Mua giấy tờ có giá lãi suất cao

Gần đây, bên cạnh huy động tiết kiệm, ngân hàng (NH) còn phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, trái phiếu - gọi là giấy tờ có giá - có lãi suất cao hơn so với tiết kiệm. Vì sao lại là giấy tờ có giá và người mua cần lưu ý gì để có lợi nhất?
Chọn hình thức mua giấy tờ có giá sẽ có lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm. Chọn hình thức mua giấy tờ có giá sẽ có lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm.

Khi phát hành giấy tờ có giá, hầu hết các NH đều có một thể lệ riêng kèm theo cho đợt phát hành.

 

Lãi suất cao

 

Các loại chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, trái phiếu thường có thời hạn (3,6,9, 12 tháng hoặc 2 năm...), có mệnh giá (1 triệu, 5 triệu đồng...; 100, 500 USD...). Trong khi với tiết kiệm thì gửi mỗi sổ bao nhiêu là quyền của người gửi. Khi phát hành các loại giấy tờ có giá, NH phải xin phép NH Nhà nước và đều đã có mục đích sử dụng vốn cụ thể, vì thế NH thường ấn định lãi suất, số lượng, thời hạn bán. Trường hợp đắt hàng, bán đủ số lượng trước hạn thì NH sẽ kết thúc đợt bán giấy tờ có giá trước hạn.

 

Vì đã có kế hoạch sử dụng vốn nên lãi suất của giấy tờ có giá luôn cao hơn tiền gửi tiết kiệm có cùng kỳ hạn. Như tại Vietcombank, lãi suất tiết kiệm 3 tháng là 7,3%/năm nhưng lãi suất chứng chỉ tiền gửi có cùng kỳ hạn là 7,42-7,45%/năm, tùy số lượng tiền gửi.

 

Mới đây NH Nhà nước vừa chấp thuận cho NH Kỹ thương (Techcombank) phát hành 8.000 tỷ đồng trái phiếu. Hiện NH Ngoại thương VN (Vietcombank) phát hành chứng chỉ tiền gửi đợt 1/2009 với kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng với lãi suất bậc thang lên đến 7,65%/năm. NH Phát triển nhà ĐBSCL cũng đang phát hành 2.000 tỷ đồng kỳ phiếu VND kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng và 364 ngày, lãi suất 7,5-7,9%/năm, trong đó khách hàng có thể rút trước hạn và lãi suất sẽ tính theo thời gian thực gửi.

 

Còn NH Đầu tư - Phát triển phát hành chứng chỉ tiền gửi VND và USD kỳ hạn 1 năm, 2 năm, 3 năm và 5 năm. Tuy là chứng chỉ tiền gửi dài hạn nhưng khách hàng có thể thanh toán trước hạn và lãi suất không cố định, được điều chỉnh định kỳ hằng năm theo nguyên tắc cao hơn lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng trên thị trường... Với NH Đại Dương (OceanBank) thì có kỳ phiếu VND và USD kỳ hạn 364 ngày, mệnh giá tối thiểu 1 triệu đồng và 100 USD lãi suất đến 8,7%/năm...

 

Mua - bán

 

Đọc kỹ thể lệ

 

Theo các chuyên gia NH, giấy tờ có giá là loại hình thức đầu tư có lãi suất cao hơn tiết kiệm, vì vậy người mua cần phải tính toán kỹ, chỉ nên mua khi đã kế hoạch hóa được việc sử dụng vốn của mình. Giả sử trong sáu tháng tới không có kế hoạch sử dụng tiền thì có thể mua kỳ phiếu hoặc chứng chỉ tiền gửi.

 

Trường hợp có nhu cầu sử dụng vốn nên dành ra một phần gửi tiết kiệm thông thường hoặc chọn những NH có thể lệ phát hành giấy tờ có giá “lai” tiết kiệm để linh hoạt trong sử dụng vốn. Đặc biệt phải hỏi kỹ về mức lãi suất cho vay nếu NH quy định chỉ có thể rút vốn bằng cách cầm cố giấy tờ có giá để vay lại tiền.

Cũng mang tiền đến NH, nếu chọn tiết kiệm thì người ta gọi là gửi tiết kiệm. Nhưng nếu chọn giấy tờ có giá thì không gọi là gửi nữa mà là mua, và bên bán là NH gọi là bên phát hành. Sự khác nhau giữa gửi và mua này dẫn đến nhiều điểm khác với gửi tiết kiệm.

 

Khi NH đã bán giấy tờ có giá, bên mua không thể muốn lấy tiền về lúc nào cũng được, nếu chưa hết thời hạn đã ghi trên tờ chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, trái phiếu. Cho đến nay tâm lý chung của người gửi tiền NH là tiền của tôi gửi tại NH, khi cần tôi lấy về. Các NH cũng chia sẽ suy nghĩ này, áp dụng với các loại hình thức tiền gửi tiết kiệm. Nhưng với giấy tờ có giá thì có quy định riêng và nếu căng ra thì người mua kỳ phiếu, trái phiếu sẽ... không thể rút tiền về trước hạn. Như chứng chỉ tiền gửi do Vietcombank đang phát hành có điều kiện “không được rút vốn trước hạn”.

 

Tuy nhiên, NH cũng mở để người mua có thể rút vốn trước hạn là “có thể cầm cố để vay vốn”. Khi cần rút vốn trước hạn, NH có thể cho vay lại với tài sản đảm bảo là chứng chỉ tiền gửi, thực chất là người mua bán lại chứng chỉ tiền gửi này cho NH để thu hồi vốn. Tất nhiên, lãi suất cho vay lại phải cao hơn lãi suất mà NH đã trả cho người mua chứng chỉ tiền gửi. Ở một số NH, để người mua giấy tờ có giá an tâm, trong thể lệ phát hành giấy tờ có giá có ghi luôn mức lãi suất cho vay trong trường hợp người mua cần thu hồi vốn trước hạn.

 

Giấy tờ có giá “lai” tiết kiệm

 

Gần đây, do cạnh tranh trong huy động vốn, một số NH đã tạo sự khác biệt cho giấy tờ có giá bằng cách vận dụng một số điểm của thể lệ gửi tiền tiết kiệm vào trong giấy tờ có giá. Chủ yếu là cho khách hàng rút trước hạn và được trả một phần lãi.

 

Như chứng chỉ tiền gửi của NH Phát triển nhà ĐBSCL có nhiều thời hạn, tối đa là 364 ngày, người mua muốn thu hồi vốn trước hạn vẫn được trả lãi suất. Nếu thời gian thực mua dưới ba tháng thì chỉ được trả lãi suất không kỳ hạn, thực mua trên ba tháng và dưới sáu tháng được trả lãi theo kỳ hạn 3 tháng...

 

Hoặc chứng chỉ tiền gửi của NH Đầu tư và Phát triển VN, do thời hạn có loại đến năm năm nên ngay trong thể lệ của chứng chỉ tiền gửi, NH này cũng đã cam kết cho người mua được rút vốn trước hạn nhưng lãi suất thì được thả nổi tùy theo lãi suất của thị trường ở thời điểm mà người mua chứng chỉ tiền gửi rút trước hạn.

 

Theo các chuyên gia NH, quy định về giấy tờ có giá “lai” tiết kiệm tương đối dễ chịu và được người gửi tiền chấp nhận do vẫn giúp họ linh hoạt trong việc sử dụng vốn và vẫn được hưởng lãi suất cao.


TT

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,286.14 -4.04 -0.31% 137,237 tỷ
HNX 243.23 -0.68 -0.28% 1,199 tỷ
UPCOM 91.42 -0.06 -0.07% 449 tỷ