trong năm 2017, với việc ra đời của nhiều chỉ số khác, hy vọng sẽ đem lại một làn gió mới đối với dòng sản phẩm quỹ này.

Xu hướng phát triển sản phẩm quỹ năm 2017

Hiện tại, các dòng sản phẩm quỹ mở, quỹ ETF và quỹ thành viên đã từng bước đi vào ổn định và phát triển, đặc biệt là dòng sản phẩm quỹ mở.

Ra đời từ tháng 3/2013, quỹ mở được coi là sinh lực của ngành quản lý quỹ nhờ tính ưu việt về thanh khoản, tăng trưởng lợi nhuận tốt, đa dạng hóa sản phẩm đầu tư. Tuy nhiên, do chưa có ưu đãi về thuế, điều kiện thị trường chưa thuận lợi và một số quy định còn chưa phù hợp với thực tế, các loại hình quỹ bất động sản (REITS) chưa phát triển mạnh trong giai đoạn gần đây, mặc dù khung pháp lý đã ra đời trong năm 2012 với Thông tư 228/2012/TT-BTC. Hiện tại, trên thị trường mới có 1 quỹ đầu tư bất động sản là Quỹ TCREIT của Công ty TNHH Quản lý quỹ Kỹ Thương.

Bên cạnh đó, với dòng tiền tín dụng vào thị trường bất động sản dự báo sẽ siết chặt hơn vào năm 2017 và thói quen nắm giữ bất động sản của người Á Đông hơn là đầu tư gián tiếp vào bất động sản, dự báo dòng sản phẩm này sẽ không có nhiều biến động trong năm 2017.

Theo chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 252/QĐ-TTg, mục tiêu phát triển của ngành quỹ đến năm 2020 là đa dạng hóa sản phẩm quỹ đầu tư chứng khoán; tăng quy mô và chất lượng hoạt động của các quỹ đầu tư; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, khuyến khích nhà đầu tư tổ chức, các quỹ đầu tư chứng khoán đầu tư vào thị trường chứng khoán, phát triển nguồn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế.

Năm 2017, ngành quỹ dự báo khởi sắc hơn ảnh 3 

Năm 2016, Chính phủ ban hành Nghị định 88/2016/NĐ-CP về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện, tạo hành lang pháp lý cho sự ra đời và hoạt động của Quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện. Theo thống kê của Bộ Tài chính, với 80% số người lao động khi về hưu sẽ không có sự đảm bảo chắc chắn về thu nhập, nhu cầu bảo hiểm hưu trí tự nguyện có thể tăng cao.

Sự ra đời của các quỹ hưu trí tự nguyện hoạt động theo cơ chế quỹ mở được kỳ vọng có những tác động vĩ mô, tạo ra kênh dẫn vốn ổn định, hiệu quả đối với trái phiếu Chính phủ, hỗ trợ ngân sách nhà nước huy động vốn đầu tư cho các dự án, mục tiêu kinh tế xã hội dài hạn. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất để triển khai quỹ hưu trí tự nguyện hiện tại ở Việt Nam là thuế.

Kinh nghiệm từ các nước cho thấy, do tính chất tự nguyện của việc tham gia đóng góp vào Quỹ hưu trí tự nguyện, điều quan trọng là cần phải có các chính sách ưu đãi thuế phù hợp với các khoản đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động. Việt Nam hiện chưa có ưu đãi gì đáng kể về thuế đối với dòng sản phẩm này.

Cùng với sự tiến triển mang tính quy luật đã được ghi nhận tại các thị trường quốc tế, những điều chỉnh kịp thời về chính sách khuyến khích sự phát triển và sự ổn định của kinh tế vĩ mô, cơ hội tăng trưởng về quy mô và chất lượng hoạt động của ngành quản lý quỹ trong năm 2017 đang rộng mở. Ngành quỹ phát triển sẽ góp phần “cải biến” hiện trạng 99% nhà đầu tư là nhỏ lẻ trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Phú Bảo

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,204.97 -0.64 -0.05% 141,739 tỷ
HNX 227.57 -0.3 -0.13% 1,224 tỷ
UPCOM 88.33 -0.04 -0.04% 488 tỷ